Cha Nicolas Buttet: «Yếu đuối: Chất liệu của ân sủng»

787

Cha Nicolas Buttet: «Yếu đuối: Chất liệu của ân sủng»

Phỏng vấn cha Nicolas Buttet nhân dịp cha đến Québec, Canada dự Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế năm 2008

Sophie Bouchard, Paul Bouchard và Évelyne Lauzier thực hiện.

Tin nhắn khẩn cấp: «Xin mời cha Nicolas Buttet đến phòng dành cho các diễn thuyết viên gấp.» Các người trong ban tổ chức lo lắng vì diễn giả không đến kịp…

Cũng vậy với nhóm phóng viên chúng tôi, trễ gần một giờ. Và thế là chúng tôi biết cha đã trễ! Chẳng phải cha không có mặt nhưng cha có mặt ở nhiều nơi quá. Mọi người muốn gặp cha quá. Nhiệt thành, vui vẻ, nồng hậu, một tình huynh đệ thấy rõ khi tiếp xúc với cha.

Rốt cuộc thì chúng tôi cũng có một buổi phỏng vấn cha để những người không nghe, không thấy sẽ tin!

Sự nghiệp sáng chói hứa hẹn

Linh mục Buttet hứa hẹn có một sự nghiệp chính trị và luật pháp sáng chói. Học luật năm 18 tuổi và 23 tuổi đã ở nghị viện: dân biểu trẻ nhất!

Ngọn gió nào thổi bung cha ra khỏi nghị viện để về ở ẩn trong tu viện, để suy nghĩ lại cuộc đời. Cha bị điện giựt chăng?

Cha Buttet cười vang và trước khi cha trả lời câu hỏi, có người đến xin chụp hình với cha, có người đến chào cha… Cứ kiểu này thì không biết khi nào sẽ xong cuộc phỏng vấn. Thế mới biết cha nổi tiếng và được mến mộ biết chừng nào. Tôi ngưỡng mộ tính sẵn sàng của cha, tôi những mong được tiếp xúc dễ dàng với niềm vui và an bình như thế.

Con muốn biết điểm chính, điểm khởi đầu?

Có hai điểm khởi đầu. Trước hết là điểm khởi đầu cuộc trở lại bên trong, sau đó là điểm bước ra nghị viện. Đối với tôi, điểm khởi đầu bên trong mãnh liệt hơn là điểm bước ra nghị viện!

Vậy cái gì tạo nên cuộc trở lại này?

Hồi đó tôi học Luật, tôi không đến lớp. Tôi đi thi, rồi thôi. Và suốt thì giờ là tôi làm chính trị. Nhưng thời đó, tôi cũng hội hè đình đám. Tôi sống với một cô. Nhưng đừng nói với tôi về Giáo Hội, về Giáo Hoàng. Tôi thấy giáo hoàng hoàn toàn xưa cổ.

Nhưng cha có một giáo dục công giáo?

Đúng, tôi nhận một giáo dục công giáo. Chính vì thế mới khó sống vì tôi hiểu! Tự lương tâm của tôi, tôi cũng thấy. Và để cho lương tâm ngủ yên, tôi làm hội làm hè, tôi chơi thể thao rất nhiều, chạy bộ cũng rất nhiều, cũng là một lối thoát cho tôi.

Cuộc đời cứ đi dần dần như vậy, có lúc, tôi tưởng cô bạn của tôi mang thai. Và với tôi đó là tai họa vì tôi chỉ nghĩ đến sự nghiệp chính trị và tương lai nghề nghiệp.

Đứa bé không đến. Nhưng giai đoạn đó đã khơi động mạnh lương tâm tôi, đó là bước ngoặc trong cuộc đời tôi.

Tôi đã đùa với cuộc đời, với tình yêu. Mọi chuyện tôi gần như thành công, nhưng rốt cùng, tôi có cảm tưởng như mình đi bên lề điều thiết yếu.

Đó là bước đầu của một cuộc xáo trộn dẫn đến cuộc gặp gỡ với điều Thiết Yếu.

Cuối cùng ngày gặp gỡ Chúa là ngày tôi đi xưng tội. Tôi đến nhà thờ, ngồi dưới đất, cầu xin Chúa, tôi khóc thống thiết suốt hai tiếng đồng hồ.

Tôi nhận ra mình đã làm những chuyện «điên khùng» mà cho đến lúc đó, tôi biện minh là nhờ nó mà lương tâm tôi thức tỉnh.

Có một lúc, có một giọng nói nhỏ nhẹ nói với tôi, «Đến lúc con phải đi xưng tội». Tôi nói: «Không bao giờ! Vô ích, không thưa Chúa, con không xin Chúa tha tội như vậy!» «Đi tìm một linh mục!» Giọng nói nhỏ nhẹ cứ cố nài. Lúc đó là 10 giờ 45, tôi đang ở trong tu viện dòng Phan-Sinh. Tôi nói: “Được, tôi sẽ đi lúc 11giờ15 hy vọng tu viện đóng cửa lúc 11 giờ! Tôi cũng thử đi nhưng không sốt sắng lắm.

Cho đến giờ cuối?

Đúng, cho đến giờ cuối. Tôi đến trước cửa: “Xưng tội từ 9 giờ đến 11giờ30”. Cha bấm chuông. Một cha già đi ra, có vẻ như cũng đã uống nhiều rượu khai vị. Lúc đó, tôi nghĩ “Không xong rồi, thôi đi”. Rồi một giọng nói với tôi: “Này! Khi con làm chuyện điên rồ, khi con hút sách, Ta còn chịu đựng con mà! Thì con cũng chịu đựng ông linh mục già này của Ta đi chứ!”

Tôi đi xưng tội. Khi vị cha già nói, «Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, tội con đã được tha, con về bằng an», đối với tôi, đó là cả một mặc khải!

Bốn ngày liên tiếp sau đó, ngày nào tôi cũng trở lại xưng tội để nghe câu «con về bình an.»

 

Chúa đi tìm cái yếu đuối của tôi!

Cha Buttet cho thấy những gì mình làm không đúng trong cuộc sống, những gì mình làm mất lòng Chúa, những gì là khiếm khuyết của mình, thì «đó là những chuyện Chúa đi tìm. Tài năng của tôi, Chúa cóc cần! Địa vị xã hội của tôi, Chúa cũng cóc cần. Cha vừa nói vừa cười! Điều duy nhất mà Chúa ăn mày nơi tôi, đó là cái khốn cùng của tôi, cái mà tôi chạy trốn không muốn nhìn thấy: tội của tôi, khốn cùng của tôi, xằng bậy của tôi. Chính nơi đó, Chúa chờ để nói với tôi: «Nhưng Cha thương con mà, con đừng chạy trốn nữa. Cứ để Cha ở với con nơi con bị xao động, nơi con khốn khổ, nơi con bất hạnh, nơi con là người tội lỗi, nơi con thất bại.»

Và từ đó cha Buttet ý thức, một ý thức đánh dấu cuộc đời của cha.

Đó là một khám phá làm đảo lộn suy nghĩ của cha, rằng chính cái yếu đuối của mình là nơi chốn Chúa đến làm cho mình phong phú, và tội lỗi của mình là dịp để Chúa tỏ lòng thương xót. Từ đó, cuộc đời cha thay đổi ngay lập tức bởi vì tất cả những gì Giáo Hội nói đều đúng cho giây phút này. Cha không còn nghi ngờ gì về chân lý này.

Và đó là lúc cha Buttet mở bài nói chuyện của Daniel-Ange ra nghe: Thể xác của con được sinh ra là để cho tình yêu. Từ đó, đúng là một cuộc trở lại. Cha tìm một linh mục hướng dẫn thiêng liêng để hướng dẫn cha.

Sau khi làm chính trị, cha học xong bằng luật. Một vị bộ trưởng nói với cha: «Về làm việc với tôi» trong chính quyền Thụy Sĩ. Vậy là cha về làm ở nghị viện.

 

Ngay sau khi cha trở lại?

Đúng, tôi tiếp tục làm việc. Có lúc tôi có đến ba văn phòng, tôi chạy từ văn phòng này đến văn phòng khác. Một cuộc đời bận rộn, nhưng làm việc với Chúa, Chúa đã ở đó với tôi. Tôi biết dùng thì giờ. Có nhiều lúc, tôi lên núi ở một mình trong căn lều. Khi có chút thì giờ rảnh, tôi đi bộ, tôi cầu nguyện.

Khi tập sự làm luật sư, tôi gặp một thanh niên đã thiêu và hiếp bảy đứa trẻ, tôi gặp toàn những vụ ly dị. Tôi hét lên và nghĩ: «Chúa ôi, không thể được! Không thể sống trong một thế giới như vậy!»

Và cha Buttet khám phá ra, dù trong lãnh vực chính trị, dù mình có thiện hướng tốt, mình cũng không thể áp dụng được nếu dân chúng không bằng lòng, bởi vì họ bầu mình. Vậy, đây không phải là lãnh vực cha phải làm việc.

Làm việc trong các tâm hồn

Phải làm việc ngược lên, trong tâm hồn, trong ý thức. Và thế là cha đi Cottolengo. Đối với cha, đó là cả một mặc khải.

Chỗ đó như thế nào?

Đó là một ngôi nhà lo cho những người khuyết tật và những người bệnh khốn khổ nhất ở Turin, lấy tên thánh Giuseppe Cottolengo, một người cùng thời với thánh Jean Bosco, đã thành lập một công trình cùng thời với Jean Bosco.

Cuộc đời cha Buttet thật sự đã đảo ngược sau ba tuần ở đó.

Cha đến gặp cha linh hướng và nói: «Thưa cha, lần này con đã hiểu! Con ngừng hết mọi chuyện, con vào chủng viện, con đi tu.» Cha linh hướng nói: «Được, rất tốt. Cha bằng lòng là con đã hiểu nụ cười của tình yêu. Cha không nghĩ đó là dấu hiệu của ơn gọi. Khi Chúa cần đến con, ngài sẽ thổi còi cho con nghe. Bây giờ, con để tình yêu nơi con đang ở, trong bài vở học luật, trong lãnh vực chính trị rồi con chờ Chúa ra dấu cho con.»

Sáu tháng sau, vị luật sư nhận một cú điện thoại bí ẩn. Vatican ở đầu giây.

“Vatican đối với tôi là quá xa. Từ Roma, một giám mục gọi tôi: Chúng tôi đang tổ chức một hội thảo thế giới về đại kết. Chúng tôi nghĩ đến ông, có người đã cho chúng tôi tên ông để nhờ ông đại diện Đức Giáo Hoàng chuẩn bị cho buổi hội thảo này. Ông có đồng ý không?

Đề tài cuộc hội thảo là gì?

«Đó là đề tài mà chính tôi cũng đã từng làm việc. ‘

Công chính, Hòa bình và giữ gìn công trình tạo dựng,’ một đề tài luân lý xã hội. »

Và cha trả lời như thế nào?

«Tối hôm đó tôi cầu nguyện, tối nào tôi cũng cầu nguyện nhưng khi tôi đang cầu nguyện thì có một giọng nói nhỏ nói trong lòng: «Ngày mai là một ngày quan trọng, và con sẽ nói đồng ý.»

Lại xẻ làm hai…

Không tránh được lại phải bắt đầu! Khi cha sắp nói đến chuyện quan trọng thì mấy ngưới Âu châu đến gặp cha! Họ cám ơn cha về buổi nói chuyện sáng nay của cha. Cha cám ơn và xin họ cầu nguyện cho mình. Cha hỏi họ các tin tức không tốt trong vùng của họ. Một sự quan tâm thật tế nhị! Cuối cùng thì họ cũng đi và chúng tôi lại tiếp tục cuộc phỏng vấn.

 Nicolas Buttet 2

Một mình với Chúa trên dãy… Alpes!

Cha chuẩn bị cho cuộc Hội Thảo này trong vòng hai năm rưỡi. Cha chịu trách nhiệm về các vấn đề «Công Chính và Hòa Bình cho Á Châu» và các vấn đề về luân lý kinh tế. Nhưng cha Buttet lúc nào cũng giữ trong lòng một lời mời gọi tận căn của Phúc Âm.

«Thánh Phanxicô Axixi đánh động tôi rất nhiều. Trong thời gian thực tập, tôi tự nhủ: «Nào, chỉ có Chúa mà thôi! Phải loan truyền sứ điệp của vị thượng phụ của Chúa!» Nhưng, chỉ có thể loan báo thượng phụ khi mình đã cho tất cả! Khi nói được: «Trong cuộc đời của tôi, chỉ có Chúa, không có gì khác ngoài Chúa!»

Và đó là điều tôi suy nghĩ nhiều: con người chỉ tin ở một lúc nào đó khi họ tin ở chính họ. Và nếu khi tin ở chính mình, thì có nghĩa Chúa là tất cả, Chúa lấp đầy tất cả!»

Lời mời gọi vào ẩn viện

Cha Buttet sống năm năm ẩn tu trong dãy núi Alpes.

Chỉ có một cái hang. Khi cha đến đó, đó là cái hang rác. Chín mét vuông không hơn không kém. Tấm ván là giường, vách núi là trần. Thật là huy hoàng! Cha vừa cười vừa nói.

Chính khi ở La Mã mà cha nghe tiếng ẩn tu gọi. Rõ ràng! Cha phải vâng lời mệnh lệnh này, đến góc núi trên dãy Alpes này.

Cha không muốn trở về Thụy Sĩ. Xong! Cha được mọi người biết đến là chính trị gia. Họ nói về cha trên truyền hình. Về cuộc ra đi của cha. Nếu cha quay lại chỗ cũ, cha ký vào bản án tử của cha, vì cha được xem như chính trị gia. Cha không thích vậy.

Cái gì dẫn cha đến quyết định này?

Rõ ràng đây là dấu hiệu của Chúa. Nhưng trong đời tôi, tôi chưa bao giờ muốn như vậy

Cha có biết chỗ này trước đây không?

Từ nhỏ, tôi đã biết chỗ này. Khi còn nhỏ, tôi đã đi hành hương ở Saint-Maurice. Tôi giải thích tiếng gọi của tôi cho vị giám mục tôi quen, giám mục đồng ý liền. Còn với vị hồng y cùng làm việc với tôi ở La Mã thì ngài để một ít thời gian mới đồng ý.

Vị hồng y không muốn cha đi?

Cuối cùng ngài cũng để tôi đi, và ngay lập tức, tôi lên đường với ba-lô trên lưng.

Nhưng ở đó có đan viện không?

Ánh mắt cha Buttet sáng lên khi cha kể lại năm năm sống ẩn tu.

Có một hang nhỏ, là cái hang rác. Chín mét vuông vức. Khi người ta đào cái hang này, họ làm một cái tường để đóng lại.

Đúng là một cái hang ẩn tu theo đúng nghĩa.

Đúng nghĩa tịnh cốc: chín mét vuông vức, không có gì thêm. Có ván làm giường và vách đá là trần. Thật huy hoàng, cha cười còn chúng tôi thì ngạc nhiên. Lúc nào tôi cũng nhìn trời được. Các anh chị em tôi thì nói đây là một giấc mơ.

Cha muốn đi trở lại đó không? Mọi người đồng loạt hỏi cha.

Muốn. (Cha cười.) Rõ rệt là tôi muốn trở lại sống ở đó. Nhớ lại kỷ niệm này thật là vui. Tôi định đi một năm. Rồi cuối năm, không có gì làm tôi bỏ nơi đó được. Tôi tiếp tục ở thêm một năm. Sau ba năm, tôi nghĩ mình sống hết đời ở đây thì thật tuyệt vời.

Còn sức khỏe, còn thời tiết thì làm sao?

Vị giám mục rất lo lắng vì có một bác sĩ nói ở trên núi rất nguy hiểm cho sức khỏe. Ngài nói bác sĩ không muốn tôi ở lại trên đó. Vị bác sĩ nói đúng nhưng Chúa nói cách khác.

Mùa đông ở núi Alpes thì rất lạnh nhưng tôi thích. Mùa đông trên núi cũng không đến nỗi nào. Thú vật hoang thì cũng không có. Thật ra vùng núi đó cũng gần đồng bằng.

Cha Buttet ở đây từ 1992 đến 1997
Cha Buttet ở đây từ 1992 đến 1997

Tỏa sáng

Trong bối cảnh buông bỏ hết như thế này, Huynh Đệ Thánh Thể ra đời như thế nào?

Các bạn trẻ bắt đầu lên đường đi tìm một nơi chốn để nuôi dưỡng đức tin. Họ đến gặp tôi và nói: «Chúng con, chúng con không có con đường nào dẫn đến đức tin, chúng con tìm một nơi chốn để nuôi dưỡng đức tin mà không thấy. Tôi nói: «Tôi cũng vậy, tôi cũng không biết gì hết.»

Cuối cùng thì nhóm bắt đầu gặp nhau nhưng cũng chưa có ý thành lập cộng đoàn gì hết. Nhóm cùng đào sâu đức tin với nhau.

Họ đề nghị chiều thứ bảy đến tịnh cốc để học giáo lý và nghe giảng. Mới đầu là 5, rồi 15, rồi 25 ngồi trong cốc chín mét vuông!

Sau đó là lên 50, 100 ở những nơi khác. Một nhóm người trẻ nòng cốt mà cha gọi là cốt lõi, rất sốt sắng được thành lập. Nhóm bắt đầu cuốn hút nhiều người khác. Có những người trẻ đến, cha gặp khi họ đang hút thuốc phiện và mất đức tin. Họ đến vì tò mò để xem cho biết. Họ nói với cha: «Các buổi gặp gỡ như thế này quá hay, nhưng giữa hai kỳ gặp, thì chúng con bị sụm. Xin cha giúp chúng con thoát ra khỏi tình trạng này.»

Cha giải thích cho chúng tôi biết nhiệt huyết bác ái của những người nòng cốt này đối với những người cùng khốn thì không thể nào tưởng tượng được. Những người này tìm việc làm để có thể đón những người khốn cùng về ở trong căn hộ, trong nhà của họ. Gương sáng của nhóm này có tác động đến mức các giáo xứ mời họ đến tham dự các buổi cầu nguyện ban chiều trong giáo xứ.

Và ẩn sĩ xuống núi?

Đúng, ẩn sĩ xuống núi. Và đó là những gì đã xảy ra. Rồi, những thanh niên trẻ nữa đời đứt gánh nói với nhóm: «Xin cha giúp chúng con, chúng con chết, chúng con cần Chúa Giêsu, chúng con biết điều này. Chúng con thấy chỉ có Chúa Giêsu mới lấp đầy cái hố trống không này. Chúng con tìm khắp nơi. Chỉ có Chúa Giêsu mới giúp được, nhưng cha phải sát cánh với chúng con, phải nâng đỡ chúng con vì giữa hai lần gặp gỡ là chúng con sụm.»

Và thế là những người nòng cốt ban đầu quyết định nghĩ việc một năm không ăn lương để giúp họ. Cha cảm thấy những người nòng cốt này có ước muốn thành lập một cộng đoàn.

Nhóm có một cha dòng Tên lớn tuổi là cha linh hướng, cha rất hiểu tiếng gọi của Thần Khí, rất chú ý đến dấu hiệu của Chúa trong thời đại này. Cha nói: «Những gì các con làm là nền móng! Xin Chúa ban dấu chỉ xuống, xin Chúa «xác nhận.»

Nhưng cha còn chưa dứt khoát… Cha chưa muốn rời ẩn viện, thật sự là chưa! Cha chỉ thấy cha như người mà nhóm đang cần, chưa thấy gì khác hơn. Có lúc cha còn gởi các người này đến các cộng đoàn mới! Và cứ mỗi lần như vậy thì họ về nói với cha «đó không phải là nơi chúng con đi tìm.»

Một tuần cửu nhật hiệu quả

Một thời gian sau, vị linh mục cố vấn yêu cầu nhóm tìm các dấu hiệu cụ thể của Chúa. Ngài hỏi nhóm dấu hiệu nào có thể cho rằng đã đến lúc thành lập một cộng đoàn. Nhóm trả lời: «Nếu một cộng đoàn sắp thành lập, thì rõ ràng phải có một cái nhà!» Vị linh mục hỏi: «Các con muốn nhà loại gì?» Nhóm trả lời: «Một trang trại cũ, một nhà cũ.»

Sau đó ngài hỏi nhóm thích vị thánh nào. Phanxicô Axixi. Ngài nói: «Đó là tháng mười, trễ rồi, bây giờ là tháng mười hai là tháng của thánh Phanxicô Salê, một đồ đệ của thánh Phanxicô Axixi. Nhóm làm tuần cửu nhật đến ngày 24-01.»

Không một ai biết tuần cửu nhật này. Buổi chiều cuối cùng, trong khi nhóm vừa làm xong buổi cầu nguyện trong một giáo xứ, một người đàn ông đứng dậy tiến đến gần cha và xin cha giải thích sứ mệnh của nhóm. «Cha không biết nói sao, cha nói, nhóm vừa làm xong tuần cửu nhật hôm nay. Nếu Chúa cho nhóm một nông trại cũ thì đó là dấu hiệu một cộng đoàn sắp được thành lập.»

Người đàn ông nói bác của ông có một nông trại nhỏ và đề nghị cha đi xem ngay lập tức. «Cha xuống xem trại, đúng là một trại cũ nát. Cha vừa nói vừa cười. Người đàn ông nói: «Con sẽ nói với bác và con sẽ điện thoại cho cha.» Hai ngày sau, nhóm gặp nhau ở nhà ông bác. Ông bác nói với cha một cách dè dặt: «Cha đến đây vì cái nông trại?» Cha nói đúng. Ông nói: «Đó, cái nông trại đó là của cha!»

Cha nói: «Chờ chờ, cha không có tiền, không một xu, không có gì hết! Vậy phải rõ ràng về chuyện này.» Ông nói với cha: «Ai đòi cha tiền vậy? Con, chỉ một chuyện duy nhất con muốn là con không muốn có vấn đề với thuế má, với nhà nước. Cả cha, cả con. Cha là luật sư, vậy cha lo giấy tờ đi.»

Vậy là nhóm của cha có nông trại. Cha đến gặp giám mục để giải thích. «Đó, sự việc nó như vậy.» Rồi ngài hỏi cha: «Còn con, con làm gì?» Cha trả lời: «Thì con lên núi lại!» Ngài nói: «Hen, chú mày giỡn mặt tao hả?» Tất cả chúng tôi đều bật cười.

Ở Thụy Sĩ, các giám mục nói như vậy sao?

Đúng, đúng, cha vừa cười vừa xác nhận. Cha trả lời với ngài: «Không, Chúa gọi con ở trên núi!» Ngài trả đũa lại: «Không, Chúa gọi con ở nơi khác!»

Vì vâng lời, cha Buttet xuống núi. Cha sống ở đó năm năm, khi xuống núi, cha để lại trên đó hết vì nghĩ rằng mình sẽ lên lại. Vậy là bây giờ mọi sự còn trên đó, chắc đồ ăn thúi hết rồi.

Có thể con chồn nó ăn rồi!

Chuột và sóc chứ.

Cha cười vang.

Ba lời gọi, ba xin vâng!

Khi bắt đầu, nhóm có bao nhiêu người ở nông trại?

Mới đầu có 17, cả nam lẫn nữ.

Cả đàn ông, đàn bà?

Đàn ông, đàn bà, nam tu sĩ, nữ tu sĩ. Mới bắt đầu đã vậy, cả hai phái. Sau đó chúng tôi xây nhà thứ nhì cho nữ tu sĩ.

Các người bị tổn thương đến

Năm năm sống khó nghèo trong ẩn viện, một kinh nghiệm cá nhân như vậy không làm cha sợ.

Nhưng hồi mới đầu thì chẳng có gì, chỉ là cái xác nhà. Lúc đó, người lo về lao động nói với tôi: «Chúng con có những người trẻ không biết làm gì hết. Họ là những người tuyệt đối không thể nào hội nhập vào xã hội. Họ nghiện ngập và tổn thương nặng nề. Khi chúng con đưa họ đến hãng xưởng làm việc thì chỉ vài giờ sau là họ bị đuổi, họ không biết làm gì hết. Con biết cha đang xây một nông trại. Cha có thể thâu nhận họ không? Cha, con nghĩ cha không đuổi họ. Nếu được, cha giúp chúng con rất nhiều.»

Cha chấp nhận. Ông nói ngày mai ông sẽ gọi cho cha biết ai sẽ đến.

Mười người thương tổn đến. Thật không thể tưởng tượng được! Ban ngày họ nhìn nhóm cầu nguyện, họ nhìn chúng tôi một cách lạ kỳ. Nhưng mọi chuyện cũng tốt đẹp. Buổi trưa mọi người ăn chung với nhau. Buổi chiều họ đi về. Sáng hôm sau họ đến trong một tình trạng thảm thương, tối hôm qua họ chích và uống rượu.

Nicolas Buttet 1Chính trong thời gian đó, có một thanh niên hết chịu nỗi cảnh sống trong hỏa ngục, đã đến nói với cha: «Nicolas, con có thể ngủ lại ở đây tối nay?» Cha không biết làm sao, cha nói ở đây chưa có tiện nghi, chưa có mái nhà. Nhưng anh thanh niên năn nỉ: «Nicolas, con thích ở đây hơn về căn hộ hỏa ngục của con. Mỗi tối con về, con hút, con rượu. Ban ngày con thấy Mặt Trời, ban đêm con sống trong hỏa ngục. Con, con không thể tiếp tục sống như vậy nữa. Con chán quá sức rồi.»

Không do dự, cha Buttet trả lời: «Con không ngủ một mình. Con đi theo cha.» và bắt đầu từ đó, họ ở lại trong nông trại cũ.

Ngày hôm sau cảnh sát đến. «Các ông không có quyền ngủ lại đây, các ông không được phép, căn nhà này là căn nhà không ở được.»

Vậy là vấn đề thành nghiêm trọng rồi! Dính tới pháp luật rồi, có việc cho luật sư làm!

Đúng. Cha xác nhận và cười. Cha trả lời cho họ: Được, tối nay chúng tôi sẽ ra Tòa Thị Chính ngủ! Chúng tôi sẽ dựng một cái lều và ngủ ở đó. Chúng tôi không có chỗ nào khác để ngủ. Tôi còn có cả còng. Nếu các ông muốn, tôi sẽ tự cột chân vào cột đèn, tôi sẽ ở đó hai, ba tuần.

Cảnh sát có vẻ như đầu hàng và để chúng tôi ngủ lại. Nhưng hôm sau, họ lại đến: «Các ông không có quyền ở đây.» Cha Buttet trả lời: Chúng tôi đã nói với các ông, chúng tôi chỉ có hai chọn lựa, một là ngủ ở đây, một là ngủ ở Tòa Thị Chính. Họ trả lời: «Các ông không có quyền ngủ ở hai chỗ này.» Cha trả lời: Chỉ một trong hai chỗ này. Các ông muốn bỏ tù tôi? Tôi chẳng làm gì được!»

Họ còn trở lại hai lần nữa, nhưng sau thì họ để yên…

Nhưng cũng chưa hết chuyện phiền nhiễu. Họ muốn cấm chúng tôi xây căn nhà thứ nhì. May thay người chịu trách nhiệm cộng đoàn là một luật gia! Cha biết, về mặt luật thì không được quyền. Vậy là cha phải cầu cứu các bạn của cha là những người ở cấp cao trong chính quyền. Thế là cứ mỗi lần cần gì là bạn bè giúp đỡ.

Rồi thì giấy phép xây cất cũng đến… tuy đến trễ! Khi có giấy phép thì nhóm đã xây xong hai căn nhà và đã có 30 người đến đó ở rồi! Họ loan báo: «Bây giờ các ông có quyền ở đó!» Chúng tôi trả lời: «Cám ơn, chúng tôi rất hạnh phúc ở đây!»

Như vậy là chúng tôi đã ở đó được ba năm. 

Theo phẩm trật thầy thượng cả Menkixêđếch

 Khi sống ẩn tu, cha đã là linh mục chưa?

Chưa. Sau cuộc trở lại năm 1985, cha nguyện sống độc thân. Lúc nào cha cũng có ơn gọi linh mục trong lòng nhưng chưa thực hiện. Cứ mỗi lần muốn thực hiện thì lại có chuyện khác làm.»

Khi cộng đoàn được thành lập, cha nghĩ đến chuyện này nhưng lại thấy quá trễ để vào chủng viện.

Nhưng đường đi của Chúa thì đôi khi đầy ngạc nhiên. Trường hợp của cha Nicolas Buttet là một ngoại lệ: Ơn gọi linh mục được thực hiện ngoài mọi dự trù.

Khi cha Buttet mở một cộng đoàn ở Pháp thì vị giám mục hỏi vì sao cha chưa làm linh mục? Cha trả lời vì mỗi lần muốn vào chủng viện thì lại có một việc khác cần làm. Ngài nói: «Vậy trong lòng anh có muốn không?» Cha trả lời ơn gọi thì có, vì trong lòng khi nào cha cũng muốn phục vụ Chúa như vậy. Cha hạnh phúc khi sống độc thân để phục vụ Chúa suốt đời. Chỉ có Chúa là đáng kể!

Ngài không ngạc nhiên về câu trả lời của cha Buttet, ngài nói: «Được, cha phong cho con chức linh mục!» Cha nhắc đến chủng viện. Ngài nói: «Ai nói với con chuyện chủng viện? Con đã học thần học, con có bằng giáo luật, con đã làm việc ở Vatican và tất cả… »

Vậy là cha qua kỳ thi và trở thành linh mục năm 2003. Nếu không là không thể nào được.

Giai đoạn tới của cha là cha sẽ trở về ẩn viện hay sống với cộng đoàn?

Chúa giao cho tôi chức linh mục của một gia đình đông đúc, tôi phải ở lại với gia đình chứ… dù tôi vẫn còn thích đời sống ẩn tu.

Gia đình cha phân tán khắp nơi?

Cha có bốn nhà rồi. Ở Pháp và Thụy Sĩ.

Còn Canada?

Cứ mỗi lần cha gặp hồng y Turcotte thì khi nào ngài cũng hỏi cha: «Khi nào con đến đây?»

Vậy chúng ta có quyền hy vọng ở Québec sẽ có một gia đình.

Nền: Chúa quan phòng!

Nhưng làm sao Huynh Đệ Thánh Thể tự sinh sống được? Điều con ngạc nhiên là không một lần cha nói đến Chúa Quan Phòng. Hình như đây không phải là một vấn đề, đúng không?

Đúng. Đúng vậy. Đúng thiệt.

Vì cha không có một cách nào để kiếm tiền?

Nhóm có một nông trại nhỏ, có bò, có súc vật, sống cái tối thiểu nhưng cũng không đủ. Tuy vậy từ hồi ở đó, chưa bao giờ bỏ tiền ra mua thức ăn.

Ở đâu cha cũng trả lời “vâng” với Chúa thì Chúa cũng trả lời “vâng” với cha.

“Nếu chúng tôi cho cha một ngôi trường…”

Không bao giờ có hai mà không có ba. Đúng, đây là tiếng gọi thứ ba: thành lập một viện đào tạo ở trình độ đại học vừa triết lý, vừa nhân chủng học: Viện Philanthropos thành lập năm 2004. Thêm một lần nữa, đây là một chuyện hoàn toàn không có trong “sự nghiệp” của cha Buttet, người chỉ muốn sống ẩn tu.

Đây là ý Chúa quan phòng. Một giám mục gọi cho cha nói: “Nicolas, cha có một căn nhà cho con ở Fribourg.” Cha trả lời: “Dạ, con cám ơn  cha, nhưng con có một căn nhà nhỏ, đủ cho con rồi…!”

Ngài giải thích đây là một căn nhà rất rộng, có 100 phòng, một trường học cũ. Cha nói với các anh chị em trong nhóm, ai cũng cười và đi đến kết luận là căn nhà đó không phải dành cho nhóm.

Cha định thứ hai trả lời cho giám mục là cha không nhận căn nhà.

Nhưng chúa nhật hôm đó, bốn giáo sư triết đến gặp cha để nhờ một việc. Cuối buổi gặp gỡ, các giáo sư này không biết giám mục có gọi cha, họ nói một câu làm cha ngạc nhiên: “Dù sao, nếu chúng tôi tặng cha một ngôi trường thì cha phải nói “vâng!” Cha không được từ chối ngôi trường đào tạo!”

Họ không biết gì hết! Cả hai không ai biết ai!

Cha bắt đầu gom lại các dấu hiệu. “Lạy Chúa, đã có hai dấu hiệu rồi: căn nhà và ngôi trường.”

Tối hôm đó, một người bạn là giáo sư triết ở Paris gọi cho cha. Đó là người con rể của nhà di truyền học Jérôme Lejeune. Ông nói: “Tôi vừa ở một cuối tuần với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài nói là cần phải mở các trường đào tạo về nhân chủng học.”

Cha có trường, có lời yêu cầu của các giáo sư và bây giờ là có môn học!

Lại còn chính Đức Giáo hoàng yêu cầu nữa. Chúng tôi quá ngạc nhiên và ngỡ ngàng trước sự quan phòng của Thiên Chúa.

Đúng, cha Buttet xác nhận. Đứng trước lời mời gọi khẩn cấp như vậy, cha hội lại các anh chị em trong cộng đoàn và giải thích những gì vừa xảy ra. Nhóm nhờ cha gọi cho giám mục để giải thích các việc. Ngài xác nhận: “Cha đã nói với con rồi, đứng nói “không” ngay lập tức!”

Cha Buttet cười vang.

Đó là một trường đại học Âu châu cho những sinh viên trẻ. Thật là tuyệt, có thánh lễ mỗi ngày, có giờ nguyện…

Đó là những người trẻ trong cộng đoàn?

Một vài người nhưng không nhất thiết, có những người trẻ khác. Những người trẻ đã biết Huynh Đệ Thánh Thể. Có những người không biết gì về Huynh Đệ và họ muốn tìm hiểu thật sự, hoặc sau khi học trong chủng viện, hoặc trước khi họ hoặc khoa học nhân văn, y khoa hay khoa học. Đó là một trường đại học.

Chúng tôi nói chuyện đến đây thì đến giờ cha Buttet phải đi diễn thuyết.

Buổi gặp gỡ lý thú này thật đơn sơ, chắc chắn đây là một trong những buổi gặp gỡ ghi nhớ của chúng tôi trong kỳ Đại Hội Thánh Thể này.

Phần tôi, khi ghi lại bài nói chuyện này, tôi không thể không nghĩ đến các đồ đệ trên con đường Ê-Mau “lòng tôi đã không bừng cháy khi đi chung với Ngài sao?” Và khi đến giờ chia tay, tôi chỉ muốn nói “Xin cha ở lại với chúng con!”

Đối diện với cha Buttet, tôi cảm nhận sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô. Vì lý do đó, tôi gọi cha là “người vác Chúa Giêsu trên vai.”

Với ai cho rằng tôi nói quá, tôi xin trích câu thánh Âugutinô nói: “Nếu thánh Phaolô nói họ nên thánh thì mỗi tín hữu cũng có thể nói: tôi là thánh. Không phải để nâng lòng kiêu ngạo lên mà để nói lên lòng biết ơn.”

Một lòng biết ơn Thiên Chúa vì tình thương sâu thẳm của Ngài!

Marta An Nguyễn chuyển dịch