Hoàng Anh Quốc, Thời Báo, Montréal, Canada.
Vào ngày chủ nhật 30-08-2015, đã diễn ra buổi triển lãm về đề tài Thuyền Nhân tại viện bảo tàng Pointe-à-Callière, tọa lạc trong khu vực của vùng Vieux Port de Montréal.
Đã có hơn 500 người hiện diện tại buổi triển lãm. Đa số là người bản xứ. Cũng có sự hiện diện của nhiều chính trị gia ở các cấp liên bang, tiểu bang và thành phố.
Rất nhiều những hiện vật và hình ảnh liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam đã được trưng bày ngay tại lối vào của viện bảo tàng Pointe-à-Callière. Mọi người đã được xem lại những hiện vật một thời đã rất quen thuộc, như bình nước uống mà quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã xử dụng, những tờ hiện kim của thời VNCH, những dụng cụ tính tọa độ bằng tay được dùng trong binh chủng không quân.
Hội Uni-Action đã đứng ra tổ chức buổi triển lãm, với sự tài trợ của ngân hàng National. Tổng số tiền thu được từ những cuộc vận động của hội Uni-Action nhân kỷ niệm ngày 40 năm đồng hương buộc phải rời Việt Nam, đã được trao lại cho hội từ thiện Maison de Chance tại Montréal. Trong buổi triển lãm, các vị khách mời đặc biệt đã cùng nhau gửi tấm ngân phiếu 12.000 $CAN đến hội từ thiện Maison de Chance.
Cuộc triển lãm vào chủ nhật 30-08 tại viện bảo tàng Pointe-à-Callière là một sự kiện đặc biệt đối với cộng đồng Việt Nam tại Montréal nói riêng, và các nước trong khu vực Đông-Nam-Á (như Lào, Campuchia) nói chung. Cuộc triển lãm đã được tổ chức và quảng bá rộng rãi bởi thế hệ thệ trẻ người Việt Nam, đã cùng gia đình đến định cư tại Montréal từ khi miền nam Việt Nam sụp đổ từ 40 năm về trước. Những em bé ngày nào đã phải lớn lên tại quê người. Ngày nay, họ thành danh, nhưng họ vẫn không quên cội nguồn. Họ luôn nhớ về những kỷ niệm đã in dấu trong tâm khảm của người Việt Nam tị nạn.
Trong buổi triển lãm ngày hôm nay, phóng viên của Thời Báo đã hỏi chuyện cùng với cô Nguyễn Thị Bé, là người tổ chức buổi triển lãm ngày hôm nay:
Phóng viên Thời Báo: Cô cảm thấy như thế nào khi thấy mọi người đến đây tham dự buổi triển lãm hôm nay ?
Nguyễn Thị Bé: Tôi thật là xúc động, khi thấy có thật nhiều người tham dự buổi triển lãm 40 Năm Thuyền Nhân. Ngày hôm nay, không chỉ có rất nhiều đồng hương trong cộng đồng của chúng ta đến tham dự, mà chúng tôi cũng được đón tiếp nhiều chính trị gia người bản xứ, và rất nhiều những vị khách đang làm việc trong những lãnh vực tài chính. Kỷ niệm 40 năm thuyền nhân thật là quan trọng đối với chúng tôi, và chúng tôi cũng mong muốn lưu giữ những kỷ niệm này đến những thế hệ người Việt Nam sau này.
Phóng viên Thời Báo: Năm nay chúng ta kỷ niệm 40 năm thuyền nhân. Năm sau, chị có sẽ tổ chức những sinh hoạt nào khác, để kỷ niệm 41 năm thuyền nhân tị nạn không ?
Nguyễn Thị Bé: Khi lập lên hội Uni-Action, chúng tôi đã vạch định ra những chương trình sinh hoạt lâu dài. Bắt đầu từ năm nay, chúng tôi đã có những sinh hoạt kỷ niệm 40 năm người Việt Nam rời xa quê hương. Trong những chuỗi sinh hoạt vừa qua, chúng tôi đã thu gom được những tài liệu và những nhân chứng thật, đủ để có thể gom lại thành một chuỗi phim tài liệu quý giá, nói về cuộc tìm tự do của đồng bào chúng ta. Đó là những sinh hoạt tới đây của hội Uni-Action.
Phóng viên Thời Báo: Xin chị cho chúng tôi biết cảm nghĩ khi tham dự cuộc triển lãm ngày hôm nay.
Kim Thuý: Tôi rất là hân hạnh khi được tham dự buổi sinh hoạt ngày hôm nay, để nhớ về lịch sử hình thành của cộng đồng Việt Nam chúng ta tại Montréal. Nhờ những sinh hoạt như thế này, mà thế hệ người Việt Nam sau này, sẽ hiểu rõ hơn về những lý do dẫn đến sự hiện diện của mình trên xứ sở này. Mong rằng mỗi năm, chúng ta đều có những sinh hoạt như thế này.
Phóng viên Thời Báo: Trong những cuốn sách mà chị đã viết, thì chị đã kể nhiều đến những kỷ niệm tại quê nhà, cũng như những kỷ niệm chung của đồng hương trong những ngày đầu định cư tại Canada. Chị có vui không khi người dân Québec đã đón nhận rất nồng nhiệt những tác phẩm của chị ?
Kim Thuý: Quá thích, tại vì đây là xứ thứ hai của mình, nên khi có thể hiểu nhau được nhiều hơn, thì chúng ta có thể thương nhau hơn. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy người dân Québec thích đọc những truyện về người Việt Nam tị nạn của chúng ta. Và như thế, tôi cảm nhận được sự liên kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Québec. Người Việt Nam chúng ta đã hội nhập thành công vào xã hội tại đây, và người dân Québec đã trân trọng đón tiếp chúng ta từ những ngày đầu tiên định cư.
Phỏng vấn ông Mai Hoàng, dân biểu liên bang thuộc đảng NPD.
Phóng viên Thời Báo: Xin anh cho biết cảm tưởng khi có dịp tham dự buổi triển lãm ngày hôm nay.
Mai Hoàng: Tôi rất là cảm động khi thấy mọi người đến đây, để cùng nhau nhớ lại những kỷ niệm của người Việt Nam tị nạn chúng ta. Cộng đồng chúng ta đã đến định cư tại Montréal, và đã cùng nhau đóng góp và sự phồn thịnh của thành phố Montréal. Thật là hân hạnh, khi người dân Montréal đã trân trọng đón nhận những đóng góp từ cộng đồng chúng ta trong những năm vừa qua. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng thật là vui, khi thấy những bạn trẻ Việt Nam, không những đã thành công trong lãnh vực chuyên môn, mà còn tích cực trong những sinh hoạt xã hội. Nhờ thế, mà chúng ta có được buổi triển lãm ngày hôm nay, để người bản xứ hiểu rõ hơn về cộng đồng Việt Nam chúng ta.
Phỏng vấn bà Kathleen Weil, bộ trưởng bộ trưởng bộ Di Trú Québec
Phóng viên Thời Báo: Những điều bà đã nghe và thấy được từ cuộc triển lãm về Thuyền Nhân ngày hôm nay, có xa lạ đối với bà không ?
Kathleen Weil: Thật sự là xúc động khi được nghe lại những kỷ niệm và thấy lại những kỷ vật liên quan đến thuyền nhân. Đối với tôi, những điều đó tựa như đã vừa xảy ra hôm qua mà thôi. Lúc đó, tôi còn là một sinh viên. Cũng như mọi người, tôi cũng đã cảm thấy lo ngại cho những Thuyền Nhân Việt Nam, và mong muốn giang tay đón nhận tất cả những Thuyền Nhân Việt Nam vào Québec, và chúng ta đã làm được điều đó.
Phóng viên Thời Báo: Ngày nay, khi nhìn lại sự hội nhập của đồng hương chúng tôi tại Québec, có những điều nào bà cảm thấy tiếc, vì Québec có thể làm tốt hơn cho đồng hương chúng tôi ?
Kathleen Weil: Tôi không biết được hết những chi tiết về những chương trình đón tiếp Thuyền Nhân vào 40 năm về trước. Nhưng hiện nay, chính phủ Québec đang áp dụng những chương trình hội nhập cho những người mới định cư, từ việc chuẩn bị những cơ sở giúp những người di dân mới định cư tìm được việc làm thích hợp, đến những chương trình giảng dạy dành riêng cho học sinh mới định cư nơi học đường. Chúng tôi đã có được kết quả rất khả quan. Và tiếc rằng thế hệ người Việt Nam đầu tiên định cư tại Québec đã không được hưởng những chương trình vừa kể. Tuy vậy, người Việt Nam các bạn đã vượt qua rất nhiều trở ngại, và đã thành công như chúng ta thấy hiện nay.