Tổng thống và Giáo hoàng – Mục tiêu chung về các vấn đề xã hội

518

Crux – Josh Lederman – August 27, 2015

Barack-Obama-Pope-FrancisTừ khi vào nhà trắng năm 2009, tổng thống Barack Obama đã có vị thế gần như một ngôi sao, nổi bật khắp thế giới với hàng triệu người xem ông là hiện thân của một ý thức mục tiêu xã hội mới. Bây giờ, chiếc gậy chỉ huy được truyền qua Đức Giáo hoàng Phanxicô, người sẽ đến thăm Nhà trắng vào tháng tới, và thể hiện mục tiêu chung của mình với Obama một cách sống động.

Obama không giấu diếm tình cảm dành cho giáo hoàng, gọi ngài là ‘lãnh đạo mang tính biến đổi’ người có tác động nâng cộng đồng Công giáo La Mã lên. Giáo hoàng đã thực hiện nhiều việc mà Obama đã cố gắng thúc đẩy, bao gồm vấn đề nóng lên toàn cầu, nạn nghèo đói và ngoại giao với Iran và Cuba.

Phó tổng thống Joe Biden, một người Công giáo, nói rằng chuyến viếng thăm 23-9 của giáo hoàng sẽ đánh dấu một mốc quan trọng, không chỉ cho người Công giáo, nhưng còn cho toàn thể dân chúng Hoa Kỳ.

‘Giáo hoàng Phanxicô đã thổi sinh khí mới vào điều mà tôi tin là sứ mạng trung tâm của đức tin chúng ta: Huấn giáo Xã hội Công giáo.’ Nêu ra các điểm chính yếu trong nghị trình của Obama, Binden thêm rằng Đức Phanxicô ‘đã trở thành bánh lái đạo đức cho thế giới về một số vấn đề quan trọng nhất của thời đại, từ nạn bất bình đẳng cho đến biến đổi khí hậu.’

Chuyến viếng thăm ngắn gọn của giáo hoàng đến Nhà trắng là một phần chuyến công du rất được kỳ vọng của Đức Phanxicô đến Hoa Kỳ và Cuba. Đây là một cuộc tái hợp của tổng thống và giáo hoàng, khi năm ngoái hai người đã hội kiến ở Vatican.

Bất chấp các khác biệt sâu sắc về một số vấn đề như phá thai, dự kiến Obama và Đức Phanxicô sẽ tập trung vào các lĩnh vực đồng thuận giữa hai người. Nhà trắng cho biết, các vấn đề cao điểm trong nghị sự sẽ là vận hội kinh tế, nhập cư và tị nạn, cùng với vấn đề bảo vệ các cộng đồng tôn giáo thiểu số.

Michael Wear, người chịu trách nhiệm cho chiến dịch tranh cử 2012 của tổng thống Obama nhận định, ‘Đây sẽ là một thời khắc ‘đến với Chúa Giêsu’ đối với nhiều chính trị gia muốn chạm đến vạt áo của Đức Giáo hoàng Phanxicô.’

Với bản thân Obama, chuyến viếng thăm lần này sẽ là cơ hội để nhuộm màu thẩm quyền đạo đức lên các mục tiêu vẫn còn dang dở của ông.

Đức Phanxicô có tầm đại chúng cực kỳ lớn ở Hoa Kỳ, vượt xa hẳn lãnh vực chính trị. Vé dự buổi nói chuyện của ngài với Lưỡng viện đang là cơn sốt, và hàng ngàn người đang chờ để xem buổi này qua màn hình Jumbotrons.

Stephen Schneck, điều hành phân khoa chính trị Công giáo ở Đại học Công giáo Hoa Kỳ cho biết, ‘Có thể nói, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trở nên lương tri của thời đại. Khi tổng thống Obama nhậm chức, ông cũng có được tầm vóc tinh hoa này trong ít nhất 2 năm đầu tiên. Nhưng thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô là về đạo đức và tôn giáo. Ngài sẽ không nói về pháp chế.’

Nhà trắng đã có lời tôn vinh Đức Phanxicô vì đã dấn thân vào những vấn đề vốn thường dành cho các chính trị gia. Trong một động thái hiếm có, Đức Phanxicô đã đích thân can thiệp để giúp Hoa Kỳ và Cuba phục hồi quan hệ, đã viết thư cho nguyên thủ hai nước, và chủ nhà cho các buổi đàm phán ở Vatican. Còn về biến đổi khí hậu, một hòn đá góc của di sản mà Obama mong muốn để lại, Đức Phanxicô đã tăng sức nặng của tòa giảng bằng việc phát hành tông thư lên tiếng rằng biến đổi khí hậu có thật và là do con người mà ra.

Tổng thống Obama và Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican, 2014
Tổng thống Obama và Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican, 2014

Nhưng, có nhiều nguy hiểm mà Obama có thể gặp phải nếu ông lấp liếm các khác biệt.

Khi đến thăm Đức Phanxicô hồi đầu năm ngoái, Obama đã bác bỏ lời của viên chức Vatican, mà nói rằng hai người đã không bàn gì chi tiết về các vấn đề xã hội. Các phụ tá của giáo hoàng thì nhất quyết rằng hai lãnh đạo đã thảo luận về tự do tôn giáo, sự sống, và phản đối lương tâm, từ hay dùng cho việc phá thai, kiểm soát sinh sản, và vài phần trong dự luật chăm sóc sức khỏe của Obama.

Julian Zelizer, sử gia về các tổng thống ở Đại học Princeton, cho biết, ‘Đây là một điệu nhảy tinh tế. Lý tưởng nhất là chỉ ra các lĩnh vực bận tâm chung, hơn là nói rằng ‘Chúng ta là đồng minh hoàn toàn.”

Quyền của người đồng tính cũng là một lĩnh vực bất đồng. Chuyến công du của giáo hoàng đến Hoa Kỳ, là tập trung vào các vấn đề gia đình, và trong khi Đức Giáo hoàng nhấn mạnh lòng thương và dung thứ cho những người đồng tính, thì ngài cũng khẳng định lập trường của Gia đình về vấn đề hôn nhân đồng tính, và điều này khiến ngài lệch pha với Obama.

Quan hệ của tổng thống Obama với Giáo hội Công giáo cũng phức tạp. Ông dành được các lá phiếu của người Công giáo trong các chiến dịch tranh cử, còn cao hơn cả nghị sỹ John Kerry, một người Công giáo.

Nhưng Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ phản đối luật chăm sóc sức khỏe của Obama, xem đây là lớp vỏ ngụy trang cho phá thai và kiểm soát sinh sản. Hàng trăm nhóm Công giáo và người làm công đã kiện việc ban hành luật này, xem đây là vi phạm tự do tôn giáo.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch