Minh triết và tình bằng hữu của Đức Phanxicô đã làm cho việc đối thoại với Do Thái giáo được tiến triển tốt đẹp

322

lefigaro..com, Jean-Marie Guénois, 20-4-2015 

Phỏng vấn – Sáng thứ hai 20-4, Đức Phanxicô đã tiếp Hội đồng các Giáo sĩ Âu Châu, đại diện cho 600 giáo sĩ khắp các châu lục. Đây là lần đầu tiên có buổi gặp gỡ này do Hội đồng các Giáo sĩ Âu Châu tổ chức. Giáo sĩ người Pháp Moché Lewin, chủ tịch điều hành cuộc hội thảo này trả lời phỏng vấn.

OSSROM27595_Articolo

Đâu là mục đích của buổi gặp gỡ của các giáo sĩ Âu Châu với Đức Phanxicô trong buổi sáng thứ hai này?

Buổi gặp gỡ mà chúng tôi đã mong muốn có với Đức Thánh Cha Phanxicô  diễn ra sau 50 năm tuyên ngôn Nostra Aetate về đối thoại tôn giáo của Công đồng Vatican II. Tuyên ngôn này đã chấm dứt sự mâu thuẫn về mặt thần học và sau hàng bao nhiêu thế kỷ thù hận và ác tâm đối với Do Thái trên thế giới. Với tuyên ngôn này và với các cuộc gặp gỡ ở Đaxi, cuộc viếng thăm của Đức Gioan-Phaolô II ở nguyện đường Do Thái Rôma đã cho phép chúng ta bước đi từ sự “dạy dỗ trong nghi ngờ qua sự dạy dỗ trong kính trọng”, như lời ông Jules Isaac đã viết. Biểu tượng của cuộc gặp gỡ với Hội đồng các  Giáo sĩ Âu Châu (CER), với 600 đại diện Âu Châu sẽ làm chứng cho tiến trình đã đi trong 60 năm qua và cho phép mở ra các bối cảnh mới cho cuộc đối thoại giữa hai tôn giáo đơn thần.

Tại sao phải chờ đến năm 2015 để cuộc gặp gỡ này mới xảy ra, bao nhiêu thời gian đã trôi qua?

Nếu một vài thượng giáo sĩ của CER đã có những cuộc gặp gỡ với các giáo hoàng theo sáng kiến riêng của họ thì Hội đồng các Giáo sĩ chưa bao giờ tiến hành việc gặp các giáo hoàng. Năm mươi năm củng cố các tương quan từ khi có tuyên ngôn Nostra Aetate đã cho phép phát triển một sự hiểu biết hỗ tương và thành công trong việc xóa tan sự ngờ vực mà một vài người còn cảm nhận. Theo truyền thống Do Thái giáo, 50 năm là Yovel: là năm thánh mà theo Thánh Kinh có nghĩa là vĩnh cửu. Mặt khác, vô số các thảm kịch và xung đột giữa các tôn giáo trên thế giới đã làm cho các nhà lãnh đạo tôn giáo thấy đã đến lúc phải dấn thân nhiều hơn và cùng nhau bảo vệ tự do tín ngưỡng và tự do tin theo lương tâm của mình. Thượng giáo sĩ Pinchas Goldschmidt, chủ tịch Hội đồng Giáo sĩ Âu Châu đã có sáng kiến này, để đào sâu và phát triển sự kính trọng hỗ tương và cùng hợp tác với nhau để cùng sống chung hòa bình với nhau trên thế giới.

Giáo sĩ nhận thấy Đức Phanxicô như thế nào?

Ngài gần với giáo hữu, có tinh thần nhân bản sâu đậm và rất là con người. Ngài có khả năng thúc đẩy các ý thức và các cơ cấu, luôn quan tâm đi tìm sự thật. Vừa đây, ngài dũng cảm công nhận có sự diệt chủng người Armênia. Đây không phải là chuyện đi trái với đường hướng chính trị nhưng điều rất quan trọng cho ngày hôm nay, khi mà các cuộc thảm sát ngày càng nhiều trên thế giới, nhất là cuộc thảm sát các tín hữu Kitô ở Trung Đông đã làm cho lương tâm nhân loại xao động, nhưng lại không huy động được bao nhiêu thì việc xác nhận có cuộc diệt chủng này ở đầu thế kỷ 20 là chuyện rất quan trọng. Chúng ta đừng quên câu Hitler nói với các sĩ quan cầm quyền trong quân đội của ông ngày 22 tháng 8-1939: “Nhưng ai còn nhớ cuộc thảm sát người Armênia?”

                                 “Khi một công dân bị xúc phạm vì tôn giáo của mình thì các công dân của các tôn giáo khác cũng thấy mình bị xúc phạm,” Moché Lewin

Đức Phanxicô có tiến hành đáng kể cuộc đối thoại với Do Thái giáo  không?

Tình bạn thân thiết của Đức Phanxicô với giáo sĩ người Argentina Abraham Skorka đã làm cho ngài có dịp đào sâu thần học Do Thái trong vòng hai năm rưỡi qua cuộc đối thoại về minh triết Do Thái-Kitô giáo. Cuộc đối thoại của hai người kéo dài 30 kỳ được vô tuyến truyền hình quay. Họ cũng xuất bản một quyển sách về cuộc đối thoại này. Những nét đặc trưng của Đức Phanxicô, minh triết, tình bằng hữu và tính khiêm tốn chắc chắn đã góp phần vào tiến trình đối thoại với Do Thái giáo .

Giáo sĩ mong chờ gì về hồ sơ của giáo hoàng Piô XII?

Trong quyển sách xuất bản cùng với giáo sĩ Skorka, Dưới Đất Cũng Như Trên Trời, Jorge Bergoglio lúc đó là tổng giám mục Buenos Aires đã viết về Giáo hoàng Piô XII: “Khi mở hồ sơ thì mọi sự sẽ rõ ràng.” Một ngày nào đó, được phép biết được sự thật về vai trò của Giáo hoàng Piô XII trong thời kỳ người Do Thái bị diệt chủng sẽ là một quyết định cho danh dự của Đức Phanxicô.

Cũng đã gần ba mươi năm, lần đầu tiên trong tư cách là giáo hoàng, Đức Gioan-Phaolô II đã đến thăm một nguyện đường Do Thái, từ đó các tương quan có thật sự được cải thiện không?

Đương nhiên là có cải thiện dù còn nhiều việc phải làm. Tôi còn nhớ kỷ niệm ngày 12 tháng 9-2008, Đức Bênêđictô XVI đến Pháp, tôi được vinh dự là một trong những người tiếp ngài vào một ngày thứ sáu trước khi vào ngày Sabat. Ngài nói chuyện với các đại diện của Cộng đồng Do Thái Pháp ở nhà Sứ thần Tòa Thánh, ngài trích một đoạn trong sách Talmud về ngày Sabat. Ngài kết luận bài nói chuyện như sau: “Tôi xin chân thành nhắc lại cho gia đình quý vị, cho cộng đoàn quý vị lời Chúc lành đặc biệt của Đức Chúa của thời gian và của Lịch sử. Sabat Chalom!” Một lời chúc lành tuyệt đẹp từ Đức giáo hoàng, cựu bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, đó là điều không thể tưởng tượng được trước khi có bản tuyên ngôn Nostra Aetate.

Các tên sát nhân trong vụ thảm sát ở tòa soạn báo Charlie ở Pháp tháng 1 vừa qua đã tác động đến cộng đoàn Do Thái như thế nào?

Cộng đoàn Do Thái Pháp là cộng đoàn Do Thái quan trọng quan trọng nhất Âu Châu. Khi có các biến cố bi thương xảy ra như biến cố tháng 1 vừa qua ở Pháp thì nó mang tầm vóc Âu Châu, thậm chí là cả thế giới. Sau đó là Toulouse, Montauban và Bỉ, các cộng đoàn Do Thái là mục tiêu của những vụ sát hại, như ở Đan Mạch tháng 2 vừa qua.  Các vụ tấn công này chắc chắn sẽ gây lo ngại cho tương lai của người Do Thái ở Âu Châu. Sắp tới, vào tháng 5, Hội đồng các Giáo sĩ Âu Châu sẽ tổ chức buổi họp hàng năm ở Toulouse, ngoài những ngày tưởng niệm các vụ thảm sát ở Montauban và Toulouse, để tái khẳng định, chúng tôi sẽ quyết tâm theo đuổi các hoạt động của mình với sự cẩn mật và an toàn. Nhà cầm quyền Pháp đã có những biện pháp; tầm mức nghiêm trọng của tình trạng đã phục hồi lại dự án Vigipirate nhằm huy động 10.500 quân đội, lực lượng cảnh sát và cảnh vệ để bảo đảm an toàn cho những nơi dễ bị tấn công.

Giáo hội Công giáo có giúp cộng đoàn Do Thái trong những giai đoạn căng thẳng này không?

Cuộc chiến chống sự bài Do Thái phải được tiếp tục, không bỏ cuộc, khi mà Âu Châu phải đối diện với cao trào theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan, chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa cực đoan. Khi một công dân bị xúc phạm vì tôn giáo của mình thì các công dân của các tôn giáo khác cũng thấy mình bị xúc phạm và họ hành động bằng mọi phương tiện để xóa tan nạn dịch này. Cộng đồng Do Thái phải lên án không dè dặt và phải lặp đi lặp lại rằng, sự thảm sát các tín hữu Kitô là chuyện không thể chấp nhận được. Thượng giáo sĩ Pháp Hạm Korsia thường nhắc lại như trên nhất là trong buổi tưởng niệm vụ Diệt chủng người Do Thái ở nguyện đường Victoire ở Paris tháng 9 vừa qua.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch