aleteia.org, 2015-09-24
Chủ tịch Tập Cận Bình đang viếng thăm chính thức nước Mỹ… và Đức Thánh Cha cũng đang ở đây! Cả hai sẽ ở Washington vào ngày thứ năm 24-9 này…
Được thụ phong giám mục năm 2012, Giám mục Thaddeus Ma Daqin bị cấm làm mục vụ trong địa phận mình. Vì quan điểm của mình, ngài bị quản thúc cho đến tháng 6 năm 2014. Bây giờ, ngài được tự do tiếp khách đến thăm ở chủng viện Sheshan, nơi ngài thường xuyên dâng thánh lễ với giáo dân. Ngài chia sẻ các suy từ về mục vụ và đời sống thánh lễ trên trang blog hay trên các trang WeChat và Weibo. Đức Giám mục đã viết một bài xã luận mong có sự bắt tay giữa Đức Giáo hoàng và Chủ tịch nước Trung Quốc, sau đây là một vài trích đoạn.
“Chủ tịch của chúng ta đang đi Mỹ. Đức Giáo hoàng của chúng ta cũng đang ở Mỹ. Là người Trung Quốc, tôi mong chuyến đi Mỹ của chủ tịch chúng ta thành công. Là người công giáo, tôi hạnh phúc khi thấy Đức Giáo hoàng cũng đi thăm Mỹ cùng thời gian này. Cả hai sẽ ở Washington ngày 24 tháng 9.”
Sốt ruột chờ có cuộc bắt tay
Sau đó Giám mục nhắc đến lịch sử bang giao giữa Trung Quốc và Mỹ. Từ khi đặt các quan hệ ngoại giao, “các quan hệ Trung-Mỹ chưa bao giờ đằm thắm, nhưng sợi giây quan hệ tương đối ổn định”. Phải thích ứng với một “chiến thuật ‘thắng-thắng’ với Mỹ, bảo đảm các quyền lợi cho tất cả, nới rộng các lãnh vực cùng hợp tác và làm thuận lợi cho việc kiến tạo hòa bình thế giới.”
Giám mục Ma Daqin nhấn mạnh, Tòa Thánh và nước Mỹ chỉ có quan hệ ngoại giao thật sự trong những năm 80, trước đó họ duy trì một “quan hệ không ngoại giao”. Ngài nhắc lại, “Vatican không phải là một Quốc gia đúng nghĩa Quốc gia”, Vatican chỉ là quan sát viên thường trực ở Liên Hiệp Quốc chứ không phải là thành viên. Ngài cũng nhấn mạnh uy tín của Đức Thánh Cha trong các quan hệ quốc tế đã được khẳng định, đáng kể trong các quan điểm khôn ngoan đối với các vấn đề khẩn cấp của thế giới và của các vùng.
Các quan hệ lâu đời giữa Trung Quốc và Giáo hội dù có các trở ngại
“Chủ tịch Tận Cận Bình của chúng ta và Đức Phanxicô sẽ gặp nhau ở Mỹ: có thể nào hai người sẽ bắt tay nhau, cái bắt tay được mong chờ không? Tôi sốt ruột chờ.” Mang đến tầm vóc lịch sử cho lời kêu gọi này, Giám mục Daqin triển khai các giai đoạn lịch sử giữa Kitô giáo và Thiên triều: Từ thế kỷ 13, các tu sĩ dòng Phanxicô với linh mục Jean de Montecorvino, rồi đến thời linh mục Matteo Ricci và các nhà truyền giáo Dòng Tên thế kỷ 16, với việc “tranh cãi các tập tục”. Hay “trước và sau cuộc chiến tranh tủi nhục nha phiến”, Giáo hội công giáo luôn bị đội chiếc mũ “nước ngoài”, bị xem như công cụ cho lợi ích của người nước ngoài: sự ngờ vực này vẫn mãi mãi tồn tại”.
Tái lập lại một đối thoại xây dựng
Kitô giáo ở đất nước Trung Quốc đã xây trên “nhiều trở ngại, nhưng từ nay “nước chúng ta là một nước thịnh vượng, và với tầm mức được củng cố thì chúng ta có nhiều tin tưởng hơn… Chúng ta phải nối lại tình bạn. Khi chúng ta giao tiếp với nhau, thế giới trở nên nhỏ. Sự thù địch chỉ đào lên hố ngăn cách”. Rất nhiều dấu hiệu thiện chí thể hiện tình bằng hữu đã được Đức Giáo hoàng nói với dân tộc và các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ngược lại.
Đức Giám mục Thượng hải nhấn mạnh: “Tôi sốt ruột chờ một cuộc bắt tay chân tình để tái lập lại một cuộc đối thoại xây dựng. Chúng ta phải hiểu chúng ta hơn, chúng ta phải đoàn kết sức mạnh của mình để đi tới đàng trước. Thế giới không thể bỏ qua Trung Quốc”. Và giám mục Thaddeus Ma Daqin kết luận “nếu hai nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới bắt tay, không những tôi sẽ đến quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ ở đồi Sheshan mà toàn thế giới sẽ cảm động”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch