lepoint.fr, Jérôme Cordelier, 2015-10-04
Nhà quan sát tinh tế các hành động của Đức Phanxicô, ký giả chuyên về Vatican, Jean-Louis de La Vaissière giải mã Thượng Hội đồng đang khai mạc hôm nay, chúa nhật 4-10 ở Rôma.
Làm việc ở Rôma từ nhiều năm nay, với cái nhìn sắc bén, ký giả Jean-Louis de La Vaissière theo dõi các sự kiện ở Vatican. Hàng ngày ông viết xã luận triều giáo hoàng của ngài cũng như ông từng viết về triều của Đức Bênêđictô XVI. Ông xuất bản quyển Đức Phanxicô, cuộc chiến đấu cho niềm vui (Le Pape François, un combat pour la joie, nhà xuất bản Le passeur). Trả lời phỏng vấn báo Le Point, ông đưa ra các ván bài của Thượng Hội đồng Gia đình.
Le Point.fr: Đức Phanxicô có muốn Thượng Hội đồng là điểm quan trọng cho triều giáo hoàng của mình không?
Jean-Louis de La Vaissière: Ngài đặt hết tất cả quả cân của mình lên bàn cân. Không ai triệu tập Thượng Hội đồng để không làm gì hết. Đó là dấu hiệu cho thấy Đức Phanxicô xem gia đình là một tế bào đang ở trong cơn khủng hoảng sâu đậm. Vừa qua, ở Philadelphia ngài tuyên bố: Khi gia đình bị mong manh thì cả xã hội cũng bị mong manh. Ngược với hai vị tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô triển khai giáo huấn về gia đình rất thực tế. Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI ca tụng và nhấn mạnh về tính thiêng liêng, đạo đức của gia đình. Về phần mình, Đức Phanxicô vừa bổ sung đường hướng này, vừa nêu lên các quân bài chủ cho sự triển nở cá nhân: nơi để học về người kia, nơi chạm trán, nơi chuyển tiếp…
Một diễn văn thực tế không che đậy các vấn đề?
Đúng, Đức Phanxicô không che đậy các khó khăn. Đó là điều mới mẻ nơi lời của một giáo hoàng. Khi gia đình bị nạn bạo lực, mưu toan tính toán, nói dối, sống hai mặt và nhất là làm hại cho con cái thì tốt hơn hết, cha mẹ nên xa nhau. Cẩn thận, ngài không cổ động cho việc ly dị! Ngài chỉ đơn giản nêu lên một vài trường hợp, trong những trường hợp này thì nên ly dị. Ngài kêu gọi các giám mục: đừng nhắc đi nhắc lại một thời vang bóng! Đức Phanxicô nhận ra trong cơn khoa học gia đình là sự cô đơn sâu thẳm của người trẻ, họ sợ dấn thân vào hôn nhân. Thượng Hội đồng này nhấn mạnh nhiều đến sự cam kết của hôn nhân và cách mà hàng tu sĩ phải xem lại một cách thực tế các phương pháp chuẩn bị để có sự cam kết này.
Thượng Hội đồng có là yếu tố nhất quán hay ngược lại là yếu tố gây chia rẽ trong Giáo hội?
Đức Phanxicô rất sợ chia rẽ. Vì thế ngài đặt chủ đề cho Năm Thánh sẽ khai mạc vào tháng 12 này là Năm của Lòng thương xót và của Tha thứ. Phải lội ngược về nguồn để chận không để cho Thượng Hội đồng mở ra trong căng thẳng. Một giáo điều có bị gãy trong trường hợp của những người ly dị tái hôn không? Có đặt lại vấn đề của tính không thể phân ly của hôn nhân không? Một vài giám chức cấp cao trong Giáo hội sợ đi ngược với tinh thần Tin Mừng. Các khía cạnh về giáo điều phải được đề cập một cách tế nhị. Vì thế Đức Giáo hoàng sẽ rất cẩn thận và cuối cùng ngài có thể làm thất vọng những ai muốn thay đổi.
Các hồng y cực kỳ bảo thủ như hồng y người Mỹ Raymond Burke hay các hồng y Phi Châu, các hồng y Ba Lan có thể tạo chấn động trong lòng Giáo hội. Ngược lại, các hồng y Đức, hồng y Áo có thể đòi cho các người ly dị tái hôn được rước lễ. Đức Hồng y Christoph Schoenborn, tòa giám mục địa phận Vienne đã tuyên bố với báo chí ngài rất nhạy cảm với vấn đề này vì cha mẹ của ngài ly dị và ngài đau khổ rất nhiều về chuyện này. Còn về phần mình, các hồng y Phi Châu có một quan điểm khác, liên hệ với lịch sử của họ. Đối với Hồng y người Guinea, Robert Sarah thì làm thuận lợi cho việc đón nhận người ly dị chỉ là dấu hiệu thêm nữa cho sự xuống cấp của phương Tây. Trên phương diện này, sự chia rẽ giữa Bắc-Nam rất lớn. Đối diện với nạn đa thê, người Phi Châu chiến đấu rất nhiều để khuyến khích người dân của họ nên theo mẫu gia đình một vợ một chồng. Và họ có cảm tưởng như Rôma không còn bảo vệ cho vấn đề này. Đối với một số người trong họ, điều này là không thể hiểu được. Ở cả hai phía, các lập luận đều tốt đẹp và hăng say. Chính vì vậy mà Thượng Hội đồng này chắc chắn sẽ lôi cuốn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch