CAN – Antonio Anup Gonsalves – Yangon, Myanmar, Aug 13, 2015
Hơn 100 người thiệt mạng và hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa vì mùa lụt ở Myanmar, một trong những nước nghèo nhất châu Á. Cùng với các nỗ lực cứu trợ của chính phủ, Giáo hội Công giáo cũng đang xắn tay giúp sức.
‘Tình hình thật đau lòng … nhất là ở vùng trũng của các giáo phận Haka và Kaly trong hạt Chin.’ cha Leo Mang ở Myanmar cho biết.
Cha Mang cho CNA hay rằng Giáo hội Công giáo đang làm việc qua các đơn vị cứu trợ khẩn cấp ở địa phương, cũng như với Caritas, và mục toee là vươn đến các nạn nhân và cho họ cứu trợ.
Tháng qua, các cơn mưa không dứt đã gây lở đất và lụt lội ở Myanmar. Tình hình hiện thời của đất nước này mỗi nơi một khác nhau. Ở giáo phận Hakha, lở đất do mưa lớn đã phá tan nhiều nhà dân và các công trình khác. Một vài nhà nguyện vẫn còn chìm trong bùn.
Các vùng cao hơn thì có vẻ đỡ hơn, khi mực nước bắt đầu hạ xuống. Tuy nhiên, nước bắt đầu đổ nhiều về vùng châu thổ, như vùng trũng Irrawaddy, và người ta sợ là các con đập và bể chứa nước sẽ không chịu nổi.
Cha Bosco Saw cho biết, ‘Người dân đã sơ tán đến các vùng an toàn hơn, và nhiều người đang ở trong những lán trại của giáo xứ. Ở Irrawaddy, mọi người đang lo lắng, và chúng tôi cần sự giúp đỡ của quốc tế.’
Cha Saw cảnh báo là chính phủ đang phản ứng chậm. Chính quyền địa phương đã không chuẩn bị ứng phó với thiên tai mức độ nặng thế này, và địa hình đồi núi gây trở ngại cho các nỗ lực cứu trợ. Myanmar đã tuyên bố tình trạng báo động quốc gia và đã kêu gọi sự trợ giúp của quốc tế để cứu trợ cho vùng lũ.
Phản ứng chậm của chính phủ, cộng với tình trạng nghèo của nước này, đã gây ảnh hưởng nặng nề đặc biệt cho những vùng nghèo và kém phát triển.
Theo báo chí trong nước, thì đã có hơn 100 người thiệt mạng. Hơn nữa, ít nhất 375 căn nhà đã bị hủy hoại, và hơn 1 triệu người chịu tác hại của trận lụt, khiến cho lần này trở thành thảm họa thiên tai tồi tệ nhất kể từ khi cơn bão nhiệt đới đánh vào Myanmar hồi 2008.
Cha Sow thêm rằng, trong tình hình hiện tại, việc liên lạc gặp khó khăn, và có thể con số thiệt mạng còn cao hơn nữa.
Giáo hội Công giáo đã xắn tay giúp đỡ.
Một lực lượng tình nguyện viên được lập để ứng phó cấp thời tại vùng Chin, một trong những vùng nghèo nhất của Myanmar, và là quê nhà của 3 sắc tộc.
Cha Mang nói rằng các trung tâm Công giáo ở Kalay đang tiếp nhận nhiều người chạy nạn vì lũ. Cộng đồng Công giáo đang ‘quyên góp quần áo, lương thực, và thuốc men để gởi đến cho các nạn nhân vùng lũ.’
Không chỉ là thức ăn áo mặc, mà còn có nhiều thách thức về y tế khi nhiều người phải chạy nạn. Tình trạng vệ sinh kém đã gây lo lắng về khả năng lan tràn bệnh sốt và tiêu chảy, cùng với các bệnh lây qua nước bẩn khác, đồng thời là các bệnh truyền nhiễm do muỗi như sốt rét và sốt xuất huyết.
‘Tình trạng hiện nay đang ngoài tầm tay của chúng ta, và chúng tôi đặt sự tin tưởng và mọi sự vào tay Chúa. Cộng đồng Công giáo ở nước này, chỉ khoảng 1.2% dân số, nhưng đức tin của chúng tôi mạnh mẽ.’
Xơ Elizabeth, thuộc dòng các Nữ tử Mục tử Nhân lành, đang cộng tác với các tình nguyện viên trong nỗ lực cứu trợ. Dùng các thuyền nhỏ, những người giải cứu cố gắng tiếp cận các vùng đang bị phân cách, để cung cấp cứu trợ và y tế.
‘Chúng ta cần lòng thương xót Chúa.
Chúng ta cần tất cả mọi người bắt tay để vươn đến các nạn nhân. Tất cả mọi người già trẻ, giàu nghèo. Cần có những tấm lòng biết thương, những bàn tay giúp đỡ, lời cầu nguyện … Xin Chúa thương chúng con.’