Catholic Herald – Ellen Vaughn – 02/4/15
Giữa rác rưởi và tuyệt vọng ở những khu ổ chuột tồi tàn nhất Cairo, một ‘bà áo trắng’ tầng lớp trung lưu, cảm nhận tiếng gọi của Chúa muốn mình bảo vệ những trẻ em đi nhặt rác mưu sinh.
Đây là một nơi dường như không có hi vọng. Nó đã tồn tại ở ngoài rìa Cairo suốt nhiều thế hệ, một mê cung những con đường hẹp, tối tăm đổ nát, hằn dấu chân lừa kéo những chiếc xe gỗ chất cao từng đống rác.
Đây là nơi sinh sống của những ‘người nhặt rác.’ Có khoảng 50 ngàn người như thế. Họ đi nhặt và lục lọi đống rác lớn thải ra từ 22 triệu dân Cairo, và nhặt ra những thứ tái chế được để kiếm vài đồng lẻ mỗi ngày. Họ phân ra thức ăn mục rữa, các tã lót đã dùng, kim tiêm, ly vỡ, nhựa, kim loại và giấy loại. Họ sống giữa nước cống, bệnh tật, và hôi thối. Có một ít nước sạch. Trong nhiều gia đình, bạo lực, nghiện ngập và xâm hại đã thành một lối sống. Điện rất thiếu, nên bóng đêm về đem theo đầy nguy hiểm. Nhiều trẻ em sinh ra ở đây, đã chết trước khi được 5 tuổi. Một số chết đói, một số không qua khỏi bệnh kiết lị. Cư dân ở nơi này được gọi là Zabaleen, trong tiếng Ả-rập nghĩa là dân rác.
Một cậu bé nhỏ tên là Anthony đã cùng gia đình đến đây ở lúc 3 tuổi. Cậu quá nhỏ để biết chuyện rằng, là một Kitô hữu trong một đất nước nơi mà mọi người đều phải đăng ký tôn giáo trên chứng minh thư, cậu thuộc trong nhóm tôn giáo thiểu số. Cậu bé quá nhỏ để hiểu rằng, cha mẹ cậu đã phải bỏ làng ở miền nam Ai Cập, nơi những người Hồi giáo cực đoan đã đốt trụi nhà cậu. Cậu không biết rằng ngôi là Makattam đầy những rác này là một trong những nơi ít ỏi, cha mẹ cậu có thể kiếm được công việc gì đó.
Anthony lớn lên trong mùi hôi thối, trong những hoạt động nhẫn tâm và sự phục hồi đáng kinh ngạc của ngôi làng rác này. Cậu và 4 anh chị em sống trong một căn phòng nhỏ dưới chân cầu thang trong một căn nhà nhiều tầng đổ nát. Là một thiếu niên, cậu giúp cha mẹ mình thu gom và phân loại rác. Khi được 10 tuổi, cậu thôi học và đi làm nghề ủi áo quần, trong một khu vực, mỉa mai thay, chẳng ai có thể đủ tiền dùng dịch vụ này. Nhưng có một vấn đề là. Người phụ trách tiệm ủi đồ thích Anthony. Ông ta cưỡng bức cậu. Và nếu Anthony không chịu, ông ta lấy bàn ủi dí lên người cậu bé. Anthony kinh sợ ban đêm, khi gã mò đến. Cậu bé bị bàn ủi dí đầy người. Cậu không có lối thoát.
Nhưng một phụ nữ đầy kiên quyết đã giúp cậu. Người phụ nữ trong chiếc áo thun màu trắng, váy trắng, và khăn choàng trắng, đã nghe về cảnh ngộ của Anthony. Một đêm, khi cậu bị lên cơn sốt, mê sảng, nằm vật trên nền đất nhớp nhám, cam chịu địa ngục trần gian này, thì bà và các bạn đã xuất hiện. Bà đưa cậu về nhà mình, xa khỏi khu ổ chuột. Bà mời bác sỹ đến khám cho cậu. Suốt một tuần, bác sỹ đến đều đặn và chữa lành các vết thương cho cậu. Bà tự tay cho cậu ăn để cậu dần lại sức … khỏe mạnh hơn bao giờ hết.
Bà chuyện trò với cậu trên giường bệnh. Bà đắp khăn lạnh lên trán cậu. Bà khóc. Anthony cảm thấy những giọt nước mắt của bà cũng hòa chung với nước mắt của cậu. Rồi bà nói một chuyện khiến cậu sững sờ. Bà nhẹ nhàng cầm tay cậu và xin cậu hãy xem như bà là người đã tấn công và xâm hại cậu, mà tha thứ. Cậu không biết phải nghĩ thế nào.
Bà áo trắng như một thiên thần, bà cho cậu thấy những điều mà cậu chưa từng thấy. Phẩm giá. Hi vọng Tha thứ.
Lần đầu tiên tôi gặp ‘bà áo trắng’ là hồi đầu thu năm 2013. Bà tên là Maggie Gobran, một doanh nhân Ai Cập tầng lớp trung lưu, và là giáo sư đại học. Bà đã cảm được tiếng Chúa thúc đẩy bà theo con đường sống giúp đỡ, bảo vệ và tăng sức cho những người nghèo nhất trong số người nghèo.
Nhiều năm về trước, Maggie một Kitô hữu với ý thức xã hội, đã cùng với một số bạn bè trong giáo xứ, đến thăm những khu ổ chuột rác rến ở Cairo nhân dịp Giáng Sinh và Phục Sinh. Trong chuyến viếng thăm, bà thấy có gì động đậy giữa đống giấy vụn. Ba nhẹ nhàng bới đống rác lên, thì thấy một đứa trẻ nhỏ xíu. Lòng bà thắt lại. Bà bắt đầu dành nhiều thời gian hơn với khu ổ chuột, làm quen với các trẻ em ở đây. Họ bắt đầu gọi bà là ‘Mẹ Maggie’ và từ đó, cuộc đời tiện nghi, ổn định của Maggie bắt đầu thay đổi.
Cuối thập niên 1980, Maggie và chồng mình, Ibrahim, mở một trung tâm mục vụ lấy tên là Con cái Stêphanô, theo tên vị tử đạo tiên khởi trong Tân Ước. Ngày nay, tổ chức Con cái Stêphanô giúp đỡ các trẻ em nghèo ở những khu ổ chuột rác rến tại Cairo và vùng phụ cận, đem đến của ăn vật chất và tinh thần, giáo dục, đào tạo, y tế, yêu thương và chăm sóc cho các trẻ em như Anthony, những đứa trẻ chưa từng biết đến hi vọng là gì. Đến hôm nay, tổ chức Con cái Stêphanô đã giúp đỡ được hơn 30 ngàn trẻ em và gia đình. 20% trong số 1500 nhân viên và tình nguyện viên trong tổ chức đã chính là những em nhỏ từng được tổ chức giúp đỡ khi còn nhỏ.
Lần đầu tôi gặp Mẹ Maggie, Ai Cập còn trong hỗn loạn. Tổng thống Mohammed Morsi, thuộc nhóm Huynh đoàn Hồi giáo, đã bị phế truất bởi cuộc tuần hành của hơn 30 triệu công dân Ai Cập. Một chính phủ lâm thời được lập.
Ở Ai Cập, khoảng 90% là người Hồi giáo, và 10% là Kitô giáo. Tỷ lệ này được tái hiện trong các cuộc biểu tình chống chính quyền của ông Morsi. Nhưng giữa hỗn loạn sau khi Morsi bị phế truất, chính những Kitô hữu phải gánh chịu cơn thịnh nộ của những người cực đoan ủng hộ ông. Các nhà thờ, trường học, tu viện, hiệu sách và điểm kinh doanh của người Kitô giáo ở Cairo và các thành phố khác bị tấn công, cướp bóc, và đốt trụi. Trong đó có cả các trường mẫu giáo của Mẹ Maggie nữa.
Nhưng giữa đống tro tàn của các nhà thờ bị đốt trụi ở Ai Cập, xảy đến một sự đáng kinh ngạc. Ở thành phố này đến thành phố khác, các biểu ngữ được giăng lên trên các tòa nhà đổ nát. Các bức tường cháy đen được vẽ lên những thông điệp dành cho các kẻ tấn công.
Và thông điệp gì? ‘Chúng tôi tha thứ!’ ‘Chúng tôi vẫn yêu mến bạn!’ Và trên bức tường cháy của một cô nhi viện bị phá hoại là câu: ‘Bạn muốn làm hại chúng tôi, nhưng chúng tôi tha thứ. Thiên Chúa là tình yêu. Tất cả vì sự tốt lành.’
Mẹ Maggie Gobran đến từ một nền văn hóa khiến nhiều người trong chúng ta phải sững sờ. Giữa một thế kỷ đầy xung đột và tử đạo, là một tâm thức tha thứ, hi vọng, và dũng cảm. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ các anh chị em đang bị bách hại, chỉ vì đức tin của mình. Mẹ Maggie nghĩ về các giá trị của phương Tây theo một cách khác. Cựu giám đốc điều hành tiếp thị này không có bất ý tâm thức thăng tiến hay quan hệ công chúng nào trong việc mục vụ của mình. Bà không tiếp rước các nhà hảo tâm phương Tây đến thăm Cairo. Sự chú tâm của bà luôn luôn hướng đến các trẻ em.
Trong đó có một cô bé nhỏ tên là Gigi. Một ngày nọ, Gigi đến với một trạm của tổ chức Con cái Stêphanô ở làng rác. Cô bé đến với một tương lai đầy tươi sáng. Và Mẹ Maggie, như thường lệ, rửa chân cho Gigi và nhẹ nhàng hôn cô bé.
Hai tuần trước, Gigi còn ở nhà mình trong làng rác. Một vài gia đình không đủ khả năng chi trả tiền điện và máy lọc nước. Việc của Gigi là giúp đẩy rác vào máy xé rác khổng lồ. Đột ngột, cơ thể nhỏ bé của em bị cuốn vào máy. Kêu thét hoảng loạn, bé được anh mình kéo ra khỏi hàm răng máy. Cô bé được cứu sống, nhưng không hoàn toàn. Cỗ máy đã tước mất cánh tay phải của bé đến tận vai.
Bạn có thể hình dung được, cô bé nhỏ bị thương tật này sợ hãi đến đâu. Cô bé sợ hãi mọi thứ. Còn quá nhỏ, và bị tổn thương. Và cô bé là đứa trẻ đầu tiên sợ cả Mẹ Maggie.
Mẹ Maggie kể lại, ‘Tôi khóc suốt. Tôi quá kinh hãi khi nghĩ đến những kẻ thù của linh hồn con người muốn cướp, muốn trộm và phá hủy, thậm chí khiến cô bé nhỏ này mất đi một phần thân thể, đến nỗi cô bé không còn cảm thấy chút gì là bảo vệ và an toàn nữa.’
Mẹ Maggie cầu nguyện khẩn thiết cho Gigi. Rồi bất ngờ một ngày, cô bé lại đến trại của tổ chức. Maggie gọi Gigi đến trước nhóm, và vòng tay ôm lấy cô bé. Tôi thấy một cô bé nhỏ với mái tóc rối và một cánh tay, giờ được chữa lành. Mẹ Maggie thấy nhiều hơn thế. Mẹ Maggie mừng không kìm nổi. ‘Đây là món quà tuyệt vời nhất mà tôi có thể nhận được, khi cô bé lắng nghe lúc tôi nói, mỉm cười với đám trẻ khác, và ngước mắt nhìn tôi.
Tôi muốn ôm và hôn em trước tất cả mọi người, mà nói rằng ‘Ôi! Mẹ đã mơ, và nghĩ đến bé suốt. Và giờ bé ở đây rồi!’ Cuối cùng, tôi thấy Gigi có thể cảm được lòng tôi. Cô bé có thể cảm nhận được rằng tình yêu thắng vượt nỗi sợ.’
Mẹ Maggie tin rằng nếu bạn dạy dỗ một đứa trẻ theo các nguyên tắc của Kinh thánh, thì Lời Chúa sẽ ở trong các em suốt cuộc đời. Tất cả mọi trẻ em ở trường của bà đều nhớ các câu Kinh thánh, với lòng sốt mến.
Tôi nghe những lớp học đọc vang, bằng tiếng Ả-rập trước, rồi bằng tiếng Anh, những câu chân lý bất diệt như: ‘Tôi có thể làm mọi sự nhờ Chúa Kitô tăng sức cho tôi! Philliphê 4, 13’
Dù hầu hết mọi người chưa từng nghe về Gigi, hay về Anthony, hay về các con cái khác của Mẹ Maggie, nhưng hẳn cả thế giới đã từng nghe một số con cái của Mẹ. Trong số 21 thanh niên Kitô hữu Cốp bị quân ISIS giết trên bờ biển Lybia hồi giữa tháng 2, có 7 người đã được hiệp hội của Mẹ Maggie yêu thương và dạy dỗ khi còn nhỏ. Họ họ được những chân lý đức tin cao cả. Như Anthony, họ học được về phẩm giá, hi vọng, và tha thứ. Họ học biết được tình yêu Thiên Chúa. Họ nhớ câu kinh thánh trích Philliphê 4, 13. Hai trong số những người tử đạo này, đã dạy học ở các trường của Mẹ Maggie khi lớn lên.
Vậy nên, khi thời gian đã điểm, trên bãi biển Lybia đó, họ không run rẩy sợ hãi trước những kẻ hèn nhát trùm mũ đen sẽ giết họ. Họ nhìn lên, đôi mắt hướng về thiên đàng, và chết mà trên môi vẫn kêu tên Chúa Giêsu. Và lúc đó, họ học biết được hiện thực lớn lao rằng, con người thực sự có thể làm được tất cả nhờ quyền năng bất diệt của Chúa Kitô nâng đỡ chúng ta.
Như người mẹ của Samuel Abraham, 29 tuổi, tử đạo, đã nói rằng: ‘Chúng tôi cảm ơn ISIS. Giờ đây nhiều người tin vào đạo Kitô hơn nữa. ISIS đã cho thấy đạo Kitô là thế nào. Chúng tôi cảm ơn Chúa vì người thân yêu của mình đang ở trên thiên đàng.’
Mẹ Maggie đã đến Washington hồi tháng 3. Trong buổi chuyện trò với các bạn mình, mẹ nói về 21 thanh niên đã chết bởi vì không chấp nhận chối bỏ Chúa Kitô, và đây là một lời thách thức với tất cả chúng ta.
Bằng giọng nhẹ nhàng của mình, mẹ nói, ‘Vấn đề không phải là chúng ta sống bao lâu. Chúng ta không điều khiển được thời gian của mình. Không, vấn đề là ở chiều sâu trong thời gian sống của chúng ta … và chúng ta phải điều khiển được điều này khi chúng ta quyết định thực sự theo Chúa Giêsu.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch