aleteia.org, Élisabeth de Lavigne dịch từ tiếng Tây Ban Nha, 2015-06-24
Trong một bức thư Đức Phanxicô gởi cho linh mục Alexandre Awi, ngài nhắc đến một kỷ niệm đau lòng của tuổi thơ ấu mà ngài không bao giờ quên. Ngài tâm sự, “một nỗi lo sợ không rời cha khi cha còn nhỏ”.
Khi đi thăm Chilê vào tháng 4 vừa qua, linh mục Alexandre Awi, nhà Thánh Mẫu học lỗi lạc của Ba Tây đã nói với báo Portaluz một câu chuyện cảm động và chưa được kể của Đức Phanxicô. Linh mục Alexandre kể, trên chuyến về Ngày Giới Trẻ Rio năm 2013, cha là thông dịch viên và là thư ký của Đức Giáo hoàng trong thời gian này, cha đã đăng trong một tờ báo của Dòng Salêdiêng ở Ba Tây một bài có tựa là “Văn hóa của gặp gỡ”, trong đó cha bình luận về sự phong phú của đường hướng mục vụ và thiêng liêng mà Đức Giáo hoàng mang lại cho thế giới, cha có đề cập đến văn hóa gặp gỡ này.
Cũng như trong tài liệu của Aparecida, Hội đồng Giám mục Nam Mỹ, Đức Phanxicô cũng đã nói đến văn hóa gặp gỡ này, đó là chủ đề chính trong các bài giáo lý của ngài. nhưng điều mà linh mục Awi không ngờ tới, chính ước nguyện cho một “văn hóa của gặp gỡ” này đã ăn sâu trong kinh nghiệm sống của cậu bé trẻ Jorge Mario Bergoglio.
Mối bất hòa đau đớn trong thân tộc
Chính Đức Phanxicô đã thổ lộ với linh mục Alexandre trong bức thư ngài cám ơn linh mục về bài báo trên:
“Cha cám ơn con về bài viết ‘Văn hóa của gặp gỡ’ của con. Về cách diễn tả này, cha phải kể cho con nghe một chuyện. Khi sửa lại mặt tiền Nhà thờ chính tòa Buenos Aires, có một chọn lựa là làm cho giống nhà thờ Mađalêna ở Paris (không dính gì với phong cách baroque của tòa nhà), và vì đó là lúc tái tổ chức quốc gia nên phải tìm cách thống nhất lại quốc gia, vì thế có một chọn lựa khác là ở mặt tiền sẽ khắc cảnh gặp gỡ giữa ông Giuse và các anh em của ông. Hình ảnh này đã đánh động cha rất nhiều, một phần do chuyện riêng của gia đình cha, một phần là nhờ ơn của Chúa.
Trong gia đình cha, đã có một lịch sử dài về những bất đồng và bất hòa. Các chú và anh em họ bất hòa và xa nhau. Còn nhỏ, khi cha nghe kể về những chuyện bất hòa này, hoặc khi cha được báo cho biết có một sự cố, cha đã khóc rất nhiều, cha giấu cả nhà không cho ai biết. Đôi khi cha làm một hy sinh hoặc cha làm việc đền tội để đừng có những chuyện này xảy ra nữa. Cha bị chấn động rất nhiều. Nhờ ơn Chúa, gia đình cha, ba mẹ và năm anh chị em cha sống hòa thuận với nhau. Chuyện bất hòa này đã ảnh hưởng đến tuổi thơ của cha rất nhiều và đã tạo trong lòng cha một khát khao là đừng có ai cãi nhau, mọi người luôn hòa hợp với nhau. Và nếu họ cãi nhau thì mong họ nhớ đến những tình cảm tốt nhất của nhau.
Cha đọc lại những gì cha viết và cha cảm thấy xấu hổ một chút, nhưng cha tin rằng, trong câu chuyện này, có một cái gì như hạt mầm và qua năm tháng, nó tạo nên một khái niệm mà cha gọi là ‘văn hóa của gặp gỡ’. Đó là nỗi lo sợ không rời cha khi cha còn nhỏ.”
Marta An Nguyễn chuyển dịch