Bernard-Henri Lévy: “Nơi ngài toát ra một sự thánh thiện cao cả”

341

lepoint.fr, 2015-12-11

Bernard-Henri Lévy

Ngày 9 tháng 12-2015, triết gia người Pháp Bernard-Henri Lévy đến Vatican để chuẩn bị 50 năm kỷ niệm ngày Đức Phaolô VI ra tuyên ngôn Nostra Aetate (Đối thoại với các tôn giáo ngoài kitô giáo). Đức Phanxicô đã tạo một ấn tượng mạnh nơi triết gia người Pháp này.

Le Point.fr: Ông gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô vào dịp nào?

Bernard-Henri Lévy: Cũng may là thế giới không giới hạn chỉ ở các cuộc bầu cử các vùng miền của chúng ta. Thế giới còn có những vấn đề khác, những thách thức khác hơn là biết gia đình cánh hữu Le Pen thắng vùng này hay thắng vùng kia. Tôi ở Vatican là để chuẩn bị cho một cuộc họp lớn vào ngày 16 tháng 12 sắp tới ở trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate và như ông biết, tuyên ngôn này đã chấm dứt sự hận thù giữa kitô giáo và do thái giáo.

Tại sao lại ở Vatican?

Bởi vì, cùng với Mémorial de Yad Vachem và các cơ quan do thái lớn của Mỹ, Vatican là một trong những cơ quan tổ chức sự kiện này ở New York. Tôi sẽ là một trong những trình thuật viên. Vì thế tôi ở đây với Thượng Giáo sĩ người Anh David Rosen và Thượng Giáo sĩ người Mỹ Michael Landau để họp làm việc, bàn về phương pháp và mục đích cho cuộc họp quan trọng này. Tôi có một buổi họp lâu với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, nhân vật số hai của Vatican. Và trước khi họp để ấn định mục đích và cũng để trình cho Đức Hồng y xem các tem-thư được in trong dịp này giữa Vatican và Yad Vachem, tôi đã có một buổi tiếp kiến rất cảm động với Đức Giáo hoàng.

Hình của ông ở một trong các tem này…

Có. Có mười hai tem. Đây là những tem đánh mốc các thời điểm dài nhưng vững chắc trong quá trình giải hòa giữa kitô giáo và do thái giáo. Và một trong mười hai tem này là hình trên đó có tôi cách đây hai mươi năm với Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, lúc đó tôi đưa Tổng thống Bosnia, Alija Izetbegovic đến gặp ngài.

Ông có cảm tưởng nào khi gặp Đức Phanxicô?

Có lẽ điều này sẽ gây ngạc nhiên cho một người ít mặn về tôn giáo như tôi, nhất là tôi lại là người do thái gốc. Nhưng cảm tưởng nổi trội nhất là ở ngài toát ra một sự thánh thiện cao cả. Con người này cắm chặt neo vào thế kỷ mình sống. Được cập nhật hóa tin tức thời sự nóng bỏng nhất. Rất chăm chú với tình hình thế giới, kể cả những cú nhảy tưng vừa qua của nền chính trị Pháp ngài cũng biết. Ngài cũng như Đức Gioan-Phaolô II, một người hiện thân rất mạnh. Nhưng điều nổi bật nhất nơi con người cao to này, đàng sau nụ cười mở rộng và tràng cười rang rảng là cảm tưởng của một người không hoàn toàn ở đây, dù vậy, đây là một người cao cả, rất cao cả hơn là con người bằng xương bằng thịt đang ở dưới mắt tôi và tôi đang ở bên cạnh.

Ông nói với ngài chuyện gì?

Rất ngắn. Nhưng với ngài, không có một đề tài nào là cấm kỵ, kể cả Nhà nước Hồi giáo Tự xưng hay chính trị gia này, chính trị gia kia lạm dụng cho mình có các giá trị kitô giáo. Tôi có hỏi ngài về một câu vui vui ngài nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây bằng tiếng Tây Ban Nha, ngài nói khi cầu nguyện, ngài đọc thánh vịnh và khi đọc ngài thấy mình là “người do thái”. Nhưng tôi lặp lại, cảm tưởng nổi trội vẫn là một người không ở đây, hoàn toàn không ở thế giới này, một phần của ngài ở bên phía các thiên thần.

Ở thời buổi “biến loạn tôn giáo” này, đâu là các mục tiêu có thể kết hợp được người do thái giáo và người kitô giáo?

Cuộc chiến đấu chung chống cái mà Sigmund Freud gọi là “thủy triều đen của khoa huyền bí”. Chính xác, một bên là các tên khủng bố cực đoan. Còn bên kia, gần như anh em sinh đôi của chúng, là các đảng phái bình dân, thậm chí phát xít của Âu Châu. Trong hai cuộc chiến này, và cả những cuộc chiến khác, chưa bao giờ người do thái và người công giáo sát cánh nhau như vậy. Còn lại thì tôi xin thú với ông một chuyện. Các bạn  đi theo tôi là người do thái chính thống. Và chúng tôi để cả ngày để dạo chơi các hầm ở Vatican, xem các nhà nguyện, các “cầu thang của thần chết, những nơi quyền lực đủ loại. Chúng tôi đến văn phòng của một hồng y này ở phòng tiếp tân lớn, ở đây chúng tôi gặp một hồng y khác. Vậy mà cả tôi cũng như với Rosen và Landau, chúng tôi không bao giờ có cảm giác mình ở một nơi lạ…

Đối thoại liên tôn giáo vẫn còn hữu ích ở thời buổi chủ nghĩa vật chất thắng thế này không?

Còn chứ. Tôi sẽ cho ông ngay lập tức một ví dụ rất cụ thể. Đó là các kitô hữu ở Đông phương. Đặc biệt ở đan viện Mar Matta, gần như ở lằn mức chạm trán với Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, cách đây vài tuần, tôi dành một trang “Ghi nhận” (Bloc-note)” để viết về các việc này. Tôi đã đưa cho Đức Giáo hoàng một bản dịch ra tiếng Tây Ban Nha trang “Ghi nhận” này. Cộng thêm các hình ảnh đau thương mà tôi chụp bốn đan sĩ cuối cùng, những người từ chối không đi trốn và có thể có một ngày, các đan sĩ này sẽ chịu chung số phận như các đan sĩ ở Tibhirine, Algeria, Chúa hẳn không bằng lòng. Dù sao tôi cũng không thể nào nói gì hơn bây giờ, nếu các đan sĩ này được cứu thì với họ, tu viện có từ những thế kỷ đầu tiên của kitô giáo này còn tồn tại, thì đó là nhờ cuộc đối thoại do thái giáo-công giáo này…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch