Lịch sử và phục vụ, hai nẻo đường của chân tính Kitô

365

‘Lịch sử và phục vụ.’ Trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ năm 30-4, tại Nguyện đường Nhà trọ thánh Martha, Giáo hoàng Phanxicô nói về ‘hai nẻo đường của chân tính Kitô.’

OSSROM29249_Articolo

Bắt đầu với ‘lịch sử;, giáo hoàng Phanxicô nói rằng thánh Phaolô, thánh Phêrô, và các môn đệ khác ‘không tuyên xưng Chúa Giêsu ngoài lịch sử: Họ công bố Chúa Giêsu trong lịch sử của một dân tộc, dân mà Thiên Chúa đã dẫn dắt qua nhiều thế kỷ để đi đến … sự viên mãn của thời gian.’ Thiên Chúa đi vào lịch sử và vào cuộc lữ hành với dân Ngài:

‘Kitô hữu là một người trong lịch sử, bởi người đó không chỉ liên quan trong bản thân mình, nhưng người đó ở trong một dân tộc, dân trên đường lữ hành. Không thể hình dung sự ích kỷ Kitô giáo, không, không thể. Kitô hữu không phải là một người có đạo trong phòng thí nghiệm, Kitô hữu là một người có đạo ở trong một dân tộc, với lịch sử lâu dài và tiếp tục trên đường lữ hành cho đến khi Chúa lại đến.’

Đây là ‘lịch sử của ân sủng, nhưng cũng là lịch sử của tội lỗi.’

‘Quá nhiều người có tội, quá nhiều tội ác! Ngày hôm nay, thánh Phaolô nhắc đến vua Đavid, một vị thánh, nhưng trước khi là một vị thánh, vua là một người mắc tội nặng nề. Một tội nhân lớn. Lịch sử của chúng ta phải tính đến cả thánh nhân lẫn tội nhân. Lịch sử riêng của tôi, lịch sử của từng người trong chúng ta, phải tính đến tội lỗi của mình, các tội của mình, và có cả ân sủng của Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đồng hành với chúng ta trong tội của chúng ta đẻ tha thứ và đồng hành cùng chúng ta trong ân sủng. Không có chân tính Kitô, mà không có lịch sử.’

Nẻo đường thứ hai của chân tính Kitô là phục vụ. ‘Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, mời họ hãy làm những gì Ngài đã làm: là phục vụ:

‘Chân tính Kitô là phục vụ, chứ không phải ích kỷ.’ ‘Nhưng cha ơi, chúng ta ai ai cũng ích kỷ.’ À, thật thế? Đây là một tội, một thói mà chúng ta phải thoát ra. Hãy xin tha thứ, để Chúa biến đổi chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để phục vụ. Là Kitô hữu không phải là vẻ bề ngoài, hay đức hạnh xã hội, không phải là tô son điểm phấn cho linh hồn, bởi linh hồn cần đến một vẻ đẹp cao vượt hơn nữa. Là Kitô hữu là làm những gì Chúa Giêsu đã làm: phục vụ.’

Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta hãy hỏi mình, ‘Trong lòng tôi, tôi có thể làm được gì thêm nữa? Tôi có bảo người khác phục vụ tôi, tôi có lợi dụng người khác, lợi dụng cộng đoàn, giáo xứ, gia đình và bạn bè tôi? Hay tôi phục vụ, tôi có phục vụ mọi người hay không?’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng