temoignagechretien.fr, Christine Pedotti, 2015-12-08
Đức Giáo hoàng này không ngừng làm chúng tôi nghĩ lầm. Với chuyến đi Phi Châu vừa xong, Ngài đi tiếp con đường giải tập quyền của đạo công giáo. Ngài chuyển hướng về phía Nam bán cầu nhưng nhất là về người nghèo và từ đó là về Phúc Âm.
Đó là hình ảnh mà các đài truyền hình ít loan tin, hình ảnh Đức Phanxicô mở “Cửa Thánh” ở Nhà thờ Chính tòa Bangui. Ngày 30 tháng 11-2015, Đức Phanxicô “mở trước” Cửa Thánh ở đây, vì ngày mở chính thức là ngày 8 tháng 12 ở Đền thờ Thánh Phêrô và cũng là ngày kỷ niệm 50 năm kết thúc Công đồng Vatican II, 8-12-1965. Mở Cửa Thánh ở Bangui sẽ không thay thế việc mở Cửa Thánh ở Rôma, nơi hàng chục ngàn người mong chờ để về hành hương, nhưng dù sao, mở Cửa Thánh ở Bangui là cả một biểu tượng! Một cách nào đó, đây là phong cách của Đức Phanxicô nói lên quyết định này. Để nói lên một cách rõ ràng, mình không phải là giáo hoàng của các nước Bắc bán cầu, các nước Phương Tây. Giáo hoàng đến từ cực Nam bán cầu, tâm, thân, trí của ngài vẫn còn ở đó. Ngài để tâm-thân-trí mình bên cạnh người nghèo, bên hàng tỷ người trên hành tinh này. Chính vì họ mà ngài nói về môi sinh, chính vì họ mà ngài nói về lòng thương xót, chính vì họ mà ngài không muốn kéo dài các cuộc thảo luận về bao cao su (thảo luận đặc nét nố lương tâm của Dòng Tên), dù cho ký giả có đặt câu hỏi cho ngài trên chuyến bay từ Bangui về Rôma.
Có thể chúng ta cảm thấy khó chịu về những chuyện này. Đó cũng là bình thường. Rất khó chịu khi mình không còn là trọng tâm vũ trụ. Dĩ nhiên lại càng khó đối với những người công giáo tự cho mình có “truyền thống”, mình bảo trọng giáo điều “luôn luôn” để lên hàng đầu trong các mối quan tâm của mình, cũng ngang với việc bảo vệ văn hóa kitô tây phương và nghĩ rằng các bà đầm tóc vàng của Mặt Trận Quốc gia Pháp (Le Pen) sẽ bảo vệ thế giới này đừng để nó thay đổi. Nhưng đối với những người công giáo phóng khoáng hơn, “tiến bộ” hơn, họ cũng bị bất mãn. Khi Đức Giáo hoàng nói về gia đình, ngài không thấy các gia đình của chúng ta, những gia đình tan rã một chút, tái tạo một chút, ngài thấy những người đàn bà đơn độc, những bà bị bỏ rơi, những bà mẹ Can đảm Nam bán cầu chịu gánh nặng của cuộc sống hàng ngày, của những bất công. Chính những người đàn bà này mà ngài rửa chân khi ngài còn là Tổng Giám mục ở Buenos Aires. Khi ngài nói đến người nghèo, ngài không nói đến những người nghèo ở vĩ tuyến chúng ta, những người sống ở mức tối thiểu với trợ cấp xã hội và nhờ các Quán ăn từ thiện. Ngài thấy những người chết đói. Ngài thấy các trẻ em sống ngoài đường, bụng đói meo, nghiện ngập hay tệ hơn sẵn sàng làm tất cả mọi sự kể cả bán mình, nếu cha mẹ chưa bán chúng. Chắc chắn, dù chúng ta có tâm hồn sẵn sàng chia sẻ với nỗi lo của những người nghèo nhất này, chúng ta cũng quan tâm đến nỗi lo nơi chúng ta ở, một thế giới lặn ngụp giữa hậu hiện đại và khuynh hướng đồng nhất, thì chúng ta cũng hơi thất vọng. Nhưng sẽ thảm hại nếu chúng ta cứ ở trong tình trạng này vì Đức Phanxicô, ngài có tầm vóc của một ngôn sứ, theo nghĩa xưa cổ nhất của từ này, giống như những người đi trước ngài trong Thánh Kinh: đó là hiến thân mình để làm cho Lời mình chuyển tải được sống.
Ở Nhà thờ Chính tòa Bangui, nơi cách đây một năm rưỡi, ngày 28 tháng 5-2014, sau các cuộc chạm trán kéo dài từ năm 2013 đến 2014 giữa người hồi giáo và kitô giáo, những người hồi giáo trang bị vũ khí nặng đã bắn làm cho 15 người chết và nhiều người bị thương, thì ở đây, Đức Phanxicô đọc Bài giảng trên Núi của Thánh Matêô (5, 46-48): nhắc lại lời kêu gọi nên trọn hảo, “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
“Một trong những nền tảng của các đòi hỏi căn bản của thiên hướng này là nên trọn hảo, là thương yêu kẻ thù, là không để khuynh hướng trả thù thắng thế, chống lại vòng xoáy trả đũa bất tận. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến khía cạnh đặc biệt này của chứng tá kitô. Các sứ vụ viên phúc âm hóa trước hết phải là các nghệ nhân của lòng tha thứ, các chuyên gia giải hòa, các chuyên viên kiến tạo lòng thương xót.”
Chính nơi thảm sát này, trong thành phố đang còn phải băng bó vết thương của mình, chính đây, Đức Phanxicô chọn làm nơi khai mạc trước Năm Thánh Lòng Thương Xót, bất chấp rất nhiều hiểm nguy về mặt an ninh.
Đức Giáo hoàng này không phải là một kitô hữu bề ngoài, và ngài không đòi hỏi chúng ta phải là tín hữu đóng kịch. “Nghệ nhân của tha thứ, chuyên gia của giải hòa, chuyên viên của lòng thương xót”, đó là cả một chương trình. Các lời này, Đức Phanxicô cũng nói với chúng ta, dù nước chúng ta cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố. Dĩ nhiên lời kêu gọi thương xót này không bắt chúng ta phải lùi bước trước bổn phận phải bảo vệ mình, phải tìm cho ra thủ phạm, phải làm mọi cách để tránh không cho các vụ thảm sát này được xảy ra nữa, nhưng lời kêu gọi này nhắc chúng ta, hòa bình đích thực phải có lòng tha thứ.
Một người cha trẻ mà người vợ của anh là một trong các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 13 tháng 11 ở Paris, đã viết ngay ngày hôm sau cho những kẻ giết người, cho những người đã sai bảo họ: “Các ông sẽ không có sự hận thù của tôi.” Chúng ta không có câu nào minh họa đẹp hơn cho lời Phúc Âm: từ chối không hận thù, từ chối không trả thù. Rốt cùng, trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, giáo hoàng đến từ miền Nam bán cầu này là giáo hoàng của chúng ta.
Marta An Nguyễn chuyển dịch