lefigaro.fr, Eugénie Bastié, 2015-08-31
“Đúng, trường học có nhiệm vụ dạy đạo đức”, bà bộ trưởng Giáo dục Quốc gia Najat Vallaud-Belkacem tuyên bố như trên ngay hôm sau ngày xảy ra các vụ khủng bố tàn sát tháng 1-2015 vừa qua ở Pháp, vụ quân khủng bố nã súng vào tòa soạn của tờ báo Charlie Hebdo ở Paris làm cho 12 người chết.
Đưa “đạo đức thế tục” vào trường học là điều mà cựu bộ trưởng Vincent Peillon mong muốn và điều này đã được cấp tốc đưa vào mùa tựu trường năm nay sau các biến cố thê thảm vào tháng một vừa qua. Chương trình nhằm dạy “đạo đức và công dân”: cùng sống chung với nhau, có tinh thần phê phán, chống nạn kỳ thị. Tập trung vào các cô thầy trong dịp tựu trường này.
“Đúng, trường học có nhiệm vụ dạy đạo đức”, bà bộ trưởng Giáo dục Quốc gia tuyên bố như trên ngay hôm sau ngày xảy ra các vụ tàn sát tháng 1-2015 vừa qua ở Pháp. Tháng 9- 2015, môn đạo đức trở về lại trường học. Được dự trù cho niên khóa 2016, các lớp đạo đức thế tục mà cựu bộ trưởng Vincent Peillon mong muốn đã được thực hiện sớm vào mùa tựu trường năm nay, các “biến cố tháng 1-2015 vừa qua” đã thúc dục để “các giá trị của nền Cộng hòa” được thực hiện.
Quay trở về với đạo đức
Biến mất từ cuối những năm 1960, dần dần đạo đức đi trở về lại với trường học. Trường học ở thế kỷ 19, dưới thời bộ trưởng Jules Ferry (1832-1893), đạo đức là cột trụ chính trong việc giảng dạy; dưới hình thức các câu châm ngôn, các câu ngạn ngữ trong các “bài học”, đạo đức phổ quát hòa lẫn với giáo lý cộng hòa. Như thế trong bài vở, chúng ta có thể thấy những câu như “Ai phỉ nhổ tổ quốc là phỉ nhổ mẹ mình”.
Giảm dần dần, các lớp đạo đức chỉ sống sót cho đến những năm 1960. Thường là dưới hình thức đọc và phân tích một câu chuyện ngụ ngôn hay một chuyện cổ tích mà phần “đạo đức” sau đó được chép lại trên bảng và học sinh chép lại vào vở.
Sau khi ngọn gió phóng khoáng của Tháng Năm 68 thổi qua, dưới thời Tổng thống Pompidou, môn đạo đức hàng ngày ở trường bị bãi bỏ, thay vào đó là môn thể dục thể thao. Khi đó môn đạo đức được thay thế bằng môn “công dân giáo dục” để đào tạo một người công dân. Năm 2008, “môn công dân và đạo đức” trở về lại ghế nhà trường. Năm 2011, bộ trưởng Luc Chatel gởi thông báo yêu cầu các cô thầy dạy “môn công dân và đạo đức ở trường”, nhưng thông báo này không đưa ra chương trình chi tiết.
Với sự cải cách của bộ trưởng Peillon, môn “giáo dục công dân” cũ được thay bằng môn “dạy đạo đức và công dân,” môn này được dạy từ tiểu học. Môn này phải luôn đi kèm bên cạnh môn sử địa, hàng tuần có ba giờ ở trường trung học. Bộ giáo dục ghi rõ, “trong chương trình học tổng quát của một học sinh, phải có 300 giờ dành cho môn này”.
Nội dung hiện nay của các giờ đạo đức như thế nào?
Theo chương trình Giáo dục quốc gia công bố vào tháng 7 năm 2014 thì việc “Giảng dạy môn đạo đức và công dân nhằm mục đích làm thuận lợi cho sự phát triển khả năng sống chung”. Vậy là chấm dứt các quy tắc xã giao, lễ độ, các bài giảng, từ nay phải truyền cho học sinh một “văn hóa phát huy khả năng nhạy cảm” (có tự tin, có khả năng thông cảm), một “văn hóa của quy tắc và luật trong một xã hội dân chủ” (Biết các tuyên bố quan trọng về nhân quyền, biết các nguyên tắc của hiến chương Cộng hòa, các thể chế và nhiệm vụ của nó) một “văn hóa có khả năng phê phán” (phát triển tư duy phê phán/lý luận, có khả năng chạm trán các phê phán của mình và các phê phán của người khác trong một cuộc thảo luận), và một “văn hóa của dấn thân” (phục vụ trong nghĩa vụ công dân, vv.).
Trong cẩm nang soạn cho các giáo sư dùng trong các môn đạo đức ở lớp 5, nhiều cuộc “thảo luận” được đề nghị trong lớp. Chẳng hạn khi thảo luận đề tài “Nghề đàn ông, nghề đàn bà?” thì nhằm thảo luận các định kiến phân biệt nghề của đàn ông và của đàn bà. Tài liệu đưa ra ví dụ hình ảnh người đàn ông làm “cô mụ,” người đàn bà “lái xe cần trục”. Các thảo luận khác như: nạn kỳ thị, nạn đối xử phân biệt, tính bình đẳng, kỳ thị giới tính, tình tương trợ, tính thế tục qua “hiến chương thế tục ở trường” đã được cựu bộ trưởng Vincent Peillon đề nghị năm 2013.
Trích đoạn cẩm nang dạy môn đạo đức và công dân được nhà xuất bản Nathan in theo các chương trình mới cho mùa tựu trường năm 2015
Sau các vụ khủng bố tàn sát vào tháng 1-2015, bà bộ trưởng Najat Vallaud-Belkacem quyết định lên chương trình “huy động toàn hệ thống Trường học về các giá trị của chế độ Cộng Hòa”, mà sự phát triển một “tiến trình làm công dân” được xây dựng chung quanh các môn học đạo đức và công dân. Để trang bị vững mạnh cho vấn đề này và để củng cố quyền uy của nhà trường, bà bộ trưởng cũng đã quy định sự “lĩnh hội và biểu dương các nghi thức và các biểu tượng của chế độ Cộng hòa (quốc ca, quốc kỳ, khẩu hiệu)”. Các phương cách khác cũng được đề nghị như: “phát triển các lời khuyên cho trẻ con ngay từ cấp tiểu học”, “Ngày thế tục” được hiển dương trong tất cả các trường học, “tuần lễ chống nạn kỳ thị, chống nạn bài Do Thái” hay “tuần lễ của dấn thân”.
Marta An Nguyễn chuyển dịch