journaldequebec.com, Richard Latendresse, 2016-01-27
Hôm qua 26-1, Đức Giáo hoàng đã mở các cánh cửa của Vatican ra để đón Tổng thống Iran Hassan Rohani. Đây không phải là Ayatollah Ali Khamenei, Lãnh tụ Tối cao ở Iran, nhưng không có gì được thảo luận, không có gì được quyết định trong hệ quyền lực cao cấp của Iran mà không có sự can thiệp của người lãnh đạo tối thượng Iran này, người ta có thể đoan chắc, các quan hệ giữa hai thần quyền đã tạo được một con đường lớn.
Người ta có thể nghĩ gì mình muốn về Giáo hội công giáo và bây giờ ở Québec cực kỳ thế tục này, muốn nghĩ gì về đạo thì cũng chẳng ai phiền hà. Chỉ là phải công nhận quyền uy tinh thần của vị đại diện Thánh Phêrô là có thật và có hiệu nghiệm. Chính Barack Obama còn phải công khai cám ơn ngài vì đã góp phần tái phục hồi quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ, sau 50 năm của một chủ trương chính trị cô lập chẳng dẫn đến đâu.
Tổng thống Iran ý thức rõ phép lành Tòa Thánh có thể tác động trên cách thế giới nhìn về nước mình. Rõ ràng Iran quá ê chề vì bị cô lập. Thỏa hiệp quốc tế về chương trình nguyên tử của mình – đã chận ít nhất cả chục năm tham vọng làm bom nguyên tử của Iran (nếu các tham vọng này vẫn thật sự còn) – đã mở một con đường cho Iran quay về với “các quốc gia”.
Iran về lại!
Sự việc tiến nhanh: cuối tuần vừa qua, chỉ một tuần sau khi thỏa hiệp về bom nguyên tử được tiến hành, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ghé Téhéran, để lặp lại Bắc Kinh muốn đóng một vai trò quan trọng hơn ở Trung Đông và cũng nhắc lại hai dân tộc có số lượng lớn các nhà thương mãi này chắc chắn sẽ có các dịch vụ buôn bán tốt với nhau. Những dịch vụ rất tốt là đàng khác: từ 50 tỷ đô la hiện nay, người Iran và Trung Quốc đồng ý trao đổi kinh tế dài hạn lên đến 600 tỷ đô la hàng năm.
Chế độ của các ayatollah không muốn mình là cường quốc trong khu vực, điều họ đã thành công với ảnh hưởng của họ trải rộng ra trên Liban, Syria, Yemen và bất cứ đâu có dân chiit (một nhánh dân thiểu số hồi giáo trên thế giới, nhưng đại đa số ở Iran) kêu gọi họ giúp đỡ. Cuộc gặp gỡ và thảo luận của Tổng thống Rohani với Đức Giáo hoàng mang lại tính hợp pháp về mặt tinh thần cho các khuynh hướng của Iran. Nói cách khác, nó không còn ở thời của Tổng thống George W. Bush và cái nhìn của ông về Iran, thành viên của “Trục của sự dữ”.
Cứu giúp tín hữu thiểu số kitô giáo
Tấm lòng Đức Phanxicô quảng đại không thể nào không quan tâm. Từ lâu, ngài đã quan tâm đến số phận của các tín hữu thiểu số kitô giáo ở trong các xã hội hồi giáo sôi bùng bùng ở Trung Đông. Radio Vatican cho biết, theo văn sĩ Pháp Jean d’Ormesson bình luận, thì năm ngoái là năm có sự “diệt chủng của tín hữu kitô giáo Trung Đông”.
Đáng kể là Vatican xem Téhéran đóng một vai trò chủ chốt ở đây. Như ký giả John Allen, phó chủ bút trang mạng công giáo Crux, nhấn mạnh một cách dè dặt, là để “bảo vệ các tín hữu kitô giáo ở Trung Đông, Vatican tin tưởng ở người Nga và Iran hơn các cường quốc Phương Tây mà theo Vatican, họ không nghiêm túc xem tôn giáo như nguồn của căn tính.”
Báo chí Ý còn đưa tin trong dịp này, Tổng thống Iran đã mời Đức Giáo hoàng đến thăm Iran, một cuộc viếng thăm có thể bắt đầu vào tháng 5. Đức Phanxicô đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Palestina và Giócđania, ngài đã bắt một nhịp cầu để đến với thế giới hồi giáo.
Trong một thế giới đang chiến tranh, phải can đảm mới bắt một nhịp cầu như vậy.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch