Kỷ lục trở lại Kitô giáo của người Hồi giáo khi họ đến Âu Châu

525

aleteia.org, John Burger, 2015-09-11

“Các cuộc trở lại hàng loạt có chân thành hay đó chỉ là phương tiện để người di dân tăng cơ may được tị nạn.”

Kỷ lục trở lại Kitô giáo của người Hồi giáo khi họ đến Âu Châu

Chân thành hay cơ hội? Ngoài làn sóng mang tính cách lịch sử của những người từ Trung Đông, Phi Châu đến tị nạn ở Âu Châu, ngày nay châu lục này còn thấy một làn sóng khác, tuy ít được báo chí nhắc đến nhưng cũng đáng được đặt câu hỏi: làn sóng trở lại Kitô giáo.

Hãng thông tấn quốc tế Associated Press (AP) đến một nhà thờ Tin Lành ở Berlin, nơi có “hàng trăm người Iran và Afghan xin tị nạn đến đây,” họ là tín hữu của giáo xứ.

“Chắc chắn, người ta không thể lơ đi rằng quyết định này cho họ thêm cơ may để được tị nạn: như thế họ có thể cho rằng họ sẽ bị bách hại về tôn giáo khi họ trở về xứ của mình”, hãng thông tấn quan sát, nhấn mạnh nước Đức xét đơn người tị nạn theo mức độ nặng nhẹ của tình trạng khiến họ phải bỏ xứ ra đi: những người trốn cuộc nội chiến ở Syria có nhiều cơ may được nhận hơn.

“Tình trạng phức tạp hơn đối với những người đến từ Iran hay Afghanistan, vì điều kiện sống ở các nước này ổn định hơn ở Syria”, hãng AP cho biết. Trong những năm gần đây, có khoảng 40% đến 50% đơn tị nạn của những người dân vùng này được ở lại, đa số được cấp giấy nhập cư tạm thời.

Cơ may của những người Afghan và Iran gia tăng khi họ thuyết phục được nhà cầm quyền Đức là họ sẽ có thể bị bách hại ở xứ của mình, nơi một người Hồi giáo trở lại đạo Kitô có thể bị tù, thậm chí có thể bị chết.

Theo mục sư Gottfried Martens thuộc giáo phái Trinity Church, động lực thì không quan trọng. Mục sư khẳng định, “rất nhiều người cảm nhận họ hiểu được thông điệp của Chúa Giêsu và thông điệp này đã thay đổi cuộc đời của họ”. Mục sư cũng cho rằng chỉ có 10% người trở lại không đi nhà thờ sau khi họ được rửa tội. Mục sư Martens cũng biết có một vài người trở lại trong hy vọng sẽ được định cư, “nhưng tôi mời họ đến giáo xứ của tôi vì tôi biết, ai đến đây rồi cũng sẽ được thay đổi”.

Nhà thờ của mục sư Martens trở thành nổi tiếng: sau khi học giáo lý ba tháng, mục sư rửa tội cho người Hồi giáo và giúp họ làm đơn xin tị nạn. Trong vòng hai năm, giáo xứ của mục sư có từ 150 đã lên đến 600 người, rõ rệt làn sóng này sẽ chưa chấm dứt. Theo mục sư Martens, ít nhất có 80 người ở trong danh sách chờ để được Rửa Tội.

Tuy nhiên một phụ nữ trẻ người Iran trả lời phỏng vấn cho hay, cô tin chắc đa số đồng hương của cô trở lại để gia tăng cơ may được tị nạn. Anh Vesam Heydari cũng là người Iran, anh chỉ trích những người “làm cho dịp may được tị nạn trở nên hiếm hoi cho những người đích thực là tín hữu Kitô bị bách hại”. Sau khi có được quy chế tị nạn ở Na Uy, năm 2009 anh xin theo đạo, sau đó anh đến Đức. “Đa số người Iran ở đây không trở lại vì đức tin, anh kết luận. Họ chỉ muốn ở lại Đức.”

Hãng thông tấn AP ghi nhận, con số người Iran trở lại đã gia tăng trong các cộng đoàn Kitô hữu ở Đức, nhất là giáo phái Luther ở Hanovre và ở Rhénanie.

Văn phòng tị nạn và di dân Liên bang Đức tuyên bố họ không muốn bình luận về các động lực thúc đẩy người di dân làm đơn xin tị nạn cũng không tuyên bố về con số những người được hưởng quy chế tị nạn ở Đức vì lý do bách hại tôn giáo.

“Bất hoặc người di dân và người tị nạn có tôn giáo nào, họ đều được đón nhận như người anh em mình, chứ không phải như một gánh nặng”, linh mục  Matthew Gardzinski, thành viên của Hội đồng Giáo hoàng mục vụ cho người di dân và cho những người phải ra đi tuyên bố. Trên quan điểm công giáo, họ phải được xem như những con người được “tạo nên theo hình ảnh của Chúa. Đó là căn bản của phẩm giá con người”, linh mục nhấn mạnh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch