Hai vị Thánh mĩm cười

1082
Gioan XXIII Và Gioan Phaolô II, những người nhiệt tình, vui vẻ, và tự nhiên
bài của Louise Perrotta
Hai vị thánh mĩm cười
‘Thiên Chúa yêu mến những người gieo vui mừng.’ Và tất cả mọi người cũng vậy. Có một điều gì đó rất lôi cuốn nơi những người sống một đời sống đức tin sâu sắc nhưng lại ‘không buồn rầu hay miễn cưỡng’ (2Cr 9:7).
Mỗi người, với cách riêng của mình, Angelo Roncalli và Karol Wojtyla, đã đem cái nhìn vui vẻ này vào trong vai trò đầy đòi hỏi là ‘nô bộc của các nô bộc của Thiên Chúa’. Cả hai người đều là những lãnh đạo tinh thần siêu hạng và những người chơi chính trên vũ đài thế giới – hai giáo hoàng duy nhất được tờ TIME chọn là ‘Nhân vật của năm’. Nhưng họ làm nên cái tôi thiên phú của mình bằng óc hài hước, hóm hỉnh và thậm chí là vui đùa. (‘Tôi thấy trong quá khứ các bạn cũng tặng danh hiệu này cho … cả Stalin và Hitler,’ Gioan Phaolô đùa với tờ TIME.)
Nhìn vào khía cạnh khôi hài. Cả hai giáo hoàng đều thích cái cười tốt đẹp. Thật vậy, Gioan XXIII có vẻ sẽ là vị thánh bảo trợ cho những cây hài. Một vài lời nói đùa của ngài đã trở thành huyền thoại. Một ký giả đã hỏi ngài xem ‘Có bao nhiêu người làm việc ở Vatican?’ ‘Ôi, không hơn một nửa trong số họ đâu,’ Gioan XXIII nháy mắt trả lời.
Một dịp khác, một viên chức Giáo triều bảo với ngài rằng việc khai mạc Công đồng Vatican II năm 1963 là điều ‘hoàn toàn bất khả thi’. ‘Được, chúng ta sẽ khai mạc vào năm 1962,’ ngài trả lời. Và cuối cùng đúng là thế.
Rồi có lần Gioan XXIII viếng thăm Bệnh viện Chúa Thánh Thần. Tất cả mọi người đều bối rối khi nữ tu phụ trách tự giới thiệu mình là, ‘Thưa Đức Thánh Cha, con là bề trên của Chúa Thánh Thần!’ Và ngài trả lời, ‘Ừ, cha phải nói là con rất may mắn. Cha chỉ là Đại diện của Chúa Kitô mà thôi!’
Có lẽ ít hài hước hơn, nhưng cũng có nhiều lời đùa nhanh miệng, Gioan Phaolô II đã thể hiện một khiếu hài hước đáng nể. Để giữ mình ổn định giữa những đòi hỏi và áp lực của cương vị giáo hoàng, ngài đã xây một hồ bơi nhỏ trong dinh thự mùa hè của giáo hoàng. Khi có vài người chất vấn về phí tổn, ngài trả lời, ‘Một mật nghị hồng y sẽ tốn nhiều hơn thế đó.’
Nhớ lại khả năng đáng ngạc nhiên của Gioan Phaolô trong việc nhớ tên và khuôn mặt mọi người, một giám mục Hoa Kỳ đã kể về một lần trở lại Roma sau khi đã tăng thêm nhiều cân kể từ lần trước. ‘Giáo phận của cha có lớn thêm không vậy?’ giáo hoàng hỏi. Vị giám mục bệ vệ thưa là thực sự giáo phận của mình có mở rộng thêm. ‘Và giám mục cũng vậy,’ Gioan Phaolô nói với cái nháy mắt đi kèm.
Tự nhiên
Hai giáo hoàng này coi nhẹ các khuôn mẫu ngoan đạo cứng ngắc, và hai ngài đơn giản là chính mình khi đứng trước công chúng. Người ta thấy Gioan Phaolô II cầu nguyện và giảng dạy, như chuyện bình thường giáo hoàng nào cũng làm. Nhưng họ cũng thấy ngài đùa giỡn với các chú hề, hát to những bài hát và thánh ca tiếng Ba Lan, và chơi trò trốn tìm với đám trẻ con của các nhân viên trong phủ giáo hoàng. Đức giáo hoàng này là một bậc thầy hài hước qua hành động. Ngài quay cây gậy của mình như vua hề Sáclô, nhái chiếc kính râm đã thành thương hiệu của Bono ca sỹ chính của nhóm U2, và lém lỉnh nhìn đám đông bằng chiếc ống nhòm tự tưởng tượng là hai bàn tay.
Trong liên hệ với dân chúng, Gioan Phaolô cũng phá vỡ những tiền lệ. Một ví dụ là chuyện của Vittoria Ianni, con gái của một người quét đường ở Roma. Khi được nghe hai nữ tu kể cho nghe về những năm tháng nghèo khổ của giáo hoàng tại Ba Lan, cô bỗng nhiên muốn mời ngài đến dự lễ cưới sắp đến của mình. Đây không phải là việc các giáo hoàng thường làm. Nhưng khi Giáo hoàng đến viếng máng cỏ ngoài trời của các nhân viên vệ sinh đường phố Roma làm mỗi mùa Giáng Sinh, Vittoria bước đến và đưa ra thỉnh cầu của mình. Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, giáo hoàng đã đồng ý.
Vittoria và Mario Maltese làm lễ hôn phối trong Nhà nguyện Pauline của Vatican vào tháng 2 năm 1979. Hai mươi năm sau, hai người trở lại, với ba đứa con đã lớn, để được tiếp kiến riêng với Giáo hoàng Gioan Phaolô. Mario kể với nhà báo rằng, ‘Trọn cuộc hôn nhân của chúng tôi dường như đã được chúc lành đặc biệt’.
Gioan XXIII phá vỡ khuôn mẫu bằng vô số cách khác nhau. Tự nhiên, cởi mở, và bộc phát, ngài rất thích mời các công nhân, các vệ binh Thụy Sỹ, và ‘những thường dân’ ghé chân uống một ly rượu với mình. Saverio Petrillo, người trông nom dinh thự Castel Gandolfo, nhớ lại giáo hoàng Gioan cứ ‘biến mất hết lần này đến lần khác’. Ngài biến mất ‘mà chẳng nói với ai, và không cần tùy tùng, rảo bước đi giữa đoàn dân chúng’. Ngài không phải là không biết chọc người khác. Một giám mục, đi rảo bộ trong vườn Vatican với ngài, đã khám phá cách ngài xoay sở điều chỉnh hệ thống tưới nước sao cho nước bắn vào những người không ngờ đến.
Và chắc chắn cũng là do tính châm chọc dẫn dắt ngài trong một buổi tiệc thời ngài làm đại sứ tòa thánh ở Pháp. Trong buổi tiệc, ngài đưa một trái táo cho người ngồi bên cạnh, một quý bà với chiếc áo xẻ sâu gợi cảm
‘Nhận nó đi, vui lòng nhận đi,’ ngài hối thúc bằng giọng nhẹ nhàng điển hình của mình. ‘Chỉ sau khi ăn trái táo, Evà mới nhận ra là mình thiếu đồ trên người đến thế nào.’
Hài hước và Khiêm nhượng Giáo hoàng Gioan XXIII lại thường lấy chính mình để đùa. Ngài thường cười ngoại hình của mình, tai to, mũi bự, và mặt tròn. Một ngày nọ sau một buổi chụp ảnh, ngài nói với tổng giám mục Fulton Sheen rằng: ‘Từ muôn thưở, Chúa đã biết là tôi sẽ làm giáo hoàng. Ngài có đến tám mươi năm để làm việc trên tôi Vậy tại sao ngài lại để tôi quá xấu thế này cơ chứ?’
Một lần khác, ngài chào hỏi một khách mời có vẻ khắc khổ bằng tiếng thở dài và bình luận: ‘Cả hai chúng ta sẽ phải cầu nguyện với Chúa, nài xin ngài san bớt một nửa quá sức phì nhiêu của tôi cho bạn mới được!’
Ngoài việc hỗ trợ cho tính khiêm nhượng, óc hài hước tự phản cũng là cách Gioan XXI xoa dịu người khác. Cũng gần như thế, giáo hoàng Gioan Phaolô đã đùa về những khó khăn thể lý mà ngài phải chống chọi khi sức khỏe đi xuống.
Tại Thượng hội đồng tháng 10 năm 1994, sáu tháng sau khi Gioan Phaolô phải trải qua một cuộc giải phẫu hông, tất cả mọi ánh mắt đều hướng về ngài khi ngài tập tễnh chậm chạp bước lên ngai. Hướng mắt về các giám mục, giáo hoàng xua tan không khí ngại ngùng bằng câu nói đùa: “Eppur’ si muove.” Đây là câu nói của Galileo, nói về việc trái đất quay quanh mặt trời. Nhưng Gioan Phaolô đang cười điệu đi khó nhọc của mình: ‘Nhưng đúng, nó quay.’
Lòng khiêm nhượng thật
Đây không phải là trình diễn. Hai con người này không nghĩ quá ít mà cũng không quá nhiều về mình. Họ tiến bước với nhận thức rằng mình đang ở trước nhan Thiên Chúa: là những đứa con quý giá và đáng yêu, nhưng cũng là những thụ tạo mỏng manh luôn luôn cần ơn Chúa.
Tất cả chúng ta đều cần lòng thương. Trong một lần nói chuyện, Scott Hahn kể về một linh mục Hoa Kỳ đến Roma dự một hội nghị và hội kiến nhóm với Gioan Phaolô II. Không lâu trước buổi hội kiến, vị linh mục để ý thấy một người đàn ông đang ăn xin nơi bậc cấp nhà thờ. Ông này có vẻ quen quen. Hóa ra là nhiều năm về trước, vị linh mục và ông ăn xin, đã cùng nhau theo học tại chủng viện Roma và cùng được phong chức một lần.
Bị chấn động sâu sắc, khi được gặp giáo hoàng, vị linh mục buột miệng kể cho ngài nghe chuyện này. Gioan Phaolô hứa sẽ cầu nguyện cho người ăn xin. Rồi ngài mời hai người đến dùng bữa tối chung với ngài.
Đến gần cuối bữa ăn, ngài muốn có đôi phút ngồi lại một mình với người ăn xin. Về sau, người ăn xin kể lại với người bạn mình hết những chuyện đã xảy ra lúc đó.
‘Ngay khi anh rời đi, giáo hoàng xiết tay tôi và nói, ‘Thưa cha, cha có muốn giải tội cho con?’
‘Nhưng con là một kẻ ăn xin’, tôi bảo với ngài như thế.
‘Tôi cũng vậy. Tất cả chúng ta đều là người ăn xin.”
Rồi người ăn xin-linh mục nghe giáo hoàng xưng tội. Và sau đó, ông quỳ gối, với đầm đìa nước mắt xin Gioan Phaolô giải tội cho mình.
Giáo hoàng Gioan XXIII cũng có hành động đánh động như thế vào ngày lễ Giáng Sinh 1959, khi đến viếng thăm nhà tù Regina Coeli ở Roma. Ngài bảo những tù nhân rằng ngài đến như một người anh em – và giải bày tâm sự chuyện một người bà con của ngài cũng đang chịu án tù vì tội chiếm đoạt tài sản. Từ ngài tỏa ra một sự quá đỗi tốt lành và chân thành nên khi ngài nói xong, ai ai cũng rơi nước mắt.
Một lần khác, một tù nhân từ chối gặp ngài. Biết rằng người này đã phạm tội giết vợ mình, ngài bảo người lính gác để mình đi vào trong phòng giam của anh. Rồi ngài mở lời: ‘Anh biết đó, tôi chưa từng lấy vợ. Nhưng nếu tôi đã lấy vợ, thì chắc tôi cũng giết vợ mình thôi.’
Giáo hoàng Gioan XXIII đã viết trong nhật ký của mình rằng,
‘Tôi sống nhờ lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng mà tôi nợ Ngài tất cả mọi sự và là Đấng mà tôi trông mong tất cả mọi sự nơi Ngài.’
Và cả ngài lẫn giáo hoàng Gioan Phaolô II, có lẽ nên thêm rằng,
‘Bởi thế, tôi có thể mĩm cười!’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch