‘Cha mời gọi anh chị em, hãy dừng lại trước Hang đá, bởi ở đó, sự trìu mến của Chúa nói với chúng ta. Bên hang đá, chúng ta chiêm ngắm lòng thương xót Thiên Chúa đã làm người để cho chúng ta được âu yếm ngắm nhìn.’
Với Giáo hội, hang đá không phải chỉ là để trang trí, nhưng mang một thông điệp đầy mạnh mẽ về tình yêu thương, sự gần gũi của Thiên Chúa.
‘Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần là xuất hiện trên địa cầu, và cũng không phài dành cho chúng ta chút thời gian ít ỏi, nhưng Ngài đến để chia sẻ cuộc sống với chúng ta, đón nhận những khao khát của chúng ta, Ngài muốn và vẫn muốn sống ở đây, cùng với chúng ta và cho chúng ta. Thế giới chúng ta, trong biến cố Giáng Sinh, trở nên thế giới của Ngài, và thế giới thật quan trọng với Ngài. Kinh Tin kính nhắc nhở chúng ta rằng: Thiên Chúa, với lòng thương xót vô vàn, đã hạ mình đến với chúng ta để ở với chúng ta.’
Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng những minh họa mầu nhiệm Giáng Sinh là những lời khẳng định về lối sống của người Kitô hữu.
‘Hang đá cũng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không bao giờ áp đặt chúng ta. Để cứu chúng ta, Ngài đã không thay đổi lịch sử bằng một phép lạ lớn lao. Nhưng, Ngài đã sống với sự khiêm nhượng, đơn sơ, và hiền lành. Thiên Chúa không thích những cách mạng kịch tính quyền lực, và không dùng cây đũa thần để thay đổi tình hình. Nhưng Ngài đã biến mình thành nhỏ bé, Ngài trở nên trẻ bé, lôi cuốn chúng ta bằng tình yêu thương, chạm đến lòng chúng ta bằng sự tốt lành khiêm nhượng của Ngài, và bằng sự nghèo khó của Ngài chú tâm đến những người lo lắng tích lũy của cải sai lầm trần gian.’
Dù thường thì người ta sẽ hạ hang đá sau Giáng Sinh, nhưng truyền thống Vatican là vẫn giữ một hang đá ở quảng trường thánh Phêrô cho đến ngày 02-02, lễ Dâng Chúa Giêsu lên Đền Thánh. Như thế, sẽ có nhiều thời gian để mọi người hành hương chiêm niệm qua khung cảnh Giáng Sinh.
JB. Thái Hòa chuyển dịch từ Rome Report