Chúa chúc lành cho chân phụ nữ!

503

la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, 2016-01-22

Ngày 2 tháng 4-2015 Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Phanxicô rửa chân cho một nữ tù nhân ở nhà nguyện của nhà tù Rebibbia, Roma.
Ngày 2 tháng 4-2015 Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Phanxicô rửa chân cho một nữ tù nhân ở nhà nguyện của nhà tù Rebibbia, Roma.

Chiến thắng lớn cho phụ nữ công giáo! Vậy là Giáo hội công nhận chân của phụ nữ có một “giá trị bằng” chân của nam giới (trong một sắc luật do Hội đồng phụng tự ký tuần này)… Nghiêm túc hơn, phụ nữ được tham dự vào nghi thức rửa chân. Từ nay trong thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, khi tưởng nhớ việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, linh mục  có thể rửa chân cho cả đàn ông lẫn đàn bà.

Từ lâu giáo dân đã có lý

Như vậy có cần một sắc luật? Vì từ lâu trong rất nhiều giáo xứ, linh mục đã không phân biệt gì, họ rửa chân cho cả đàn ông, đàn bà, con nít, người lớn. Và chẳng tạo điều gì tai tiếng nơi giáo xứ, đa số giáo dân lại chẳng biết đây là việc cấm! Chính Đức Phanxicô cũng vậy, ngay từ ngày 28 tháng 3-2013, 15 ngày sau khi được bầu chọn, ngài rửa chân cho mười hai tù nhân, trong đó có hai phụ nữ.

Quan niệm của phụ nữ

Như thế sắc luật này chỉ công nhận một sự việc đã có trong thực tế. Và người ta có thể yên tâm ghi nhận “nền tảng” của tín hữu (cái mà các nhà thần học gọi là cảm thức đức tin sensus fidei) thì có lý để hiểu ý nghĩa thật các biểu tượng Phúc Âm hơn là các nhà giáo luật Rôma. Đúng ra có thật cần một sắc luật để theo đi sát cái mà chúng ta gọi là “truyền thống” không, điều này nói lên một quan niệm nào đó về phụ nữ vẫn còn vương đây đó nơi một số người có trách nhiệm về Giáo hội công giáo!

Người ta tự an ủi khi nghĩ chính Thánh Phêrô cũng không hiểu Chúa Giêsu muốn làm gì khi Ngài muốn rửa chân cho ông. Vì thế mới có chuyện Chúa Giêsu la: “Con có biết Ta muốn làm gì cho con không?” và câu nói khủng khiếp: “Nếu con không để cho Ta rửa chân cho con, thì con không được dự phần với Ta” (Gioan 13)

Năm 1951, Đức Giáo hoàng Piô XII đưa việc rửa chân vào nghi thức phụng vụ Tuần Thánh để nhấn mạnh Ơn Cứu Độ không dành riêng cho bất cứ ai, nhưng là cho tất cả mọi người. Như thế phải chờ đến năm 2016 mới chính thức “cho tất cả mọi người có nghĩa cho cả đàn ông lẫn đàn bà!”

Marta An Nguyễn chuyển dịch

Ghi chú: Bài này có nhiều phản hồi lý thú, có phản hồi nói rằng, “trước Công đồng Vatican II, rửa chân là một biểu tượng bác ái, lo cho người nghèo và không nằm trong nghi thức phụng vụ, sau Công đồng, Giáo hội mới đưa vào nghi thức phụng vụ, nhấn mạnh Chúa Kitô rửa chân là nhắc lại việc chịu chức thánh của các thầy lêvi. Vì thế Chúa Giêsu mới nói nếu Phêrô không để cho Chúa rửa chân thì ông không được đồng bàn với Ngài, vì ở Israel các thầy lêvi cũng ăn đồ dâng lên Chúa, đồng bàn với Chúa. Vậy, đây là một hành vi tiền-chịu chức. Vì thế, rửa chân là dành cho các ông, nhắc lại việc Chúa Giêsu làm việc này để chuẩn bị cho mười hai tông đồ trở thành linh mục của chức thánh trong Giao ước mới. Khi rửa chân cho cả phụ nữ, có nghĩa là đánh mất ý nghĩa chức thánh, để trở về với việc bác ái. Như vậy không phải là “tiến bộ” mà đi lui lại tính biểu tượng từ thiện có trước Công đồng Vatican II.”

Vậy là có người phản hồi ngay, “vậy, tôi xin nói tiếp vì bạn chưa nói xong: đây là sắc luật mở đầu để phụ nữ được chịu chức thánh!”

Và một lô nhắn nhủ: “các bà các cô không được mặc váy ngắn, không được mang bít tất loại bó sát, không được sơn móng chân đỏ chót…”