Vatican Insider – Andrea Tornielli – 15/10/2015
Ký giả Caroline Pigozzi của tờ Paris Match vừa có cuộc phỏng vấn về nhiều chủ đề với Đức Giáo hoàng Phanxicô, tại Nhà trọ thánh Marta, Vatican.
Nói về tình trạng thương tâm của những người tị nạn và di dân, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng:
‘Những gì chúng ta đang thấy ngay trước mắt mình, là một thảm kịch nhân đạo kêu gọi chúng ta phải hành động. Với các Kitô hữu chúng ta, điểm mấu chốt chính là những lời của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn ra gương mặt của Ngài trong những người nghèo và khách ngoại kiều đang cần giúp đỡ. Chúa nói rằng mỗi một hành động tương thân tương ái mà chúng ta dành cho họ, là một hành động dành cho chính Ngài. Nhưng, chúng ta không thể lảng tránh trước sự thật rằng, các cộng đồng này, những người thiểu số ở Trung Đông, đang bị buộc phải bỏ quê hương, bỏ đất mẹ, và nhà cửa của mình. Các Kitô hữu là công dân trọn vẹn ở các quốc gia này, sự hiện diện của các môn đệ Chúa Giêsu ở đây đã trải suốt 2000 năm qua. Họ chung phần trọn vẹn trong các bối cảnh văn hóa và lịch sử của dân tộc mình.
Chúng ta có bổn phận của một con người và một Kitô hữu, phải hành động trước tình trạng khẩn cấp này. Tuy nhiên, chúng ta không được quên các nguyên do gây nên tình trạng này, không thể giả vờ như chúng không tồn tại. Chúng ta cần phải hỏi mình xem tại sao quá nhiều người đang phải bỏ nhà cửa mà chạy, xem điều gì gây nên tất cả chiến tranh và bạo lực ở đây. Đừng quên những người xúi giục thù hận và bạo lực, và cả những người trục lợi từ chiến tranh, như buôn bán vũ khí chẳng hạn. Và đừng quên thói giả nhân giả nghĩa của các cường quyền, mở miệng nói về hòa bình, nhưng lại đi buôn bán vũ khí.
Để giải quyết tình trạng thương tâm này, chúng ta cần phải có tầm nhìn xa, hành động vì hòa bình. Phải có các hành động cụ thể để giải quyết các nguyên do mang tính căn cơ của nạn nghèo đói. Hãy đấu tranh để xây dựng các hình mẫu phát triển kinh tế đặt tâm điểm nơi con người chứ không phải tiền bạc. Hãy làm việc để bảo đảm rằng phẩm giá của tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà, trẻ con, người già, đều và luôn luôn được tôn trọng.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch