lapresse.ca, Silvia Galipeau, 2015-08-09
Theo hai tác giả Jessica Alexander và Iben Dissing Sandahl.
Quan trọng của chơi
Tại sao?
Đúng, cha mẹ thường có khuynh hướng tổ chức cho con cái vì khi chúng không có gì làm, cha mẹ nghĩ chúng mất thì giờ. Sai, các tác giả viết. Rất nhiều nghiên cứu chứng minh: trò chơi giúp giảm lo lắng và ngay cả làm cho trẻ con thêm sức chịu đựng. Có gì tốt hơn là té nhẹ rồi học đứng dậy? Thêm nữa, trò chơi giúp phát triển khả năng thích ứng với xã hội, tính tự lập, tự tin, mềm dẻo, dân chủ, đứng đắn đàng hoàng.
Thế nào?
Trong các lời khuyên này có lời khuyên tắt máy truyền hình và các màn hình khác để con cái mình có sự “xa hoa” là thám hiểm môi trường, cùng chơi với các bạn ở các lứa tuổi khác nhau, kềm lại ước muốn cứ thích mỗi chút mỗi can thiệp.
Là thật
Tại sao?
Là thật, đó là từ chối các câu chuyện có hậu, các chuyện cổ tích thần tiên “họ sống hạnh phúc và có rất nhiều con”, ngừng khen tới tấp khi trẻ con vẽ nguệch ngoạc, chập chững đi pa-tanh. Tại sao? Trung thực. Đích thực.
Thế nào?
Trước hết hãy trung thực với chính mình, đừng khen bừa bãi, tập trung vào cố gắng hơn là kết quả cuối cùng. Nâng giá trị của lòng kiên trì và như thế là rèn luyện sức chịu đựng.
Tái cấu trúc
Tại sao?
Tái cấu trúc là nghệ thuật đặt lại một trạng huống theo một cách khác. Nhìn sự việc dưới một góc cạnh khác. Một viễn cảnh khác. Và đương nhiên là tích cực hơn. Không, đây không phải lạc quan ngây ngô nhưng thực tế. Thay vì nhấn mạnh vào chuyện không được thì nhấn mạnh vào chuyện được. Một cách thực tế.
Làm sao làm?
Nếu bé Ân dữ với con bạn, nhắc cho con bạn nhớ bé Ân thường dễ thương và thích chơi với con, vvv. Tránh dán nhãn cho trẻ con (nó lười) và tập trung vào cử chỉ, hành vi (hôm nay Ân mệt). Hài hước đôi khi là ngõ thoát rất hiệu nghiệm.
Khuyến khích thấu cảm
Tại sao?
Thấu cảm là nghệ thuật “đặt mình vào địa vị người khác”. Quan trọng là phải thấu cảm vì loài người không thể sống còn nếu không tương trợ và không được thấu cảm!
Thế nào?
Dạy trẻ con biết các xúc cảm của mình, tránh phê phán thái độ người khác, luôn nhắc hành vi khi nào cũng đi theo bối cảnh, và cố gắng hiểu hành vi đó trong bối cảnh đó. Ví dụ? Vì sao Ân đánh bạn? Không, không phải vì đó là một em bé hung hăng hiếu chiến (luôn luôn tránh dán nhãn) nhưng vì em rất giận. Tại sao em rất giận? Làm cách nào để em phản ứng một cách khác? vvv..
Tránh đưa ra tối hậu thư
Tại sao?
Khi đứa bé không vâng lời, khi nổi tức lên và khi quá mệt, cha mẹ có khuynh hướng già néo đứt giây. Một, hai, ba… nếu con không làm! Các bạn biết điệp khúc này. Cách này có hiệu quả không? Ở Đan Mạch, ở trường học, trẻ con cùng nhau phác họa một số lề luật. Nhắm làm sao để phòng ngừa các ứng xử xấu thay vì phạt. Đây là cả một cái nhìn khác. Như thế, các ứng xử của trẻ con không nhất thiết được nhìn cùng một con mắt. Ở đây những em bé 2 tuổi bị cho là những em bé ghê gớm, nhưng các em không ghê gớm vì tuổi này là tuổi các em muốn thử các giới hạn của mình, trẻ con nào cũng vậy. Phải uyển chuyển.
Thế nào?
Khổ thay không có công thức phép lạ. Thở sâu, suy nghĩ, giảm bớt khủng hoảng. Nên nhớ là không có trẻ con xấu, chỉ có kỹ thuật dạy con xấu. Nhắm trước hết là giáo dục chứ không phải phạt (đúng, cần thì giờ và phải lâu), nhớ là một vài thái độ chỉ có ở một tuổi nào đó và đừng quên nhìn khía cạnh tích cực của từng trạng huống.
Tại sao?
Người Đan Mạch rất quý giây phút “hygge”, những giây phút ấm áp bên nhau. Đó là lối sống. Dành nhiều thì giờ với gia đình, với người thân, với ông bà, anh chị em họ, làm những chuyện rất nhỏ với nhau. Cùng nhau làm. Tại sao, Vì đời sống ‘bộ lạc’ mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa. Những người được bao bọc chung quanh thì ít căng thẳng và hạnh phúc hơn.
Thế nào?
Các tác giả khuyên làm một thỏa hiệp gia đình để nhấn mạnh tầm quan trọng là phải cùng nhau, để qua một bên các mâu thuẫn cá nhân, đặt ưu tiên hạnh phúc của nhóm. Vui chơi với gia đình, không than phiền, nhìn khía cạnh dễ chịu của đời sống chung và những giây phút gần gũi nhau. Ngắn gọn mừng với những chuyện thực tế của gia đình. Tất cả sẽ hạnh phúc hơn.
Các lý thuyết khác của hạnh phúc
Từ 40 năm nay, năm này qua năm khác, nước nhỏ bé có 5.6 triệu dân này lúc nào cũng đứng hàng đầu các nước hạnh phúc nhất thế giới theo thang bậc của Liên Hiệp Quốc và của OCDE. Tại sao? Các nhà quan sát có thể bị lầm.
Phải nói là có vài hòn gạch lọt khỏi mắt: trước hết là khí hậu (mùa đông ngắn hơn ở đây nhưng lại tối hơn), thuế rất cao (60 %), đừng quên nước Đan Mạch là một trong những nước nợ nhiều nhất thế giới.
Người Đan Mạch cũng tiêu thụ rượu và thuốc an thần rất nhiều. Vậy thì tại sao lại tiếp tục nói họ hạnh phúc?
Trong tác phẩm Hạnh phúc như người Đan Mạch (2014), một tác phẩm vừa sâu xa vừa hài hước, nữ tác giả Malene Rydahl đưa ra vài giả thuyết, báo L’Obs ghi lại: bình đẳng giữa các giai cấp xã hội, bình đẳng giữa đàn ông đàn bà, cực kỳ tin tưởng vào thể chế chính trị (gần như không có tham nhũng), hệ thống trường học chú trọng đến phát triển cá nhân chứ không chú trọng đến thành công, cơ hội đồng đều nhau và nhiều thời gian rãnh rỗi (tuần lễ làm việc 33 giờ). Và cũng đừng quên Đan Mạch là nước mà Quốc gia lo hết.
Marta An Nguyễn chuyển dịch