fr.aleteia.org, Zelda Caldwell, 2015-09-29
Đức Phanxicô nêu ra những gì chúng ta đã biết tận sâu trong lòng mình: chúng ta đang đau khổ.
Trong suốt chuyến đi của mình ở Mỹ, Đức Phanxicô đã khen những gì chúng ta đã biết làm một cách tốt đẹp, nhưng ngài còn kêu gọi chúng ta đi xa hơn. Ngài khen sự độc lập, tình tương trợ với người nghèo, đức tin và gia đình của chúng ta.
Nhưng trong buổi gặp các giám mục công giáo họp ở Philadelphia ngày chúa nhật 27 tháng 9, Đức Phanxicô đã đề cập đến căn bệnh đang gặm nhắm xã hội hiện nay, căn bệnh thích tiêu thụ.
Ngài nói, tiêu thụ là đặc tính của “rất nhiều tình trạng hiện nay” và đây là “một loại nghèo nàn phát xuất từ cảm nhận thấy mình cô đơn, một cảm nhận nổi trội của rất nhiều người.”
Tôi mà cô đơn ư? Tôi có hàng trăm bạn mà…
Chúng ta sẽ có thể phản ứng lại, “nhưng trọng kính Đức Thánh Cha, con mà cô đơn ư? Con có hàng trăm bạn. Cha chỉ liếc nhìn chân dung tài khoản của con trên trang Facebook và tất cả những “tôi thích” cho mỗi chuyện con đăng trên tài khoản Instagram, đó là con chưa kể các tài khoản của con ở Twitter, con nhiều bạn lắm”.
Rất tiếc, nhưng đó không phải là tình bạn, Đức Phanxicô tuyên bố: “Cứ khi nào cũng đi theo thời trang mới nhất, cứ tích lũy ‘bạn’ trên các trang mạng xã hội, chúng ta để cho mình bị nuốt bởi những gì xã hội hiện nay mời gọi: một nỗi cô đơn đi theo một nỗi sợ phải dấn thân, trong một cuộc chạy đua vô độ để được công nhận.”
Một khẳng định như vậy có thể gây tổn thương, vậy mà chúng ta đã tốn không biết bao nhiêu thì giờ để trau chuốt cho mình có một hình ảnh đẹp trên Internet, để thỏa mãn cho thú vui của mình chứ không cố gắng đi gặp người khác, để có một quan hệ thích đáng.
Chủ nghĩa vật chất của chúng ta không chỉ giới hạn ở món đồ chúng ta mua bán, nó còn kéo chúng ta trong quan hệ với người khác, ngài nói tiếp:
“Ngày nay, người ta không còn kết sợi dây liên hệ mật thiết với người chung quanh mình. Nền văn hóa hiện nay hình như không còn cổ vũ cho việc kết tình thân với ai, là vì đã có bầu khí chung dè chừng nhau. Bây giờ, điều nổi trội là chạy theo thời trang mới nhất,” ngài khẳng định.
Và ngài tiếp tục: “Đó là sự tiêu thụ chỉ làm những “kết nối”, một sự tiêu thụ không quan tâm đến quan hệ nhân bản. Các kết nối trên các trang mạng xã hội chỉ là ‘phương tiện’ để thỏa mãn các ‘nhu cầu’ của riêng mình. Người bên cạnh chúng ta với gương mặt thân thuộc, với tiến trình, với nhân cách của họ không còn quan trọng với chúng ta nữa.”
Ngài lấy làm tiếc cho một “văn hóa loại bỏ những gì không còn thấy ‘hữu ích’ hoặc không còn ‘thỏa mãn’ theo khiếu thưởng ngoạn của người tiêu thụ.”
Nếu chúng ta quan sát những gì Đức Phanxicô tuyên bố trong suốt chuyến đi của ngài, chúng ta thấy lời phê phán gay gắt này không có gì là mới. Nhưng ngược lại, nó dám đưa chúng ta về lại một vấn đề thiết thực: nhu cầu phải có cho một “văn hóa của gặp gỡ” với người khác.
Các chuẩn mực của ngài về “bối cảnh mục vụ đang tiến hành” và cho những “thách thức” của hàng giáo sĩ sẽ đi trong chiều hướng chẩn đoán này. Ngài đã từng tuyên bố “Giáo hội như bệnh viện dã chiến sau trận chiến”, và ngài đến giải thích cho chúng ta biết tình trạng trầm trọng các vết thương của chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch