Nhìn từ Sénégal. Vì sao Đức Phanxicô quan trọng đối với Phi Châu?

277

courrierinternational.com, Alymana Bathily, 2015-11-25

Nhìn từ Sénégal. Vì sao Đức Phanxicô quan trọng đối với Phi Châu

Thứ tư 25-11, Đức Phanxicô đi Kenya, chặng đầu trong chuyến đi Phi Châu của ngài. Sau đó ngài sẽ đi Uganda và Trung Phi. Đối với biên tập viên Alymana Bathily, người Sénégal, Đức Giáo hoàng là người mang lại hy vọng để Phi Châu thoát ra khỏi trào lưu chính thống cực đoan và sự thống trị của chế độ tân thực dân.

Sẽ ngạc nhiên khi thấy các người hồi giáo cùng một niềm hân hoan với các giám mục và các giáo hữu công giáo tụ họp nhau ở Quảng trường Thánh Phêrô để mừng lễ đăng quang của một tân giáo hoàng không? Không, vì khi giáo hoàng là phát ngôn viên của tất cả những người bị lên án trầm luân ở thế gian này, khi chọn chính nghĩa của mình là bảo vệ các dân tộc để chống chủ nghĩa đế quốc, khi bảo vệ người tị nạn, người đi trốn cảnh khốn cùng và bị sỉ nhục, khi biện hộ với lời lẽ cứng rắn và nồng nhiệt cho “quyền môi sinh” đứng trước “cơn khủng hoảng có thể làm nguy cơ đến sự sống còn của nhân loại” thì Đức Giáo hoàng Phanxicô không những là nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội công giáo La Mã, mà còn là chiến sỹ bảo vệ chính nghĩa cho các dân tộc trên toàn thế giới.

Phải nghe những lời nói cương quyết của ngài, nhất là bài diễn văn ngài đọc trước Lưỡng viện Quốc hội Mỹ, trước Liên Hiệp Quốc vào tháng 9-2015 vừa qua.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, chính trị gia ngoại hạng

Đứng trước các đại diện của siêu cường, ở ngay chính nôi của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, cũng như ở trong các thể chế tự cho mình là lãnh đạo tinh thần và chính trị cho toàn thế giới, Đức Giáo hoàng không dùng danh từ ngoại giao. Ngài khẳng định “chọn lựa hàng đầu của mình là người nghèo”, tố cáo “nạn buôn vũ khí”, kêu gọi một “thế giới không có vũ khí nguyên tử”, đòi hỏi phải “biết dùng các tài nguyên thiên nhiên, phải áp dụng thích đáng các kỹ thuật và sự khai thác trí tuệ của các công ty, đó là những yếu tố thiết yếu cho một nền kinh tế phát triển lâu dài, bao gồm mọi người và hiện đại”. Ngài mời gọi có một “cố gắng can đảm và có trách nhiệm để định hướng lại, đảo ngược lại các hệ quả trầm trọng của việc phá hủy môi sinh do con người gây ra”.

Phê phán chủ nghĩa thực dân

Lần lượt Đức Phanxicô vinh danh mục sư Martin Luther King, bày tỏ sự đoàn kết của mình với tinh thần  chiến đấu cho quyền dân sự của những người Mỹ-Phi Châu, cũng như cho tất cả các dân tộc khác trên thế giới, kêu gọi các cường quốc phải “xét mình” đứng trước các “hệ quả đau đớn” của các sự “can thiệp về mặt chính trị cũng như quân sự” ở Trung Đông, nhân danh tính thiêng liêng của con người, ngài lên án việc duy trì án tử hình, ngài đả kích “chủ nghĩa thực dân về mặt ý thức hệ” của Phương Tây.

Để có thể đánh giá đúng mức tầm quan trọng của các quan điểm này của Đức Phanxicô thì phải nhớ lại vai trò của Giáo hội công giáo trong việc thực dân hóa Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh, trong nạn nô lệ và trong các khuynh hướng diệt chủng văn hóa người Phi Châu và người In-điên. Giáo hội La Mã đã hợp pháp hóa về mặt tinh thần các việc làm này, việc phúc âm hóa cho các dân tộc bị đô hộ không phải chỉ là mục đích rao giảng Tin Mừng nhưng còn là làm cho họ phải chấp nhận những việc trái ý họ trong việc quản trị của những người đi xâm lấn và khai thác thuộc địa.

“Anh chị em ngừng không nghe các tiếng nói thực dân”

Nhưng, vào đầu thế kỷ 20, khi Tòa Thánh phải đối diện với các đòi hỏi của thời buổi hiện đại, đã chấp nhận sự tách rời Giáo hội ra khỏi Quốc gia, một tiến trình cải cách Giáo hội chậm nhưng sâu đậm được các giáo hoàng liên tục làm, từ Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI đến Đức Gioan-Phaolô II.

Đức Phanxicô ở trong đường hướng này. Ngài đại diện cho Giáo hội Công giáo thế kỷ 21, hoàn toàn đáp ứng được với các xã hội Phương Tây hậu-hiện đại, mà dân chúng dù càng ngày càng không giữ đạo nhưng lại thấy mình trọn vẹn nơi giáo hoàng này.

Chính vì thế mà Đức Giáo hoàng Phanxicô rất quan trọng, đặc biệt cho người Phi Châu chúng ta. Trong các cuộc thảo luận mới mang tính cách quyết định cho tương lai chung của các dân tộc Phi Châu, phải có sự tham dự của Âu Châu, Mỹ châu và nhất là Châu Mỹ La Tinh, đặc biệt về các vấn đề trao đổi thương mại, theo những hình thức khác với hình thức hiện hành, về “giải quyết quần chúng phát triển” mà chúng ta phải tái định nghĩa lại cùng đích cũng như thể thức, về sự tái khẳng định và về sự đảm bảo quyền không nhân nhượng của các dân tộc, Đức Phanxicô cho thấy mình sẽ là người cần thiết để làm các tiến trình này được dễ dàng.

Một dịp may cho hồi giáo

Như thế, qua việc ưu ái và tin tưởng mà ngài tỏ ra với cộng đoàn người hồi giáo (umma), Đức Phanxicô có thể thiết lập được một đối thoại đích thực, một đối thoại thẳng thắn giữa Hồi giáo và Giáo hội công giáo và vượt lên tất cả các Giáo hội Kitô giáo, để cùng nhau chiến đấu chống trào lưu chính thống quá khích, dưới hình thức ý thức hệ cũng như dưới hình thức vũ trang và quân sự, mà đó chỉ là lạc giáo và là một nguy hiểm chết người cho chính cả hồi giáo và cho cả nhân loại.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch