aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2015-11-27
Trước khi rời Kenya đi Uganda, chặng thứ hai trong chuyến đi Phi Châu của mình, Đức Phanxicô đã nhắn thêm vài lời với người trẻ, những người có một chỗ đặc biệt trong trong quả tim của ngài.
Chính là với người trẻ, đối tượng ưu tiên hàng đầu của mình trong chuyến đi mà Đức Phanxicô dành thì giờ để nói chuyện trước khi rời Kenya đi Uganda sáng thứ sáu 27-11. Những người nghe xem Đức Phanxicô như một “anh hùng”, chữ Đức Tổng Giám mục phụ trách giới trẻ ở Nairobi dùng, khi cha nói lời cám ơn Đức Phanxicô trước cả chục ngàn thanh niên trẻ đang có mặt ở đây, họ rất nhiệt tình và xúc động khi được gặp Đức Phanxicô ở Sân vận động Kasarani, Nairobi.
Giống như trong các lần gặp gỡ trước đây, Đức Phanxicô bỏ bài diễn văn soạn sẵn, ngài ứng khẩu nhắn một loạt lời nhắn, như một “người cha” lo lắng khi thấy con mình đứng trước đủ loại cám dỗ có thể làm chúng đi “trệch về sự dữ” như nạn tham nhũng, nghiện ngập, cuồng tín.
Chống tham nhũng
“Các con thân mến, cha xin các con đừng nếm vị tham nhũng … nó ngọt như đường, có thể làm các con thích thú, nhưng cứ nếm hoài thì nó sẽ làm cho các con đau, đau bệnh tiểu đường … con đường này dẫn đến cái chết, chứ không dẫn đến sự sống…”, Đức Phanxicô nói với các em. Không có gì biện minh cho “nạn dịch ở tầm mức thế giới này, nó ở trong bất cứ thể chế nào trên khắp thế giới, kể cả Vatican”, ngài nói. Quan trọng là đừng bắt đầu, “nếu con không bắt đầu thì người bên cạnh của con cũng sẽ không bắt đầu,”, vì đây là một mối dây rối bòng bong, chằng chịt với nhau.
Chống cuồng tín
Về nạn cực đoan cuồng tín của một số người trẻ và phương cách để đối diện, Đức Phanxicô trả lời cho một em trẻ: “Chúng ta phải hiểu vì sao một người trẻ được chiêu mộ hoặc đi chiêu mộ người khác. Người đó tách khỏi gia đình, bạn bè, tổ quốc, sự sống, người đó đi học cách để giết người… các con đi hỏi các nhà cầm quyền, tất cả các nhà cầm quyền: nếu có một thanh niên nam nữ không có việc làm, họ không học được, họ sẽ làm gì? Trở thành thiếu nhi phạm pháp, rơi vào con đường nghiện ngập, tự tử hoặc rơi vào trong một hoạt động mà người ta nói dối về ý nghĩa của cuộc sống. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Một hệ thống quốc tế bất công, một nền kinh tế không đặt con người ở trọng tâm nhưng để thần tài ở trọng tâm thì hệ thống đó sẽ không làm việc được. Như vậy điều đầu tiên để ngăn người trẻ không bị người hồi giáo cực đoan chiêu mộ là cho họ “giáo dục và công ăn việc làm”.
Chống chủ nghĩa bộ lạc
Tai ương thứ ba mà người trẻ không được rơi vào, đó là chủ nghĩa bộ lạc, một chủ nghĩa chia rẽ các sắc dân và các bộ lạc. Nạn dịch này là một “hủy hoại”, một “cám dỗ” vì “giống như bàn tay giấu sau lưng, mỗi tay một cục đá sẵn sàng ném người khác”. Ngài kết luận, “chủ nghĩa bộ lạc là cuộc chiến hàng ngày, một công việc đi từ quả tim”. Trong một hành vi mạnh, Đức Phanxicô xin mọi người hiện diện giơ tay lên và cùng hô chung: “Chúng ta là một quốc gia!”.
Với những người trẻ bị chấn động bởi nạn khủng bố và căng thẳng bộ lạc trong xứ của mình, Đức Phanxicô công nhận “chúng ta không sống trên trời, chúng ta sống dưới đất này, với những khó khăn và mời mọc hướng về sự dữ” nhưng cũng có một chuyện mà tất cả người trẻ đều có và không ai có thể lấy đi của họ, đó là là “khả năng chọn lựa của mình!”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch