Thiếu tự tin để hướng đến sự cao cả
Ronald Rolheiser, 16 Tháng Mười Một 2015
Chúng ta tất cả đều có những hình dung của riêng mình về sự cao thượng cũng như nhân đức và thánh thiện. Ví dụ như, chúng ta hình dung thánh Phanxicô thành Assisi hôn một người cùi, hay mẹ Teresa ôm một người ăn xin hấp hối, hay thánh Gioan Phaolô II đứng trước đám đông hàng triệu người và nói cho họ biết ngài yêu họ dường nào, hay chúng ta hình dung thánh Teresa Hài Đồng Giêsu đang nói với một chị trong dòng hay xử ác với thánh nữ, là Têrêsa vẫn yêu mến chị lắm, hay còn hơn nữa, chúng ta hình dung thánh Veronica, trên đàng thánh giá, dù đang sợ hãi trước sự tàn bạo vẫn lao đến và lau mặt Chúa Giêsu.
Có một vài điểm chung trong những hình dung về các nhân vật ngoại hạng này, nhưng có một mẫu thức chung khác nữa nói về sự ngoại hạng theo một cách rất khác, cụ thể là mỗi một nhân vật này có một sự tự nhận thức mạnh mẽ ngoại hạng và một sự tự tin mạnh mẽ ngoại hạng.
Để băng qua những gì ngăn cách giữa mình với một người cùi, không chỉ cần một tâm hồn lớn, nhưng còn cần một sự tự tin mạnh mẽ. Để giữa đường phố, ôm một người ăn xin hấp hối, không chỉ cần một trái tim cảm thông, mà còn cần một tự thức mạnh mẽ. Để đứng trước đám đông hàng triệu người và nói lên bạn yêu họ biết bao, không chỉ cần một tình thương, mà còn cần có sự tự tin hiếm có. Để để đáp trả sự ác độc chủ tâm bằng tình cảm nồng hậu, không những cần một linh hồn thánh thiện, mà còn cần từng được cảm nghiệm một tình yêu thâm sâu trong đời. Và để vượt qua mối nguy hiểm và kích động của quân dữ, để lao vào đám đông say mùi máu và yêu thương lau khô gương mặt người mà chúng thù ghét, thì không những cần sự can đảm, nhưng còn cần từng được cảm nghiệm một tình yêu mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Để yêu thương, chúng ta cần được yêu thương trước. Chúng ta không thể trao đi những gì mình không có.
Những con người vĩ đại như thánh Phanxicô, mẹ Teresa, thánh Gioan Phaolô II, và Teresa Hài Đồng Giêsu, cũng là những người có sự tự tin cao độ. Họ không chút nghi ngờ việc Thiên Chúa đã có ơn đặc biệt cho mình, và họ có sự tin tưởng để thể hiện công khai các ơn này. Sự thật đáng buồn là nhiều người trong chúng ta, có lẽ là hầu hết chúng ta, đơn thuần là thiếu tự thức và tự tin để làm những gì các vị đã làm. Có lẽ lòng chúng ta cũng đầy yêu thương như họ, lòng cảm thông của chúng ta cũng sâu sắc như họ, nhưng vì đủ mọi lý do, có cả việc chúng ta đã từng bị tổn thương và từ đó nảy sinh xấu hổ dè dặt, nên chúng ta không cách nào có thể làm được như các người khổng lồ này, không thể đứng lên trước thế giới và nói: ‘Tôi yêu bạn, và điều quan trọng là bạn nghe được chính tôi nói lên điều này!’ Lưỡi của chắc chắn sẽ quặt lại khi có tiếng nói nội tâm cất lên: ‘Ngươi nghĩ ngươi là ai? Ngươi nghĩ ngươi là ai mà thế giới cần nghe lời yêu thương của ngươi?’
Sự thật là, vấn đề của chúng ta thường không phải là về nhân đức, nhưng là về sự tự tin. Hầu như chúng ta không xấu, chỉ là chúng ta từng bị tổn thương. William Wordsworth từng nói rằng chúng ta thường phán xét một người nào đó là lạnh lẽo khi người đó thực ra là bị tổn thương. Thật đúng.
Nhưng may là Thiên Chúa không phán xét bằng vẻ bề ngoài. Thiên Chúa đọc tâm hồn chúng ta, và ngài phân biệt giữa ác tâm và thương tích, giữa lạnh lùng và thiếu tự tin. Thiên Chúa biết rằng không một ai có thể yêu thương trừ phi người đó từng được yêu thương trước, và rất ít người, hầu như là không một ai có thể thể hiện được trái tim của một người khổng lồ, lòng dũng cảm của một anh hùng, và tình yêu của một vị thánh, nếu như người đó chưa từng được cảm nhận sâu sắc và xúc động một tấm lòng lớn, sự dũng cảm và tình yêu trong đời mình.
Vậy thì biết được điều này cho chúng ta những gì? Một nhận thức bản thân sâu sắc hơn luôn luôn có ích cho chúng ta, và cũng là an ủi khi biết rằng sự ngần ngại của chúng ta khi muốn bước ra và làm những việc như mẹ Teresa đã làm, là xuất phát từ việc chúng ta thiếu đi một cái tôi lành mạnh, hơn là do chúng ta ích kỷ và qui kỷ. Nhưng tất nhiên, sau sự an ủi là thách thức chúng ta phải ném đi những cái nạng mà chúng ta ta dùng để đương đầu với các thương tích và tự nhận thức khập khiễng của mình, để từ đó để cho tâm hồn, lòng dũng cảm và tình yêu của chúng ta được biểu lộ công khai hơn. Lưỡi chúng ta sẽ không bị quặt khi muốn nói to lên về tình yêu và bận tâm của mình, như chúng ta sẽ chỉ biết có thể được thế hay không một khi chúng ta thực sự làm việc đó. Nhưng, để làm việc đó, chúng ta trước hết phải vượt qua sự xấu hổ gây tê liệt, để đến với sự từ bỏ mình mà đến tận lúc này chúng ta vẫn chưa làm chủ được.
Và đây cũng là bài học để chúng ta hiểu được cái tôi trong linh đạo. Chúng ta luôn xem cái tôi là xấu, và đánh đồng nói với tính ích kỷ, nhưng như thế là tối giản bởi những người khổng lồ đường thiêng liêng này thường có cái tôi rất lớn nhưng không là những người ích kỷ. Mỉa mai thay, quá nhiều người chúng ta đang bị khập khiễng bởi những cái tôi quá nhỏ bé, và đó là lý do vì sao chúng ta không bao giờ làm được những việc làm cao cả như những con người khổng lồ này. Ích kỷ là xấu, nhưng một cái tôi lành mạnh thì không.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch