Hé mở điểm mấu chốt chưa biết về quan điểm chính trị của Giáo hoàng Phanxicô

292

Trong thời gian lãnh đạo Dòng Tên ở Argentina, khi ngài nhấn mạnh lập trường về các tín hữu thường dân nghèo đó, sự thật nằm ở đó.

Austen Ivereigh, 06-12-14

 The Pope's new doctor is an expert in liver disease, surgical medicine

Giáo hoàng là một người bảo thủ? Sau khi những lời của Giáo hoàng ở Strasbourg hồi tuần trước, một vài người, chẳng hạn như Nigel Farage, có vẻ nghĩ như vậy. Châu Âu ‘bây giờ là một bà nội, không còn sinh lực và sinh sôi nữa,’ Giáo hoàng Phanxicô đã làm giật mình cả Nghị viện châu Âu, và bảo họ để tái kết nối với những người dân thường, châu Âu phải tôn trọng các giá trị và truyền thống quốc gia. ‘Để tiến tới tương lai, chúng ta cần quá khứ, chúng ta cần các nguồn cội thâm sâu,’ câu này của Giáo hoàng với Hội đồng Châu Âu, gợi nhớ lại hồng y Edmund Burke.

Nếu có ai đó (kể cả nhiều người Công giáo) ngạc nhiên, thì cũng không có gì khó hiểu, bởi hầu hết mọi người chẳng ai biết được cách nghĩ của Đức Phanxicô. Sau khi ngài có vài lời nhẹ nhàng về vấn đề tính dục, người ta cho rằng ngài lại là một người theo chủ nghĩa tự do nữa trong cái khuôn Tây phương. Lầm to. Jorge Mario Bergoglio có lẽ là một ‘nhà cải tổ lớn’ theo truyền thống của thánh Phanxicô thành Assisi, một người cấp tiến tin mừng kêu gọi giáo hội dựa vào Chúa Kitô và Thánh Thần hơn là bám vào quyền lực và địa vị. Nhưng trong nền văn hóa và phân loại chính trị của Tây phương, ngài là một người bảo thủ suốt đời chống lại các hệ tư tưởng trừu tượng của thời đại Ánh sáng. Nền tảng của ngài gắn chặt với văn hóa Công giáo theo chủ nghĩa dân tộc của Argentina, theo kiểu các đế chế La Mã mới hơn là theo kiểu cách mạng Pháp, và tư tưởng này nở rộ vào thập niên 1940 và 1950, thời Bergoglio sinh trưởng ở Buenos Aires. Đây là thời đại của Đại tá Peron và vợ ông Evita. Thể hiện rõ ràng các giá trị ‘quốc gia’ ‘đại chúng’ và Công giáo của tầng lớp nhập cư, họ đã giáng một đòn gạ gục thiết chế tự do của Argentina.

Khi tôi đến Argentina hồi tháng 10 năm ngoái để tìm hiểu về thời trẻ của Đức Phanxicô, tôi đã sốc khi biết rằng hơn chục bài báo ngài viết trên các tờ báo thiêng liêng thời còn là một tu sỹ dòng Tên, trong khoảng 1968 đến 1992, vẫn còn nằm yên bám bụi trên giá sách ở Cordoba, nghĩa là sau khi ngài được bầu, chẳng ai nghĩ đến chuyện công bố chúng cả. Tất nhiên, chẳng cần phải nói, đây thật là một mỏ vàng: Suy tư của Bergoglio được thể hiện rõ ràng với một giọng văn chặt chẽ và sâu sắc, là những hình thái đầu tiên của nhiều khái niệm và diễn đạt nổi tiếng của ngài khi làm giáo hoàng. Các bài báo cũng chỉ ra một chủ đề nhất quán: nguy cơ những người ưu tú say mê với các tư tưởng của riêng họ, và xa rời người dân.

Sau khi trở thành giám tỉnh của Dòng Tên ở Argentina vào năm 1973, chiến lược của Bergoglio là dứt các tu sỹ dòng Tên khỏi hệ tư tưởng cánh tả và đưa họ vào trong các giá trị và ưu tiên hàng đầu dành cho các tín hữu thường dân nghèo khó. Cảnh báo chống lại cái mà ngài gọi là ‘cám dỗ ám ảnh’ đối với các tu sỹ dòng Tên muốn theo chủ nghĩa tiên phong, cũng như sự quyến rũ của các hệ tư tưởng trừu tượng không hợp với thực tế,’ ngài đã nói đi nói lại rằng thay đổi xã hội phải được điều hướng bởi thường dân chứ không phải bởi ‘sự kiêu ngạo của những người được khai sáng.’

Trong thập niên 1970, Bergoglio đã phát triển các nguyên tắc rút ra từ việc nghiên cứu các lãnh tụ ở vùng đồng hoang Argentina thế kỷ XIX, những người điều hành kiên quyết nhưng thân mật, họ có quan hệ với dân. Năm 1980, khi sắp hết nhiệm kỳ giám tỉnh, Bergoglio bảo các tu sỹ dòng Tên rằng những người ưu tú ‘không thấy được vận động đích thực đang diễn ra giữa dân trung thành của Chúa’ và do đó ‘không dự phần vào tiến triển lịch sử qua đó, Thiên Chúa đang cứu chúng ta.’ Những lời này rất giống những lời ngài đã nói ở Strasbourg, khi cảnh báo các lãnh đạo châu Âu đừng ‘sống trong thế giới tư tưởng, thuần ngôn từ, hình ảnh, hay ngụy biện’ và ‘nhầm lẫn hiện thực dân chủ với một chủ nghĩa duy danh chính trị.’

Bergoglio thành công trong vai trò giám tỉnh, đã thu hút và giữ được con số ơn gọi lớn,  nhưng sau một thời gian đã gặp phải chống đối cứng rắn của một nhóm rí thức trong dòng, theo chủ nghĩa tự do cánh tả và thuộc giai cấp cao, những người đã vận động hành lang để tân tổng quyền ở Roma, cha Peter-Hans Kolvenbach, loại bỏ Bergoglio và các đồng minh của ngài. Căng thẳng dẫn đến kết quả là giáo hoàng tương lai bị lưu đày nội bộ. Một trong những người đã dấy lên chiến dịch chống Bergoglio, kể cho tôi biết một cách ghê tởm, về việc các thầy trẻ thời đó được khuyến khích lần hạt trong vườn và sờ các tượng thánh trong nhà nguyện. ‘Đây là việc người nghèo làm, những người ở làng quê, Dòng Tên toàn cầu chẳng làm việc này.’ Bởi cha này và các bạn tự nhận mình là những người cấp tiến thăng tiến người nghèo, nên khám phá này thật lạ. Nhưng như Bergoglio thường hay nói, họ ‘vì người dân, nhưng không bao giờ với người dân.’

Về sau, khi làm hồng y tổng giám mục Buenos Aires, Bergoglio cũng chỉ trích sự tôn thờ chính quyền, cũng như đường lối tân tự do rỗng tuếch mà chính quyền theo đuổi, khi đống bòng bong nợ tiêu dùng và tham nhũng công khai dẫn đến sự phá sản lan rộng. Ngài tin rằng cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng là tái thiết các cơ chế từ dưới lên, tăng cường xã hội dân sự để nó có thể giữ cả quốc gia lẫn thị trường trong tầm tay. Điều ngài hi vọng là một chính phủ bắt rễ trong các giá trị và ưu tiên hàng đầu dành cho các thường dân. Tuần trước, ngài nói với Nghị viện châu Âu rằng, người ta sẽ thấy gần gũi với châu Âu, nếu nó tôn trọng cao các truyền thống, lịch sử và cội rễ. Trở lại năm 2009, ngài nói rằng trong khi các đường biên giới có thể chuyển vần và một quốc gia có thể thì thay đổi, thì một đất nước ‘hoặc giữ các thực thể nền tảng của mình hoặc chết … Chúng ta có thể mở rộng, nhưng không thể pha trộn đất nước được.’ Đây là một ý niệm rất mạnh trong Đức Phanxicô cũng như trong ông Farage, ngay cả khi đường lối chính trị của họ khác biệt nhiều về những mặt khác.

Tổng thống Argentina hiện nay, Cristina Kirchner, đã giả điếc trước những nỗ lực của Bergoglio muốn thuyết phục bà xây dựng một chủ trương chính trị mới phát xuất từ việc phục hồi xã hội dân sự. Nhưng thay vào đó, bà đã chọn kiểu chính trị bề trên: áp dụng các công cụ bố thí của chính quyền, và kích động các phần xã hội chống nhau. Bà không nói chuyện với các giá trị của thường dân, nhưng lại chọn một nhóm nhỏ những người cánh tả trung ương theo chủ nghĩa thế tục. Dự luật hôn nhân đồng tính hồi năm 2010 là một điển hình. Bergoglio nói rằng hôn nhân vợ chồng, cũng như nhu cầu con trẻ cần một người cha và một người mẹ, là thực thể cốt lõi của nhân loại, và ngài cho rằng những cố gắng muốn thay đổi khái niệm hôn nhân là một ‘bước lùi nhân học.’

Với Đức Phanxicô, chính phủ có một mục tiêu sâu sắc và cao cả là: phục vụ công ích, bảo vệ người yếu ớt, xây dựng các mối ràng buộc tin tưởng và nhường nhịn. Những thứ đang đục khoét mục tiêu này là những người ưu tú trừu tượng, các hệ tư tưởng không thiết thực, và các chính trị gia vì bản thân mình. Đúng như những gì ngài nhận định hồi năm 2010 rằng: ‘Một tham vọng không kìm hãm, dù là tham muốn quyền lực, tiền bạc hay nổi tiếng, sẽ chỉ thể hiện một sự trống rỗng nội tâm rất lớn. Và những ai trống rỗng thì không đem lại an bình, hân hoan và hi vọng, nhưng chỉ đem đến nghi ngờ. Họ không kiến tạo các mối gắn kết.’

Quyển Nhà cải tổ vĩ đại: Đức Phanxicô và con đường hình thành một Giáo hoàng Tiến bộ [The Great Reformer: Francis and the Making of a Radical Pope] xuất bản vào tháng 12 năm 2014.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch