Roberto Benigni: “Lòng thương xót Chúa lây lan qua nhân loại”

376

zenit.org, Anita Bourdin, 2016-01-12

“Trong một thế giới mà chúng ta không còn nhận ra hình ảnh của nó, một thế giới chỉ muốn sự sợ hãi, hận thù, lên án thì Đức Phanxicô trả lời bằng lòng thương xót!”, đạo diễn, diễn viên Roberto Benigni tuyên bố trong buổi ra mắt sách “Tên của Chúa là Thương Xót” ngày 12 tháng 1-2016 ở trụ sở Augustinianum của Viện Tổ phụ ở Vatican. Quyển sách phỏng vấn của Đức Phanxicô với ký giả Ý, nhà Vatican học Andrea Tornielli.

Ông Benigni nhấn mạnh, “Lòng thương xót Chúa đã lây lan qua nhân loại” mà giáo hoàng đã theo dõi buổi trình bày Mười Điều Răn trên truyền hình Ý, bắt đầu bằng bài đọc theo tác phẩm  Thần Khúc (Divine comédie) của văn hào Ý Dante.

Ông Benigni đã nói đùa, chỉ có Đức Phanxicô mới nhờ một “Hồng y người Venise, Pietro Parolin, một tù nhân Trung Quốc, Zhang Agostino Jianquing và một diễn viên hài người Toscan là tôi” cùng giới thiệu quyển sách của ngài.

Khi Đức Giáo hoàng liên lạc với ông, ông trả lời “Dạ,” ngay lập tức: “Dạ! Con làm liền! Với Đức Phanxicô, tôi không bao giờ nói không! Đức Giáo hoàng này là của tôi, ngài làm tôi vui quá sức! Quá sức! Chứ không phải vui vừa vừa!… Ngài là một nhà cách mạng!”

Ông kể ông ở trong phái đoàn nhỏ đến giới thiệu sách cho ngài ở Nhà trọ Thánh Mácta ngày thứ hai 11 tháng 1-2016. Phái đoàn có anh Zhang Agostino Jianquing, linh mục Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, bà Marina Berlusconi, chủ tịch nhóm Mondadori, linh mục Costa ở Nhà trọ Thánh Mácta. Ngày thứ ba 12 tháng 1, quyển sách được phát hành cùng một lúc trên 86 nước.

“Tôi giống như ông Giakêu, (Luca 19, 1-10): Giakêu leo lên cây sung và Chúa Giêsu nói với ông: “Xuống đi, hôm nay Ta đến nhà con.” Đó là khía cạnh ít được biết nơi Chúa Giêsu: Ngài vui đùa, hân hoan, hài hước khi tỏ lòng thương xót của mình!”

Begnini BookĐối với ông Benigni, quyển sách về lòng thương xót này thật “duyên dáng” (bellissimo), nó “mơn trớn” chúng ta, nó “thương xót” chúng ta. Thương xót, một đức hạnh sinh động, nó làm nhúc nhích, giống hệt như Đức Phanxicô, ngài nhúc nhích không ngừng một phút, cả tâm lẫn cả thân!”

Khi đọc quyển sách này, độc giả có cảm tưởng như mình đang “nói chuyện với Đức Giáo hoàng”, ngài “dạy mà không làm đầu mình bị kẹt cứng”: đây là quyển sách bỏ túi, Đức Giáo hoàng ở trong túi, chỉ khoảng mười, mười lăm phút!”.

Ngài nói về “cuộc sống, về hiểu biết, về tình yêu, về lòng trắc ẩn, về tha thứ. Tha thứ là chủ đề chính triều giáo hoàng của ngài”.

Diễn viên Benigni nói tiếp: “Lòng thương xót là “công chính cao cả nhất, nó không loại bỏ công chính, nó làm cho công chính đi xa hơn!” Vì, “người ta không phải chỉ cần công chính mà thôi!”. Và đó là “nguồn gốc triều giáo hoàng của ngài: Thương xót!”

Rồi Benigni say sưa nói đến Thánh vịnh 50 và lời cầu xin của vua Đavít vì ông đã “giết Uri” để chiếm vợ của ông này: “Nếu Chúa tha cho vua Đavít thì Chúa tha cho tất cả chúng ta!”

Rồi Benigni nhắc lại niềm vui: hạt ngọc của lòng thương xót là niềm vui!

Rồi ông nhắc theo trí nhớ câu nói của Đức Bênêđictô XVI, “nơi nào không có niềm vui thì nơi đó không có Thần Khí, cũng không có lòng thương xót”: “Niềm vui, ông nói thêm, đó là bí mật khổng lồ của kitô giáo, (…) một yếu tố cấu trúc nên kitô giáo!” “Quý vị coi chừng những ai không vui nhé!”, niềm vui, một hạnh phúc “khiêm tốn”.

Ông cũng kể theo trí nhớ về mục sư Dietrich Bonhoeffer, người Đức tử đạo dưới chế độ phát xít, mục sư thấy, “Chúa Giêsu lo cho người đĩ điếm, người thu thuế”, nhưng Ngài không bao giờ “đặt vấn đề với sức khỏe, với hạnh phúc!” Ngược lại, Ngài “mang lại sức khỏe cho người bệnh, mang lại niềm vui cho người bị bỏ rơi, Ngài không chống Ba Vua, chống tiệc cưới Cana, chống người Lêvi, chống dầu cam tùng của Maria-Mađalêna”: và đó là “nhập thể”, là “lên trời trọn vẹn với thực tế của thế giới này”, Ngài gởi “sao lạ đến cho Ba Vua!”

Ông Benigni kể tiếp, trong Phúc Âm Thánh Máccô, phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu là phép lạ chữa lành cho mẹ vợ Thánh Phêrô – một sự “phục thù cho tất cả các bà gia!” và “Phêrô không làm Chúa ngừng tay”: “Ngài chữa cho bà và bà bắt đầu phục vụ mọi người: bà nấu ăn cho họ!”

Begnini như thuộc lòng quyển sách, ông nhấn mạnh: “Chúa đã tha tội cho chúng ta, Ngài đã làm, Ngài đã gởi Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là tiếng “dạ” của Chúa”.

Ông cũng khuyên người không tin nên đọc quyển sách này. Ông nói đến “cuộc chiến giữa tình yêu và không-tình yêu”: Đức Giáo hoàng chỉ có yêu và chỉ nói về tình yêu.”

Và theo Benigni, “lời cao cả nhất của nhân loại” là “tình yêu cho kẻ thù!”!

Nhắc lại Đức Phanxicô và những gì ngài làm để đi tới đàng trước, ông nói thêm: “Đức Phanxicô mang sức nặng của Chúa, ngài đi, ngài có vẻ mệt: ngài kéo cả Giáo hội đến một nơi mà người ta đã bỏ xa, ngài kéo về… kitô giáo, về Chúa Giêsu, về Phúc Âm: không thể tin được ngài đã làm như thế nào, ngài làm qua lòng thương xót, nhưng không phải với lòng thương xót giả vờ dịu dàng, nhưng là cả một thách thức, đúng nghĩa của thách thức vì ngài làm cả về mặt xã hội lẫn chính trị, thật phi thường! Và cách ngài thắng được thách thức này như thế nào thì thật ấn tượng! Thuốc chữa của lòng thương xót ngài tìm nơi những người rốt cùng, ở đảo Lampedusa của người di dân, ở Cửa Thánh Bangui, Trung Phi… Ngài sẽ tìm sự đau đớn của thế giới, nơi nảy sinh ra lòng thương xót, và tràn đầy trên hai tay, ngài trao lại cho bạn! Trong một thế giới mà chúng ta không còn nhận ra hình ảnh của nó, một thế giới chỉ muốn sự sợ hãi, hận thù, lên án thì Đức Phanxicô trả lời bằng lòng thương xót!”.

Ông Benigni nhắc lại câu nói nổi tiếng của Đức Phanxicô trong buổi Kinh Truyền Tin đầu tiên của ngài ngày 17 tháng 3 năm 2013: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ, chỉ có chúng ta mệt mỏi khi xin tha thứ…” và ngài cũng đã nhắc lại trong một bài giảng gần đây: “Chúa tha thứ bằng cái vuốt ve trên tội của chúng ta, ngài vuốt ve chúng ta…”

Cũng như Đức Hồng y Parolin, diễn viên Benigni cũng nhắc lại lời của một bà ngoại Argentina nói với cha Bergolio: “Nếu Chúa không tha thứ thì nhân loại không tồn tại!”

Rồi diễn viên Benigni ngâm một đoạn nói về người tội lỗi và người tham nhũng, ông thốt lên: “Lòng thương xót Chúa đã lây lan qua nhân loại! … Chúng ta đã chạm đến Chúa!”

Đạo diễn Begnini kết thúc bằng câu nói của Đức Giáo hoàng trích từ Thánh Gioan Thánh Giá: “Vào cuối cuộc đời này, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu.”

Marta An Nguyễn chuyển dịch