Bài diễn văn của Đức Phanxicô ở Santa Cruz, Bôlivia: Cách mạng bằng hoán cải

279

la-croix.com, Guillaume Goubert, 2015-07-10

Cách mạng bằng hoán cảiÂm hưởng của bài diễn văn này sẽ còn đọng lại rất lâu. Đức Phanxicô đọc bài diễn văn này ngày 9 tháng 7 ở Santa Cruz, một thành phố ở Bôlivia. Nhưng bài diễn văn này nói với toàn thế giới để khuyến khích một hình thức vực dậy chống “nền kinh tế loại trừ và bất công, một nền kinh tế mà tiền bạc thống trị thay vì phục vụ”. Những lời như thế này không hiếm từ miệng của một giáo hoàng vì ưu tư này đi trọn lịch sử giáo huấn xã hội công giáo. Nhưng chưa bao giờ nó được tuyên bố sâu đậm như vậy.

Trong bài diễn văn này, Đức Phanxicô đã khẳng định ngay lập tức: “Chúng ta muốn có một thay đổi, một thay đổi thật sự, một thay đổi về mặt cơ cấu. Chúng ta không còn chịu đựng hệ thống này nổi nữa.” Một hệ thống mà ngài xác định, “làm suy sụp xã hội, lên án con người, biến con người thành nô lệ, hủy diệt tình huynh đệ giữa con người với nhau, dân tộc này chống dân tộc kia và làm cho căn nhà chung bị nguy hiểm”, có nghĩa là toàn quả đất.

Chẩn đoán này thông thường khá được chia sẻ, “ngay cả nơi cộng đồng thiểu số người giàu ngày càng thu nhỏ và tin mình sẽ được hưởng lợi từ hệ thống này.” Nhưng làm sao làm? Đâu là thuốc chữa? Đức Phanxicô không sợ phải chấp nhận là không dễ để trả lời cho những vấn đề này. Ngài nói thêm: “Anh chị em đừng chờ giáo hoàng này sẽ cho công thức”. Nhưng ngài đề nghị một phương pháp.

Đức Giáo hoàng không kêu gọi lật đổ các cơ cấu hiện hành vì ngài biết như thế là rất nguy hiểm: “Một sự thay đổi cơ cấu mà không đi theo một sự hoán cải chân thành các thái độ và tâm hồn thì sớm muộn gì cũng sẽ kết thúc bằng nạn quan liêu cửa quyền, bằng tham nhũng, bằng sa ngã.” Đối với ngài, sự thay đổi đòi hỏi thời gian để gieo các “hạt giống hy vọng” và để săn sóc các “mầm tược của tấm lòng dịu dàng”. Và nhất là phải hành động “không phải từ những ý tưởng và khái niệm nhưng khởi đi từ gặp gỡ đích thực giữa con người với con người, vì không phải các ý tưởng và các khái niệm thương nhau; nhưng chính là con người thương nhau”. Chính qua hình thức kiên nhẫn yêu thương này mà “đức tin của chúng ta mới là đức tin mang tính cách mạng”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch