CNA – Andrea Gagliarducci – 27/4/2015
Trong một diễn văn năm 2012, Giáo hoàng Phanxicô giải thích ý nghĩa nội tại của ‘thần học quần chúng,’ nhấn mạnh rằng lòng mộ đạo bình dân là phản đề cho sự thế tục hóa đang lan rộng.
Bài diễn văn này mới được phát hành lần đầu tiên trên ấn bản tiếng Ý quyển sách ‘Dẫn nhập vào Thần học Quần chúng’ của thần học người Argentina, Ciro Enrique Bianchi, một học trò của Victor Manuel Fernandez, hiệu trưởng Đại học Công giáo Argentina, và là một cộng sự thân cận của Giáo hoàng Phanxicô.
Quyển sách này được xem là một tiểu sử thần học và linh đạo của tư tưởng gia Rafael Tello, người Argentina, được xem là một trong những người sáng lập ‘thần học quần chúng’ mà Giáo hoàng Phanxicô rất quý trọng.
‘Thần học quần chúng’ phổ biến ở Argentina như một thay thế cho thần học giải phóng cực đoan. Trong khi các thần học gia giải phóng nhìn hướng mắt về chủ nghĩa Marx, diễn dịch theo Tin mừng kiểu nội tại, thì thần học quần chúng được thiết lập trên nền văn hóa và lòng sùng kính của quần chúng thường dân, bao gồm linh đạo và ý thức về công lý.
Tổng Giám mục Buenos Aires, hồng y Bergoglio đã viết đề tựa cho quyển sách nguyên bản tiếng Tây Ban Nha về ‘thần học của quần chúng’ và đã có bài diễn văn trong buổi giới thiệu sách. Bài diễn văn này tập trung vào ‘đức tin của những người dân khiêm hạ’ và đã được dùng lại trong ấn bản tiếng Ý, đăng trên tờ nhật báo của các giám mục Ý, hôm 27 tháng 4.
Hồng y Bergoglio viết rằng châu Mỹ La tinh được định hình bởi sự nghèo khó và Kitô giáo, và đạo Kitô được thể hiện bằng nhiều hình thức da dạng đủ màu sắc của lòng mộ đạo bình dân, như việc rước kiệu, kinh đêm, và các buổi cầu nguyện chung.
‘Khi chúng ta đến với người dân bằng cái nhìn của mục tử tốt lành, khi chúng ta không đến để phán xét nhưng để yêu thương, chúng ta có thể thấy được rằng cách thể hiện đức tin Kitô giáo này vẫn đang có giữa chúng ta, đặc biệt nơi những người nghèo của chúng ta.’
Giáo hoàng Phanxicô giải thích rằng khái niệm này được tiến triển theo năm tháng: lúc đầu được gắn mác là ‘tôn giáo bình dân,’ rồi chân phước Phaolô VI đã gọi là ‘lòng mộ đạo bình dân’ và cuối cùng văn kiện Aparecida năm 2007 gọi là ‘linh đạo bình dân.’
Aparecida là hội nghị chung lần thứ năm của các giám mục Mỹ La tinh, và văn kiện đúc kết của hội nghị này xác định các vấn đề chính mà Giáo hội ở đây đang đối diện, tập trung vào việc truyền giáo.
Theo hồng y Bergoglio, ‘linh đạo bình dân là cách thức nguyên sơ, qua đó Thần Khí dẫn dắt và tiếp tục dẫn dắt hàng triệu anh chị em chúng ta,’ và điều này cũng được nhìn nhận rõ trong văn kiện Aparecida.
Giáo hoàng kể lại rằng, ‘4 ngày trước khi bỏ phiếu quyết định, đã có đến 2400 sửa đổi cho bản thảo được gởi đến, và phải giải quyết trong vòng vài ngày ngắn ngủi này,’ nhưng chương về linh đạo bình dân ‘chỉ có 2 đến 3 người muốn sửa đổi, và đều là về văn phong, một sửa đổi thứ yếu mà thôi.’
‘Chương này được thông qua, mà không sửa đổi gì, và ‘đây là một dấu chỉ’ cho các giám mục.’
Tổng Giám mục Buenos Aires đã xác định ‘lòng mộ đạo bình dân là tiết lộ ký ức của một đoàn dân’ và nhấn mạnh điển hình José Gabriel Brochero, một linh mục Argentina được phong chân phước vào tháng 9, 2013.
Giáo hoàng Phanxicô kể lại về 2 năm ngài làm cha giải tội ở nhà Cordoba của Dòng Tên, ‘nơi trung tâm thị trấn, bên cạnh trường đại học,’ nơi ngài nghe xưng tội từ ‘các sinh viên đại học, giáo sư, và người dân ngoại ô đến thành phố xưng tội bởi linh mục quản xứ của họ không có thời gian ngồi tòa ngày chúa nhật, bởi phải cử hành các thánh lễ liên tục.’
Hồng y Bergoglio nói rằng, ngài để ý thấy trong số những người đến xưng tội ‘có những người xưng rất tốt, họ chỉ nói những gì cần thiết, không nói gì hơn ngoài những tội mình đã phạm, và họ không khoác lác, họ nói với lòng khiêm nhượng hết sức.’
Có một lần, cha Bergolio hỏi một người xem anh từ đâu đến, và anh trả lời: ‘Từ Traslasierra,’ nơi cha Brochelo rao giảng. Vậy thì ‘có một ghi nhớ giáo lý của cha Cura Brochelo nơi một đoàn dân, những người thể hiện ra nơi Bí tích Hòa giải.’
Giáo hoàng Phanxicô thêm rằng, ‘lòng mộ đạo bình dân đến từ ký ức của dân,’ và ‘là một Giáo hội Công giáo chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, thì chúng ta phải biết và cảm kích văn hóa sống Tin mừng của họ.’
‘Thật tốt và cần thiết khi thần học biết lo đến lòng mộ đạo bình dân’ bởi đây là ‘kho tàng quý giá của Giáo hội Công giáo Mỹ La tinh, như Đức Bênêđictô XVI đã tuyên bố khi ngài mở Hội đồng Aparecida.’
Cuối cùng, hồng y Bergoglio xác nhận rằng, ‘khi chúng ta đến với người nghèo để đồng hành với họ, chúng ta hiểu rằng họ sống trong một ý thức siêu việt, vượt khỏi những khó khăn lớn thường nhật. Có thể nói, chủ nghĩa tiêu thụ chẳng xáp lại gần họ được.’
Cuộc sống của họ, ‘vươn đến một sự vượt trên đời này. Một đời sống dựa vào một Đấng, và đời sống này thế nào cũng được cứu rỗi. Đây là những gì chúng ta thấy được nơi sâu thẳm của quần chúng, ngay cả khi họ không thể hiện ra được.’
Cuối cùng Giáo hoàng Phanxicô nói rằng, ‘ý thức siêu việt về đời sống thoáng hiện trong Kitô giáo bình dân chính là phản đề cho chủ nghĩa thế tục đang lan tràn trong xã hội hiện đại.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch