lavie.fr, 2015-06-17
Người công giáo tìm lại trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ Tạo Dựng. Ngày nay các mạng lưới kết hợp lại chung quanh tầm nhìn của Kitô giáo về mặt môi sinh.
Hơn các tín hữu của các đạo khác, đối với tín hữu Kitô năm 2015 là năm của môi sinh. Không phải chỉ do có cuộc họp thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về khí hậu sẽ diễn ra ở Paris vào tháng 12 sắp tới, nhưng nhất là, lần đầu tiên một giáo hoàng đã chọn một tên có tính cách ngôn sứ, tên Phanxicô, công bố một Thông điệp dành riêng để nói về Tạo Dựng, Chúc tụng Chúa (Laudato si’) vào ngày thứ năm 18-6 này. Được Đức Phanxicô thức tỉnh, bây giờ người công giáo mới thấy trách nhiệm của mình trước cơn khủng hoảng của khí hậu. Nhưng ý thức này đã đến trễ.
Sự thức tỉnh của Giáo hội trước Tạo Dựng
“Người công giáo thường huy động mạnh trong việc đấu tranh cho luân lý, và đó là điều rất tốt, họ cũng đấu tranh cho lòng tương trợ, cho sự phát triển, và đó là cũng là điều rất tốt, nhưng đấu tranh cho môi trường thì sự hiện diện của chúng ta rất ít!” linh mục Dominique Lang, thuộc dòng Đức Mẹ Lên Trời và là ký giả của tuần báo Pèlerin, người dấn thân từ lâu về các vấn đề môi sinh đã phát biểu như trên. Ngày 28 tháng 5 ở Lyon đã có một cuộc hội thảo vinh danh ông Jean Bastaire (1927-2013), nhà tiên phong của môi sinh theo tinh thần Kitô giáo. Là nhà văn, hướng theo môi sinh qua vợ mình là bà Hélène, ông liên tục kêu gọi tín hữu Kitô phải cấp tốc phản ứng trước cơn khủng hoảng môi sinh, nhưng chẳng ai nghe. Gần như chẳng ai biết đến ông khi ông còn sống, nhưng bây giờ trực cảm của ông đã mang lại hoa quả. Một ghế mang tên ông vừa được khánh thành ở Trung tâm liên khoa về luân lý ở Đại học Công giáo Lyon, do Tổ chức Saint-Irénée tài trợ để đào sâu về thần học Tạo Dựng.
Chín nhà nghiên cứu, sinh học gia, thần học gia, triết gia, luân lý gia, môi sinh gia đã tham gia vào khoa này và được môn đệ trẻ Fabien Revol của ông Jean Bastaire hướng dẫn. Lần đầu tiên trong lịch sử! Thật ra, từ ba, bốn năm nay, các tín hữu Kitô đến từ khắp nơi đã nghiên cứu các vấn đề môi sinh. Trong cả nước Pháp, họ thành lập từng nhóm nhỏ để suy nghĩ, để tham gia vào các hiệp hội môi sinh khác, hoặc tổ chức các buổi sinh hoạt để trình bày vấn đề… “Chúng tôi tham dự vào sự phát triển của một mảng trong giáo điều xã hội của Giáo hội, giáo điều đã được Đức Gioan-Phaolô II và các vị tiền nhiệm của ngài khai mào, được Đức Bênêđictô XVI chứng nhận và được Đức Phanxicô thực hiện”, linh mục Dominique Lang hăng say nói.
Tại sao người công giáo ý thức trễ vậy? Từ Đức Phaolô VI, tất cả các giáo hoàng đều lên án cơn khủng hoảng môi sinh. Năm 1970, trước cơ quan Lương Nông Quốc Tế (FAO), Đức Phaolô VI đã cảnh báo hiểm họa của một “cái chết sinh hóa”. Sau ngài, năm 1979, Đức Gioan-Phaolô II tuyên bố thánh Phanxicô Đaxi là quan thầy của các nhà sinh thái, và đưa ra ánh sáng “tính cách luân lý” của cơn khủng hoảng môi sinh (diễn văn ngày 1 tháng 1-1990) và Đức Bênêđictô XVI đã lý thuyết hóa một “môi sinh nhân loại” (diễn văn ngày 1 tháng 1-2007), nhấn mạnh đến sự “liên kết không dứt ra được” giữa tôn trọng thiên nhiên và tôn trọng con người. Còn về Đức Phanxicô, người có những câu tuyên bố sốc về “văn hóa của sự vứt bỏ” hoặc về sự lãng phí, “ăn cắp đồ ăn trên bàn ăn của người nghèo” thì ngài là người đầu tiên viết một thông điệp về môi sinh. Theo ông Nicolas Hulot, người được tổng thống Pháp François Hollande đặc biệt cắt cử đi Vatican ba lần để bàn về việc bảo vệ hành tinh, thì đã đến lúc phải “vặn loa to lên” như ông đã khẳng định trong cuộc phỏng vấn với báo Gia đình Công giáo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch