Tương lai Nhân loại nằm trong tay Người Nghèo

344

CNA – Từ La Paz, Bolivia – 09/7/2015

popef_ind-800x500Trong bài diễn văn với các NGO quốc tế hôm thứ năm 09-7, giáo hoàng Phanxicô nói rằng, người nghèo và người ngoài rìa xã hội có một vai trò không thể thay thế trong việc đảo ngược cái mà ngài gọi là sự độc tài toàn cầu của thói tham lam.

‘Cho đến bây giờ, hệ thống này thật bất dung: các nông dân thấy nó bất dung, người lao động thấy nó bất dung, các cộng đồng thấy nó bất dung, và các dân tộc thấy nó bất dung. Cả trái đất, chị chúng ta, Mẹ Trái đất, theo lời thánh Phanxicô, cũng thấy là hệ thống này bất dung.

Các bạn, những người thấp cổ bé miệng, những người bị bóc lột, người nghèo và không có đặc ân đặc quyền, các bạn có thể, và đang làm được nhiều điều. Tôi có thể nói rằng tương lai nhân loại đang ở trong tay các bạn.’

Những lời này giáo hoàng Phanxicô nói trong bài diễn văn với Đại hội Thế giới lần thứ hai của Các Phong trào Bình dân tại Santa Cruz, Bolivia. Hội nghị 3 ngày này quy tụ các NGO quốc tế đến thảo luận về các thách thức hiện đại mà người nghèo và người ngoài rìa xã hội phải đối diện. Vatican đã là chủ nhà cho Đại hội Thế giới lần thứ nhất của các Phong trào Bình dân hồi tháng 10 năm ngoái.

Bolivia là điểm dừng thứ hai trong chuyến công du Mỹ La Tinh của Giáo hoàng. Ngài đã viếng Ecuador từ ngày 05-8, và dành vài ngày ở Bolivia trước khi đến Paraguay hôm 10-7.

Trong các nhận định, giáo hoàng vọng lại nhiều điểm trong tông thư môi trường Chúc tụng Chúa mới đây của ngài. Ngài đau lòng trước sự loại trừ và bất công toàn cầu, khi nông dân không có đất, gia đình không có nhà, và công nhân không có quyền lợi. Ngài cảnh báo rằng lòng tham vô độ là lực điều hướng giấu mặt của các bất công này.

‘Đằng sau tất cả những đau đớn, chết chóc và hủy hoại này, chính là thứ hôi thối mà thánh Basil thành Ceasarea đã gọi là ‘phế thải của ma quỷ.’ Sự theo đuổi tiền bạc một cách vô độ đang thống trị: Việc phục vụ lợi ích chung đang bị bỏ qua.

Một khi của cải trở thành thần tượng và chỉ đạo các quyết định của con người, một khi lòng tham lam tiền bạc chế ngự toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội, thì nó hủy hoại xã hội, nó làm tình làm tội và nô lệ hóa con người, nó phá hoại tình thân ái nhân bản, nó đẩy mọi người chống đối lẫn nhau, và như chúng ta thấy rõ, nó còn gây hại cho ngôi nhà chung của chúng ta nữa.

Đừng sợ phải nói lên rằng: ‘chúng ta cần thay đổi, chúng ta muốn thay đổi.’ Và ngay cả những ai đang hưởng lợi từ tình trạng hiện thời rồi cũng sẽ bất mãn và chán nản.

Thay đổi là điều khẩn thiết, nhưng cũng cần có thời gian. Thay đổi không phụ thuộc vào các quyết định chính trị hay các thay đổi trong cơ cấu xã hội. Trong thời gian ở Bolivia, tôi có nghe một cụm từ là: ‘tiến trình thay đổi.’

Chúng ta biết từ kinh nghiệm đau thương rằng các thay đổi về cơ cấu mà lại không đi kèm với sự thay đổi chân thực cái đầu và trái tim con người, thì sớm hay muộn cũng sẽ rơi vào tệ quan liêu, tham nhũng, và thất bại.

Đây là lý do vì sao tôi thích hình ảnh của một ‘tiến trình,’ khi chúng ta gieo hạt, tưới nước để cho người sau nhìn thấy mầm cây trỗi lên, chứ không phải tham vọng chiếm lấy vị trí quyền lực và muốn có kết quả tức thì.

Ngài cũng nói rằng các quan hệ giữa người với người là các tác nhân chính cho sự thay đổi trong xã hội.

‘Sự tận tâm, tận tâm thực sự, được sinh ra từ tình yêu của con người, nam và nữ, trẻ con và người già, của các dân tộc và cộng đồng … của các tên tuổi và gương mặt cho chúng ta thấy ấm lòng. Từ những hạt giống hi vọng được kiên nhẫn gieo xuống những vùng ven bị lãng quên của hành tinh chúng ta, từ những mầm cây của sự dịu dàng đang nỗ lực vươn lên giữa các bóng tối loại trừ, sẽ trỗi dậy các cây đại thụ, các cánh rừng hi vọng để đem lại dưỡng khí cho thế giới chúng ta.’

Rồi giáo hoàng Phanxicô đặt ra 3 mục tiêu chính cho các NGO đang quy tụ ở Expo Feria tại Santa Cruz này.

Thứ nhất, là hãy để kinh tế phục vụ cho con người.

‘Con người và tự nhiên không phải là để phục vụ tiền bạc. Chúng ta hãy nói KHÔNG với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng, nơi tiền bạc thống trị chứ không phục vụ. Nền kinh tế đó giết người. Nền kinh tế đó loại trừ. Nền kinh tế đó hủy hoại Mẹ Trái đất.

Cần phải có một nền kinh tế công xã, đây không chỉ là chuyện có thể mà còn phải là một bổn phận đạo đức.

Với các Kitô hữu, trách nhiệm còn lớn hơn nữa, đây là một điều răn. Đây là việc cho người nghèo và cho các dân tộc những gì họ có quyền phải có. Mọi sự được định là của chung, không phải chỉ là một lời trong huấn giáo của Giáo hội. Mà đây trước hết là một thực tiễn cho tư hữu. Tài sản, đặc biệt là khi nó tác động đến các tài nguyên thiên nhiên, phải luôn luôn phục vụ nhu cầu của các dân tộc. Và không được ngăn cấm quyền dùng các tài nguyên thiên nhiên với những ai cần kíp.’

Rồi giáo hoàng thúc giục các NGO hãy làm việc để hiệp nhất các cộng đồng trong công bằng và hòa bình. Ngài ca ngợi sự hợp tác ngày càng tăng và tình huynh đệ giữa nhiều nước Mỹ La tinh. Nhưng, giáo hoàng cảnh báo rằng, bất chấp tiến bộ này, chủ nghĩa thực dân vẫn đang ngoi đầu trở lại theo những cách cả mới và cũ.

‘Nhiều khi nó là tác động vô hình của các tập đoàn hùng mạnh, các môi giới cho vay, các hiệp dịnh ‘tự do thương mại’ và trò lừa bịp dưới chiêu bài ‘thắt lưng buộc bụng’ luôn luôn xiết chặt lấy các công nhân và người nghèo.

Các dân tộc trên thế giới muốn là người kiến tạo vận mệnh của chính mình … Họ không muốn các dạng giám sát hay can thiệp của những cường quốc lớn hay áp đặt lên các nước nhỏ hơn. Họ muốn văn hóa của mình, ngôn ngữ của mình, các tiến bộ xã hội và truyền thống tôn giáo của mình được tôn trọng. Không một cường quốc nào có quyền tước đoạt khỏi các dân tộc sự thực thi trọn vẹn chủ quyền của mình. Bất kỳ lúc các cường quốc làm thế, chúng ta đều thấy nổi lên các dạng mới của chủ nghĩa thực dân vốn gây thiệt hại nghiêm trọng cho khả thể hòa bình và công bằng.’

Giáo hoàng cũng thúc giục các NGO làm việc để bảo vệ môi trường, một vấn đề với ngài ‘dường như là chuyện quan trọng nhất chúng phải đối diện thời nay.’

‘Ngôi nhà chung của chúng ta đang bị cướp phá, lãng phí, và gây hại mà chẳng bị trừng phạt. Hèn nhát trong việc bảo vệ trái đất là một tội trọng.

Tôi xin các bạn, nhân danh Chúa, hãy bảo vệ Mẹ Trái đất.’

Và giáo hoàng Phanxicô hứa sẽ sát cánh với các NGO làm việc để nhổ tận rễ bất công và đói nghèo toàn cầu. Cho dù, ngài thừa nhận rằng, mình không có công thức để sữa chữa hết mọi vấn đề của thế giới.

‘Đừng kỳ vọng một công thức như thế từ giáo hoàng. Cả giáo hoàng hay Giáo hội đều không có độc quyền trong việc diễn giải hiện thực xã hội hay đưa ra các giải pháp cho những vấn đề đương thời. Tôi dám nói rằng không có một công thức nào như thế. Lịch sử được tạo nên bởi mỗi thế hệ, khi theo bước thế hệ đi trước, tìm kiếm con đường riêng của mình và tôn trọng các giá trị mà Thiên Chúa đã đặt để trong trái tim con người.’

Đức Phanxicô thúc giục các NGO hãy tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho những khủng hoảng thời hiện đại này. Ngài cũng báo động các NGO hãy coi chừng bị lạc lối theo kiểu hệ tư tưởng.

‘Hãy sáng tạo và đừng bao giờ thôi bám chặt vào thực tế địa phương, bởi cha của mọi dối trá có thể thủ đoạn với những lời lẽ cao thượng, thúc đẩy các mốt tri thức nhất thời và đưa ra các lập trường hệ tư tưởng. Nhưng nếu các bạn được xây trên nền tảng vững chãi, trên các nhu cầu thực, và trên trải nghiệm sống của các anh chị em mình, của các nông dân và thổ dân, của các công nhân bị loại trừ và các gia đình ngoài rìa xã hội, thi chắc chắn, các bạn sẽ vững vàng trên đường lối ngay chính.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch