Các chuyên gia giáo dân ngoài đời, một quyền lực mới của Vatican

452

la-croix.com, Sébastien Maillard, Roma, 2015-06-25

Triều giáo hoàng của Đức Phanxicô được đánh dấu bởi sự tin tưởng vào giáo dân trong việc quản trị

Một chức vụ rất cao vừa được thành lập để kiểm soát tài chánh của Tòa Thánh vừa được giao cho một chuyên gia có tầm vóc quốc tế.

Chuyên gia này là người mới cũng như chức vụ của ông cũng là một chức vụ mới. Ngày 5 tháng 6 vừa qua, ông Libero Milone được cử vào chức vụ Tổng kiểm soát của Tòa Thánh. Một chức vụ vừa được thành lập, được giao toàn quyền cho kiểm toán viên 66 tuổi xuất thân từ Văn phòng Kiểm toán Deloitte này, để vào trong các văn phòng của Giáo triều La Mã, mở các cánh cửa, mở hộc tủ, mở hồ sơ và báo cáo trực tiếp lên Đức Giáo hoàng. Các phụ tá và nhân viên đang được tuyển chọn để thành lập một văn phòng điều tra nội bộ…

Cải cách Giáo triều, đặc biệt trong việc quản trị tài chánh thường giao cho các chuyên gia, đa số là đàn ông, một chức vụ trước đây chưa có. Ở Hội đồng Kinh tế, một cơ quan mới là Văn phòng Kinh tế gồm giáo dân và hồng y, số ghế bằng nhau ngoại trừ ban điều hành. Ông Joseph Zahra, kinh tế gia người đảo Malta và phó điều hợp viên của Hội đồng này tuyên bố: “Chúng tôi có cùng mức độ quyền hành và trách nhiệm như các hồng y. Đây là một thực nghiệm chưa từng có ở tầm mức này.”

Chọn lựa của Đức Phanxicô: Tin tưởng giao việc cho giáo dân

Ông Jean-Baptiste de Franssu, chủ tịch Ngân hàng Vatican
Ông Jean-Baptiste de Franssu, chủ tịch Ngân hàng Vatican

Cải cách ở Giáo triều được tiến hành dưới sự cố vấn của các chuyên gia giáo dân bên ngoài. Ông Joseph Zahra chủ tịch một hội đồng đa số là giáo dân, Hội đồng này do Đức Phanxicô thành lập vào mùa hè năm 2013, sau khi ngài được bầu chọn. Ông Zahra cho biết, “rõ ràng ngay từ đầu, đây là chọn lựa của Đức Phanxicô, ngài giao việc cho giáo dân trong các lãnh vực tài chánh, kinh tế và quản trị.” Cải cách về truyền thông ở Vatican cũng được giao cho một hội đồng gồm các chuyên gia trong ngành, đứng đầu là một chính trị gia người Anh, ông Chris Patten, ông đã bỏ việc ở đài BBC để về làm cho Vatican. Cũng vậy với Quỹ Hưu trí, cách đây một năm, quỹ này được giao cho bốn chuyên gia giáo dân ngoài đời, trong đó có chuyên gia về bảo hiểm người Pháp, ông Antoine de Salins (Groupama).

Dấu hiệu của khuynh hướng này là bây giờ nước Pháp đánh giá ảnh hưởng của mình trên Vatican không phải chỉ qua số lượng hồng y Pháp, mà còn qua số ghế  các chuyên gia giáo dân của mình nắm giữ. Như ông Jean-Baptiste de Franssu, chủ tịch Ngân hàng Vatican, ông Michel Roy, tổng thư ký Caritas, người liên hợp các cơ quan từ thiện công giáo. Hai địa vị đã giao cho giáo dân từ các đời giáo hoàng trước. Giáo sư Guzman Carriquiry được bổ nhiệm như nhân vật số hai của Hội đồng Giáo hoàng về Châu Mỹ La Tinh là một ngoại lệ. Tuy nhiên quyết định nhất thiết buộc phải như vậy.

Sử gia Giovanni Maria Vian quan sát, “địa vị được giao cho giáo dân hiện nay là đảo ngược với khuynh hướng giáo sĩ hóa đã được tiến hành trong ba thập niên vừa qua ở Vatican.” Ngay từ thời đầu, khi thành lập Quốc gia nhỏ bé Vatican năm 1929, người cầm quyền là một giáo dân trước khi giao qua cho một hồng y như vẫn giao cho đến bây giờ. Sử gia Vian nhắc lại, “các địa vị lâu nay giao cho giáo dân, sau đó được giao cho tu sĩ,” nhưng ngược lại, giám đốc báo L’Osservatore Romano, một nhật báo của Vatican luôn luôn được giao cho giáo dân.

Phụ nữ không đứng đầu các Bộ

Cuộc chiến đấu chống “tu sỹ hóa” nằm trong các trận chiến mà Đức Phanxicô tuyên bố trong khuôn khổ cải cách guồng máy của Giáo hội. Gần đây ngày 12 tháng 6, trước các linh mục, tu sĩ và giáo dân ở Đền thờ Latran, ngài cảnh báo họ về “tội đồng lõa” : “Linh mục và giáo dân thích tu sĩ hóa vì như thế khỏe hơn.” Việc thành lập trong tương lai và đã được chấp nhận, một Hội đồng về giáo dân sẽ có thể nâng đỡ chính vai trò của họ trong Giáo hội, vượt ra ngoài Giáo triều.

Còn về vai trò của nữ giáo dân? Ngày 21 tháng 6 ở Torino, Đức Phanxicô đã cho biết, ngài không định cử phụ nữ đứng đầu các Bộ của Giáo triều. Bởi vì theo ngài, nếu làm như thế là “công chức hóa”, vì ngài cho rằng địa vị của phụ nữ trong Giáo hội thì phức tạp hơn, nó không gói gọn trong các chức vụ mà phụ nữ có ở Giáo triều.

Đàn bà hay đàn ông, tìm một chỗ đứng đúng cho giáo dân ở địa vị cao ở Vatican không phải là chuyện dễ dàng. Trong Thánh lễ mở đầu phiên họp khoáng đại của Caritas ở đền thờ Thánh Phêrô, các hồng y ngồi trước giám mục, giám mục ngồi trước linh mục, linh mục ngồi trước giáo dân dù giáo dân có địa vị như thế nào ở Vatican đi nữa. Tuy nhiên, sau đó, trong buổi tiếp kiến trọng thể ở Dinh Tông Tòa, ngài đã tiếp Tổng thư ký Caritas một mình. “Một hình thức biết ơn”, theo đương sự cho biết, người đánh giá cao sự tự lập đích thực.

Người giáo dân phải trung thành với Giáo hội

Vừa giữ tính độc lập, vừa tôn trọng cơ quan, đó là điều mọi giáo dân được Vatican tin tưởng giao phó trọng trách phải chấp nhận. Không phải là không có sự cố. Trong số 17 nam nữ thành viên mới của Hội đồng Giáo hoàng về biện pháp phòng ngừa ấu dâm, gần đây ông Peter Saunders, người Anh, đã không ngần ngại công khai yêu cầu hồng y George Pell, người phụ trách kinh tế phải rời khỏi Hội đồng vì thái độ bị cho là khinh thường các nạn nhân bị lạm dụng tình dục khi hồng y còn làm tổng giám mục Sydney. “Điều được mong chờ ở giáo dân, trước hết là chuyên môn của họ nhưng cũng đòi hỏi lòng trung thành của họ đối với Giáo hội, ông Joseph Zahra đánh giá như trên. Và phải thận trọng”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch