parismatch.com, Daphne Mongibeaux, 2016-02-23
Trích từ tài liệu của Thierry Michel “Người vá sửa lại cho các phụ nữ”
Ông giải phẫu cho các phụ nữ bị hiếp, phẫu thuật đã mang lại nhân phẩm và niềm vui sống cho họ. Vị anh hùng thời nay được đề nghị lãnh giải Nobel năm 2015 (ông nhận giải Nobel năm 2018), ông đương đầu để tranh đấu ở một nước đang bị nội chiến gặm nhắm, mặc cho nguy hiểm có thể hại đến tính mạng của mình, chúng tôi có cuộc phỏng vấn độc quyền với ông.
Trên ngọn đồi Kivu xanh mướt, các em bé “Mukwege” chạy lúp xúp đàng sau mẹ. Để vinh danh người đã “mổ sửa” cho họ, họ lấy tên bác sĩ Mukwege để đặt tên cho con mình. Đối với bác sĩ Denis Mukwege, người giải phẫu cho các bà mà cơ quan sinh dục đã bị hủy hoại trong những cuộc hiếp dâm man rợ, các đứa bé này là biểu tượng cho một niềm hy vọng vô biên. Từ năm 1999, bác sĩ Mugwege đã mang lại nhân phẩm cho gần 40 000 phụ nữ trong vùng. Ở bệnh viện Panzi của ông, ông đối diện với điều khủng khiếp: các vụ hiếp dâm tập thể, thường là với những vật nhọn, hoặc các trường hợp phá thai bằng tay trần, tử cung và vú bị xẻo… Ngoài các chấn thương, các hư hại thể xác như vết thương mưng mũ, bị đái tháo, bị vô sinh, số phận của những người đàn bà này còn lâm vào cảnh khốn cùng và cô độc. Bác sĩ Mukwegekhông thích nhắc đến những người có trách nhiệm, cũng không muốn đếm con số các nạn nhân, nhưng, từ nhiều năm nay, ông không ngừng báo động vấn đề này với cộng đồng quốc tế. Ngoài các vinh danh, các huy chương thì Liên Hiệp Quốc, các cơ quan, các nhân vật truyền thông trên toàn thế giới đã tặng cho ông hàng triệu đôla để ông săn sóc các phụ nữ này và giúp họ tái hội nhập vào xã hội. Nhưng đặc sủng, nụ cười quảng đại và năng lực của ông không còn đủ. Làm sao chấm dứt cái vòng bạo lực mà nước của ông đang lún ngập trong đó? Các phòng ở tầng hầm của ông chứa hơn một nửa trữ lượng coltan của thế giới, một loại quặng cần thiết để chế tạo điện thoại cầm tay. Bác sĩ Denis Mukwege gây khó chịu cho nhà cầm quyền Congo và các dân quân địa phương, họ sẵn sàng làm đủ phương cách để có nguồn trữ lượng quý báu này.
Năm 2012, họ muốn ám sát ông tại tư gia ông. Từ đó, ông sống dưới sự bảo vệ của Liên Hiệp Quốc. Năm 2015, ông được đề cử nhận giải Nobel (ông nhận giải Nobel năm 2018). Con người nồng hậu, ấn tượng và gấp gáp này thường xuyên đổi từ chiếc áo bờ-lu trắng nhà thương qua bộ vét lịch sự. Trong chuyến đi Paris tháng mười, ông canh từng tiếng còi hụ của cảnh sát. Trên chiếc taxi chở ông đến điện Elysée để gặp Tổng thống Pháp François Hollande, ông nói đôi khi ông mệt vì phải “mổ sửa”, ông mơ Quốc gia Congo và các nhà cầm quyền trên thế giới cũng nghĩ như ông, là mọi người có thể sống chung với nhau. Hy vọng điên cuồng chăng? Ông là mục sư, là con của mục sư, là người cha của năm đứa con, là người yêu thiên nhiên, giữa hai lần khám bệnh, ông tìm sức sống ở các ngọn đồi trong vùng của mình để sống xa thực tế hàng ngày một chút. Đối với các phụ nữ bị hiếp, bị đánh đập, bị chấn thương, ông là hình ảnh người cha cứu nguy của họ. Họ đã chẳng gọi ông là “bố Mukwege” đó sao? Chính nhờ họ, với niềm vui vẻ, với sức sống của họ, họ đã mang sức mạnh lại cho ông để ông tiếp tục công việc của mình. Dù cho các thể chế chủ trương bất động không can thiệp, họ không làm một cố gắng nào để đi tìm, để xét xử, để lên án những người phạm tội. Vậy mà từ cuộc chiến đầu tiên ở Congo năm 1996, núi rừng ở đây đã chứng kiến cảnh máu chảy của gần 4 triệu người dân Congo và Rwanda, ông Denis Mukwege cầu nguyện để có hòa bình, để có cứu rỗi. Đối với ông, “ai cũng có thể được cứu”.
Paris Match. Từ hơn mười năm nay, trên bục của các nước lớn nhất thế giới, ông nói đến việc hiếp dâm của các phụ nữ Congo như một “vũ khí chiến tranh”, cơ thể họ trở thành “bãi chiến trường”. Người ta có thể nói bạo lực là phần số của vùng này…
Bác sĩ Denis Mukwege. Không, sự man rợ không phải bẩm sinh nơi người Congo! Nhưng có một sự thiếu quyết tâm của nhà cầm quyền để chấm dứt các hung bạo này! Chúng tôi cần những hành động cụ thể. Các nhà bảo trợ và các người có trách nhiệm phải trả lời cho hành động của họ và họ phải trả giá. Không phải chỉ chọn ba hay bốn chúa tể chiến tranh đem ra xét xử là đủ. Đối với các nạn nhân, điều này chẳng nghĩa lý gì! Vấn đề là các phụ nữ bị hiếp gặp những người hiếp mình mỗi ngày trong làng. Năm 2009, sau các cuộc thương thuyết, các cựu binh sĩ nổi loạn tái gia nhập quân đội Congo, bây giờ họ về lại nơi họ đã phạm tội ác. Điều này như một ngọn lửa giết dần dần các nạn nhân.
“Khi tiêu hủy phụ nữ, họ tiêu hủy cả xã hội”
Liên Hiệp Quốc nói có 500 000 vụ hiếp dâm ở Đông Congo. Năm 2010, bà Margot Wallstrưm, đại diện Liên Hiệp Quốc đã gọi Bakavu là “thủ đô hiếp dâm của thế giới”. Người ta có thể nào nghi các cơ quan Phi Chính Phủ địa phương muốn thổi phồng con số để đảm bảo có đủ ngân sách cho họ không?
Người ta còn nói các con số là quá đáng, và ngay cả chẳng có vấn đề gì! Không thể nào đi vào tranh luận của các con số khi vấn đề chính là thủ phạm không bị phạt. Dù cho chỉ có một người đàn bà bị hiếp, thi người đàn bà đó có quyền phẫn nộ. Có cần phải có đến hàng ngàn người bị hiếp mới quyết định chấm dứt nạn man rợ này? Mỗi người sống trong cái đau khổ riêng của mình.
Các tội phạm tình dục bây giờ là các công dân chứ không còn là các cựu phản loạn quân. Ông có xác nhận điều này không?
Khi trong một làng có 200 vụ hiếp dâm thì tất nhiên đây là một đặc vụ được điều khiển… Các khu rừng Kivu, nơi ở của chiến quân địa phương, họ tìm cách kiểm soát đất đai nên họ gieo kinh hoàng. Tôi nghĩ dễ dàng để nói, có một vấn đề ở tầm xã hội dân sự. Điều này cho cảm tưởng người Congo ở Kivu không còn giá trị. Rõ ràng là người ta để các em bé “phù thủy” đi xuống hố (em bé có hai cha mẹ bị chết trong các cuộc xung đột). Cách đây 20 năm, người ta cho các em bé dưới 14 tuổi này một khẩu kalachnikov và hứa cho các em tiền bạc, thức ăn và đàn bà: các em nhanh chóng mất hết tất cả chuẩn mốc. Một vài em còn bị cưỡng bức đi tấn công dã man chính các thành viên của gia đình mình. Thay vì giúp đỡ các em, họ để mặc cho các em làm. Bây giờ họ luôn dùng hiếp dâm như “vũ khí chiến tranh” để chống với dân chúng dân sự.
Theo bác sĩ, hiếp dâm có luôn là một “chiến lược,” chiến lược hủy hoại đàn bà. Bác sĩ đã “mổ sửa” cho các em bé gái, thậm chí phải mổ cho các em còn rất nhỏ, sau khi các em bị hiếp với những vật nhọn. Đâu là chỗ đứng của phụ nữ trong xã hội Congo để có thể đưa đến một tình trạng đe dọa này?
Tôi hằng quan tâm đến vấn đề này. Tôi nghĩ phụ nữ đóng một vai trò chủ lực trong xã hội Congo. Buổi sáng họ dậy sớm để ra đồng, họ đi gặt, họ đi chợ, họ mang trên vai gánh nặng gấp đôi sức nặng con người họ, họ đem tiền về, họ trả tiền học, tiền thuốc cho con…
Tôi bảo đảm, nếu những người đàn bà này được khuyến khích, họ sẽ vực được nền kinh tế Congo! Khi hủy hoại họ là hủy hoại luôn cả xã hội. Điều gì xảy ra cho người không còn vai trò người mẹ, người con gái, người chị? Người mà bộ phận sinh dục bị hủy do hiếp dâm thì bị chồng, bị gia đình ruồng bỏ. Người phụ nữ đó bị đái tháo, bị không còn nuôi con được, bị mọi người phỉ nhổ. Và người phụ nữ đó còn sợ ra đồng làm việc. Tôi có khám lại một phụ nữ mà tôi đã mổ sau khi bà bị hiếp. Bà được lành không còn bị đái tháo, bà về làng, bà ra đồng làm việc… và bà bị hiếp lại một cách dã man. Bây giờ bà không muốn rời bệnh viện nữa.
“Đôi khi tôi nhục
cho chính đàn ông chúng tôi”
Các hung bạo tình dục đối với trẻ em có tăng hơn không?
Cách đây mười lăm năm, tôi chưa bao giờ mổ một em bé gái bị hiếp với xương chậu bị vỡ nát. Bây giờ, tôi vừa công bố 251 trường hợp trẻ em bị xẻo. Ở Âu Châu, kẻ hiếp dâm sẽ cố gắng xóa vết tích tội phạm của mình; tệ lắm thì họ sẽ giết nạn nhân. Trong các làng ở Kivu, kẻ hiếp dâm vừa hiếp người trong gia đình mình vừa nói: “Này, nhìn xem chúng tôi có thể làm như thế này nè!” Thật kinh hoàng, không còn gì để nói!
Loạt bài cuối cùng của ông về các phụ nữ được mổ vá vết rò giữa bàng quang và âm hộ cho biết tỷ lệ thành công là 92% trong 728 trường hợp. Một khi mổ xong, làm thế nào để giúp họ tái nhập lại vào xã hội?
Tôi xin nói rõ, một vài bà mẹ trẻ có bàng quang hay ống tiểu bị hư sau một trường hợp sinh đẻ khó chứ không phải bị hiếp. Có 92% các phụ nữ này được lành sau một hay nhiều lần giải phẫu nhưng đa số không thể nào có con hoặc có giao hợp bình thường. Họ được trợ giúp về mặt tâm lý và pháp lý, họ được mượn một số vốn nhỏ để làm sinh kế.
Bác sĩ nói các phụ nữ này là những người có chức bậc ngoại hạng, can đảm phi thường…
Đúng, tôi kính phục họ! Sức mạnh của họ mang lại năng lực cho tôi. Một vài người bị cho là không thể chữa lành, họ đi học lại, họ tìm lại được sở thích muốn làm đẹp. Khổ thay khi họ có bạn trai, họ lại về khóc với tôi vì họ không thể nào đáp ứng dục vọng của người đàn ông. Thật là bi thảm. Tôi biết, khi tôi về lại Congo, họ sẽ đến xin tôi tìm cách nào để có thể mang lại cho họ những gì họ đã bị mất.
Các người đàn ông, các người cha, người chồng, người anh có vẻ như vắng mặt. Chỉ có một mình ông chiến đấu sao?
Tôi nghĩ một vài người đàn ông đã chứng kiến cảnh vợ mình bị hiếp sẽ ở lại với vợ, dù họ bị áp lực xã hội cho rằng họ không thể nào có quan hệ tình dục với vợ nữa. Họ bị chấn thương và không nhận một sự trợ giúp nào. Nhưng đôi khi, tôi nhục cho chính đàn ông chúng tôi. Trong cuốn phim của Thierry Michel, tôi đã đặt câu hỏi: “Các ông ở đâu?”
Các phụ nữ danh tiếng xót xa cho số phận phụ nữ ở Kivu. Năm 2009, bà Hillary Clinton đã viếng thăm vùng này, nữ diễn viên Angelina Jolie hay văn sĩ Eve Ensler, tác giả cuốn “Độc thoại của âm hộ” đã gây được một số quỹ quan trọng để giúp ông mổ sửa cho các phụ nữ này. Nhưng các chính trị gia ở đâu?
Làm thế nào, với tất cả thông tin mà chúng tôi có thông qua các phương tiện truyền thông mà người ta vẫn còn dửng dưng với số phận phụ nữ ở Kivu từ mười lăm năm nay? Đó là câu hỏi tôi không ngừng tự đặt cho tôi.
“Càng ngày tôi càng thấy có nhiều em bé dưới 5 tuổi mà bụng dưới bị hủy vì bị hiếp”

Bác sĩ Guy-Bernard Cadière
Bác sĩ Guy-Bernard Cadière là bác sĩ giải phẫu người Bỉ, chuyên gia về đường tiêu hóa. Cứ mỗi ba tháng ông đến Panzi một tuần. Từ khi ông gặp bác sĩ Mukwege cách đây bốn năm, họ mổ bốn tay… với một camera.
Paris Match. Bác sĩ đã mang kỹ thuật mổ vùng bụng đến Congo, một kỹ thuật chưa từng có ở đây, để “mổ sửa” cho các phụ nữ bị hiếp. Tại sao nó có hiệu quả như vậy?
Bác sĩ Guy-Bernard Cadière. Kỹ thuật này có thể mổ hậu môn, âm hộ, bàng quang bằng đường từ trên xuống mà không cần phải mở bụng. Đây là kỹ thuật đưa một camera và các dụng cụ 5 milimét qua một vết cắt rất nhỏ. Chúng tôi kiểm soát các thủ thuật từ màn hình, vì thế chúng tôi sẽ sửa được các vết nứt và may lại các cơ quan. Một vài thủ thuật rất khó thực hiện với phương pháp cổ điển, làm cho bệnh nhân bị bất động lâu và tử suất rất cao. Thủ thuật mới này đặc biệt thích hợp ở Phi châu và các nước có điều kiện vệ sinh không được tốt vì bệnh nhân rất ít khi bị nhiễm trùng. Thời gian hậu giải phẫu vì thế sẽ tốt hơn.
Sự phức tạp của bệnh lý mà bác sĩ gặp ở Panzi có đẩy lui các giới hạn của thủ thuật này không?
Bác sĩ Guy-Bernard Cadière. Thật ra chúng tôi dùng cùng kỹ thuật với các vụ giải phẫu khác trên thế giới. Tại Paris, bác sĩ Mukwege đã trình bày ở Hiệp hội Giải phẫu Pháp những trường hợp nứt hậu môn-âm hộ mà không một bác sĩ giải phẫu nào trong suốt đời hành nghề của mình gặp. Chính ở Phi châu mới có những trường hợp này để thực hiện. Thật là đáng kể.
Từ bốn năm nay, các vụ giải phẫu của bác sĩ có thay đổi không?
Bác sĩ Guy-Bernard Cadière. Với nhóm của tôi ở Panzi, mỗi tuần chúng tôi mổ khoảng 60 trường hợp. Thường thường bác sĩ Mukwege chờ tôi đến để giải phẫu những trường hợp nặng nhất. Tôi có cảm tưởng bây giờ chúng tôi ít săn sóc các phụ nữ bị hiếp cực kỳ hung bạo như trước. Hơn một nửa số phụ nữ chúng tôi mổ bị sinh đẻ khó khăn: họ không được theo dõi về mặt y tế, tuổi của họ lại còn nhỏ, cuộc sống của họ lại khó khăn, nên đã làm cho vùng chậu quá nhỏ nên họ không sinh đẻ bình thường được. Và đôi khi các phụ nữ này trước đó đã bị hiếp, nên các hư hại âm hộ vẫn còn đó. Nhưng càng ngày tôi càng gặp trường hợp của các em bé dưới 5 tuổi. Các thương tổn vì thế rất quan trọng. Đôi khi cả bụng dưới bị hủy hoại. Và cùng với bác sĩ Mukwege, chúng tôi tìm được sức mạnh và chúng tôi xây dựng lại.
Marta An Nguyễn dịch