Đức Phanxicô sẽ đi Thụy Điển để dự lễ tưởng niệm 500 năm Cải cách Giáo phái Luther

407

lapresse.ca, Jean-Louis de la Vaissière, 2016-01-25

Đức Phanxicô và Nữ Giám mục Antje Jackelén trong buổi tiếp kiến ngày 4 tháng 5-2015
Đức Phanxicô và Nữ Giám mục Antje Jackelén trong buổi tiếp kiến ngày 4 tháng 5-2015

Sáng thứ hai 25-1-2016, Đức Phanxicô đã gây ngạc nhiên khi đứng bên cạnh các anh em tin lành, ngài loan báo mình sẽ tham dự buổi lễ tưởng niệm 500 năm Cải cách của Martin Luther. Buổi lễ tưởng niệm sẽ tổ chức ở Thụy Điển ngày 31 tháng 10-2016. Thụy Điển là nước thế tục nhất Âu Châu.

Sự kiện đại kết này là một sự kiện chưa từng có của giáo hoàng, tin này được loan ra sau tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các tín hữu kitô, chứng tỏ ý chí của ngài muốn hai Giáo hội gần nhau mà không bị cản trở do các khác biệt sau chấn động, từ nửa thiên niên kỷ trước, đã tạo ra do việc Cải cách và các cuộc chiến tranh khủng khiếp của tôn giáo xảy ra sau đó.

Một bản tin của Tòa Thánh cho biết, “Đức Thánh Cha sẽ tham dự một buổi lễ do Giáo hội Công giáo và Liên hội Luther thế giới (LWF) cùng tổ chức để kỷ niệm 500 năm ngày Cải cách, buổi lễ sẽ diễn ra ở Lund, Thụy Điển. Buổi gặp gỡ sẽ làm sáng tỏ các phát triển trong tinh thần đại kết rất vững mạnh giữa người công giáo và tín hữu giáo phái luther, đặc biệt từ Công đồng Vatican II (1962-1965)”.

Ngày 31 tháng 10-1517, linh mục công giáo người Đức, Martin Luther, đã tố cáo sự buôn bán “ân xá”, phép giải tội bằng cách niêm yết trước cửa một nhà thờ ở Wittenberg, Nam Bá Linh “95 đề tài”.

Hành vi này đánh dấu sự cắt đứt và dẫn đến nhiều cuộc đổ máu của tín hữu kitô hàng chục năm về sau. Một sự hận thù dai dẳng kéo dài cho đến Công đồng Vatican II mới cắt đứt bầu khí độc hại này khi Công đồng kêu gọi phải có sự tôn trọng lẫn nhau.

“Khi làm việc cho sự giải hòa giữa người công giáo và tín hữu giáo phái luther, tôi xác tín chúng ta làm việc cho công chính, hòa bình, và giải hòa trong một thế giới đã bị quá nhiều chia cắt vì các xung đột”, mục sư Martin Junge, tổng thư ký Liên hội Luther thế giới LWF khẳng định, mục sư lấy lại ý tưởng thường được Đức Phanxicô bảo vệ.

Trong buổi lễ ngày thứ hai 25-1-2016 ở Rôma, Đức Phanxicô “đã xin tha thứ (…) cho các thái độ không đúng theo tinh thần Phúc Âm của người công giáo đối với các tín hữu kitô của các Giáo hội khác”.

“Cùng một lúc, tôi cũng xin anh chị em công giáo chúng ta tha thứ, ngày hôm nay cũng như trong quá khứ, khi anh chị em đã chịu sự tấn công của các anh em tín hữu kitô khác. Chúng ta không thể hủy những gì đã xảy ra, nhưng chúng ta không muốn sức nặng của những lỗi lầm đã qua tiếp tục làm độc hại các quan hệ của chúng ta,” Đức Phanxicô nhấn mạnh.

Được một nữ giám mục đón tiếp

Chuyến đi này là một ngạc nhiên cho Vatican. Đức Giáo hoàng thường ít đi Âu Châu: ngài chỉ đến Albania, Bosnia và Nghị viện Âu Châu ở Strasbourg.

Ở Thụy Điển, ngài sẽ thấy một đất nước không còn giữ đạo – theo thống kê, 1/5 người Thụy Điển tuyên bố mình là tín hữu -, đây là một đất nước mà người công giáo rất rất thiểu số.

Thêm nữa, ngài sẽ được một Giáo hội (Luther) rất hiện đại đón tiếp: một Giáo hội thấm đậm tính chất dân chủ, từ năm 2013 Giáo hội này được nữ mục sư Giám mục Antje Jackelén đứng đầu. Giáo hội luther phong chức linh mục cho phụ nữ từ năm 1960 và họ có ít nhất hai giám mục công khai đồng tính.

Chuyến viếng thăm này sẽ không làm các người công giáo theo chủ nghĩa truyền thống hài lòng, đối với họ tin lành vẫn là người đáng ghét nhất. Một số người công giáo, dù không theo chủ nghĩa truyền thống, vẫn thích đối thoại với người chính thống vì trên phương diện giáo điều, họ bảo thủ và gần với Rôma hơn.

Đã nhiều lần, Đức Giáo hoàng bày tỏ sự tôn trọng của mình đối với các Giáo hội tin lành, nhưng không che giấu các khác biệt sâu xa về mặt thần học và các quan điểm xa cách.

Sự xích lại gần nhau giữa người công giáo và tín hữu giáo phái luther có được là nhờ một công việc dài lâu về mặt thần học bắt đầu từ năm 1967 và mãi cho đến năm 2013 mới có một tài liệu chung, “Từ xung đột đến hiệp thông”, nhằm tiến đến các lễ tưởng niệm năm 2017.

Trước Đức Phanxicô, các Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI cũng đã có hành vi mạnh mẽ đối với tín hữu luther. Nhưng Đức Phanxicô ít nhấn mạnh hơn các vị tiền nhiềm về quan niệm cho rằng giáo điều công giáo cao hơn tất cả các giáo điều khác.

Với 50 triệu giáo dân, các tín hữu luther là một trong những Giáo hội tin lành xưa cổ và uy tín nhất bên cạnh các giáo phái cải cách, giáo phái baptít, giáo phái Pentecostal, giáo phái Phúc Âm…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch