pelerin.com, Mikael Corre, 5-5-2015
Nhà của những người nghèo Rôma là các đường phố chung quanh mảnh đất nhỏ bé của Tòa Thánh. Một vài người đã gặp Đức Giáo hoàng. Những người khác thì đi tắm ở nhà tắm Đức Phanxicô làm cho họ. Tất cả đều hưởng các tiện ích của mục vụ giáo hoàng dành cho họ, từ áo quần, đồ ăn, cắt tóc, đi thăm viện bảo tàng, đi hành hương Turin.
Bà Ribauda ngồi trên chiếc ghế nhựa trắng ở cổng ra vào Vatican, bà 83 tuổi, hai chân mang đôi băng-túc trắng duỗi dài trên chiếc đòn nhỏ. Đẹp lão, khuôn mặt nhăn nhưng trông trẻ hơn tuổi, bà lịch sự, tóc tai tươm tất. Có lẽ bà vừa đi cắt tóc ngày thứ hai vừa qua, ngày các thợ cắt tóc thiện nguyện làm việc ở phòng hớt tóc.
Ban ngày có cả hàng trăm người vô gia cư đi quanh khu vực quảng trường Vatican. Buổi chiều, một vài người trong số họ trải giấy các tông hay túi ngủ và ngủ trước phòng báo chí Tòa Thánh, chỉ cách các cây cột khổng lồ của Vatican vài mét.
Đây là một thanh niên trẻ đã ngủ, nằm co quắp trong chiếc khăn carô trắng xanh. Những người khác vừa ăn xong. Bà Ribauda thích giữ một khoảng cách. Bà có chiếc rađiô nhỏ để đàng sau cột bê tông, bà đã tắt nó. Ban ngày, chiếc radiô lè kè theo bà, bà dịch cái ghế và cái đòn đi từ vỉa hè qua sân thượng tùy theo nắng mặt trời chiếu như thế nào.
Luôn luôn ở phía cổng Thánh Annà, một trong các cổng vào Vatican. Hôm nào trời mưa bà Ribauda vào trú ở cửa ra vào nhà vệ sinh công cộng. Giống như nhiều người sống ngoài đường, bà cà kê kể câu chuyện đời mình, lúc thì kể quá khứ, lúc thì bắt qua hiện tại, có những giai đoạn bà tưởng tượng ra.
Bà sinh ra trong một ngôi làng nhỏ mà bây giờ bà không còn nhớ tên, cũng không biết nó ở miền Bắc hay Nam nước Ý. Cách đây hơn bốn mươi năm, bà đến Rôma với chồng là “họa sĩ,” sau đó ông mất sớm vì “bệnh tim”.
Bà kể, “cách đây ba tuần, bỗng nhiên Đức Phanxicô đến gặp tôi. Ngài ban phép lành cho tôi nhưng không cho tôi gì.” Còn khi đến viện bảo tàng, chúng tôi sững sờ khi gặp giáo hoàng, bà hát: Tôi hài lòng với giáo hoàng, tôi hài lòng với giáo hoàng, tôi hài lòng với giáo hoàng.
Tôi hỏi bà để bà quay trở lại với câu chuyện, “Vì sao bà không có nhà?”. Bà trả lời: “Tại sao tôi phải có nhà?” “Nhưng tại sao bà sống ngoài đường?”, bà tinh nghịch lặp lại: “Tại sao tôi phải có nhà?” Bà lôi một điếu xì gà ra hút, bà hút liên tục suốt tối.
“Tôi thích ở đây, bà thố lộ, mọi người giúp đỡ tôi và cũng có cảnh sát đàng kia.” Bà đưa tay chỉ những người bảo vệ bà, cảnh vệ, cảnh sát, họ gác ở đây ngày đêm trước mặt trụ sở Cận vệ Thụy sĩ.
Gần đó vừa có một chiếc xe trắng đậu vào nhà để xe, một giám chức bước xuống, cha mặc sơ mi trắng có cổ rôma, tóc húi cua. Cha đến gần bà, trên tay cầm chậu hoa trắng, cha đưa cho bà và nói: “Đây là hoa tặng bà Ngày Phụ nữ Quốc tế.” Hai người biết nhau từ lâu, hóa ra cha là giám mục Konrad Krajewski, đặc trách các công việc từ thiện của Đức Giáo hoàng.
Trước khi chúng tôi kịp có thời gian phỏng vấn ngài thì ngài đã đi xa, cha hơi bực mình vì có nhà báo ở đây, đây không phải là lúc để nói những lời hoa mỹ về tình tương trợ, đức bác ái mà chỉ là một quan hệ “láng giềng” bình thường.
Các đòi hỏi mục vụ mới của Giáo hoàng
“Chúng tôi kiếm được thức ăn. Cái mà chúng tôi thiếu là vệ sinh, tôi không được sạch sẽ,” một người vô gia cư đã nói như trên với giám mục Krajewski. Tù đó, giám mục đa năng người Ba Lan cho xây phòng tắm ở Quảng trường Thánh Phêrô, một cách kín đáo dưới hàng cột, nơi mà trước khi vào đền thờ Thánh Phêrô rộng mênh mông, các du khách phải đi qua hàng rào kiểm kim loại.
Giúp thức ăn, phân phối túi ngủ, chăn mền, bít tất, ô dù của du khách bỏ quên ở viện bảo tàng Vatican… Những người vô gia cư được quan tâm đến rất nhiều, họ là những người ưu tiên trong các đòi hỏi về mặt mục vụ của Đức Giáo hoàng đối với người nghèo.
Trước phòng báo chí, ba người trong số họ đang bàn cãi. Dưới chân họ là chiếc mũ đặt trên con sóc nhồi bông chờ du khách bỏ tiền vào.
Người thứ nhất nói:
Đức Giáo hoàng đúng là một người tốt.
Người thứ hai đồng ý: “Đối với tôi, ngài là một vị thánh.”
Người thứ ba còn đi xa hơn: “Trong tất cả các giáo hoàng, Đức Phanxicô là số một!” Là người gốc Ba Lan, ông này vội đính chính: “Không, Đức Phanxicô là số hai, Đức Gioan-Phaolô II là số một!”
Trong nhóm nhỏ bé này, người ta thích các giáo hoàng cũng như các hồng y, giám mục, linh mục, nữ tu; tất cả những ai mặc áo dòng và trên đường đi làm, họ ngừng lại để nói chuyện hoặc để cho tiền hay cho áo quần. Ngoài ra họ còn được các dân cư trong khu phố, được nhiều tổ chức Vatican hoặc La Mã trợ cấp, đem đến cho họ thức ăn nóng hoặc thêm chăn mền.
Ở Vatican nhưng lại một mình và trong sự bất an của thành phố
Nhưng các sự giúp đỡ này không phải là tất cả. Khi những người này kể câu chuyện đời họ, thì đồng loạt mỗi người mỗi cách họ kể việc họ xa gia đình.
Đó là trường hợp của ông Mario, 45 tuổi, người Slovaque. Ban ngày anh ngồi trên chiếc gối nhỏ, trong bóng râm của khuôn viên phòng báo chí. Anh để đôi mắt kiếng râm của mình trên chiếc mũ kếp đen, anh không bao giờ cảm thấy cần phải hạ đôi mắt kiếng xuống.
Chiều nay, anh có uống một chút, anh nói về các con của mình mà từ năm năm nay anh không gặp. Anh mong chúng “chấp nhận kết bạn với anh trên Facebook!” Lần cuối khi vào mạng, anh gởi “lời mời kết bạn cho chúng”, như thế anh cũng biết dùng mạng xã hội. Nhưng cả con gái 14 tuổi, con trai 17 tuổi không trả lời cho anh. Anh buồn và nghĩ: Khi bạn bè ở trường hỏi cha làm gì, thì chúng làm sao trả lời? Cha mình ở Vatican à? Và khi bạn hỏi cha sống ở đâu thì chúng sẽ trả lời như thế nào? Ở dưới đất à?
Cookie, con chó nhỏ của anh kéo sợi dây, anh không cho con chó xa mình. “Từ nay nó là gia đình duy nhất của tôi.” Mario lôi ra một ít tiền anh giấu trong cái ví anh cột ở cổ “để mua đồ ăn cho Cookie”. Anh giấu dưới áo để tránh bị phui buổi tối. Đó là nỗi sợ của những người ở ngoài đường phố.
Màn đêm đã buông xuống. Một thanh niên trẻ ngồi ăn một mình, anh dựa vào cánh cửa của phòng báo chí. Gérard, 31 tuổi, người Hà Lan. Hỏi câu gì anh cũng trả lời gọn lỏn: “Tôi không biết.” Không phải anh muốn rút ngắn câu chuyện – anh luôn nhìn chăm vào mắt người đối diện – chỉ là anh không biết thật, anh không biết mình làm gì ở đây, đâu là “con đường của mình”, “ý nghĩa cuộc sống của mình”.
Anh cố gắng giải thích nhưng không được. “Tôi cố gắng không nghĩ gì thêm, không cảm nhận gì nữa.” Ngồi bên cạnh anh, nhìn đền thờ Thánh Phêrô mà cái vòm cao to còn thắp sáng đèn. Chính đền thờ này làm cho anh quyết định đến đây cách đây mười tám tháng. “Lúc đó tôi ở Groningue (Hà Lan) và tôi vừa vào một nhà thờ. Tôi vừa bỏ ma túy.”
Xúc động vì kiến trúc nghệ thuật ở đây, anh bỏ tất cả: ma túy, nhà cửa, bạn bè, nghề đốn củi. “Tôi muốn biết hơn, hiểu nguồn gốc của các nhà thờ hơn. Vậy thì tôi đến đây.” Còn bây giờ? “Bây giờ thì tôi chờ một phép lạ.”
Marta An Nguyễn chuyển dịch