RNS – David Gibson – 15/4/15
Vatican đang chuẩn bị tiếp một hội nghị chính về biến đổi khí hậu, ngay trong tháng này, với sự hiện diện của các nhà nghiên cứu hàng đầu về hiện tượng nóng lên toàn cầu, cùng với bài diễn văn khai mạc từ tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon.
Hội nghị lần này là một dấu chỉ khác của giáo hoàng Phanxicô về ‘nghị trình xanh’ và là một đèn đỏ cho những người bảo thủ vốn đang dè chừng một văn kiện huấn giáo của giáo hoàng về môi trường dự kiến ban hành vào mùa hè này.
Hội nghị trong vòng 1 ngày hôm 28 tháng 4 này, sẽ có sự hiện diện từ các tôn giáo chính trên thế giới, và mục tiêu là ‘nâng cao thảo luận về chiều kích đạo đức trong việc bảo vệ môi trường, chuẩn bị cho tông thư của giáo hoàng.’
Một mục tiêu khác là nhấn mạnh ‘mối liên hệ cố hữu giữa tôn trọng môi trường và tôn trọng con người – đặc biệt là người nghèo, người bị loại trừ, các nạn nhân của nạn buôn người và nô lệ thời hiện đại, trẻ em, và các thế hệ tương lai.’
Ngoài bài diễn văn chính của tổng thư ký Ban Ky Moon, các tham dự viên sẽ được nghe trình bày của Jeffrey Sachs, nhà kinh tế học lừng danh người Mỹ và là trưởng Viện Trái đất ở đại học Columbia. Các nguồn tin cho hay những khoa học gia hàng đầu về biến đổi khí hậu cũng sẽ tham dự.
Và trong các bài diễn văn, cũng sẽ có sự góp mặt của hồng y Peter Turkson người Ghana, nhân vật chính trong quá trình soạn thảo tông thư về môi trường.
Tông thư là một trong những văn bản thẩm quyền nhất mà một giáo hoàng ban hành, và những người Công giáo đã vận động hành lang rất mạnh về tông thư này, nhất là những người bảo thủ không muốn có tông thư này, bởi họ tin rằng biến đổi khí hậu đã bị cường điệu quá mức hay nghĩ rằng con người không ảnh hưởng gì nhiều đến khi hậu.
Những người khác thì đơn giản tin rằng Đức Phanxicô không nên xem trọng các vấn đề chuyên ngành khoa học vốn vẫn còn đang trong vòng thảo luận.
Những người bảo thủ Công giáo khác cũng có những chỉ trích tương tự, trong khi số khác thì tìm cách hạ thấp tầm quan trọng các phát biểu của giáo hoàng về môi trường.
Ủy ban Công lý và Hòa bình của Vatican, dưới quyền hồng y Turkson chịu trách nhiệm chuẩn bị bản thảo cho tông thư này, đã là trung tâm chỉ trích của những người hoài nghi.
Những người theo chủ nghĩa tự do và các nhà môi trường, cũng như chính phủ của Obama, đã ủng hộ nghị trình ‘xanh’ của giáo hoàng và hi vọng cũng sẽ Đức Phanxicô sẽ ủng hộ mình.
Bản thân Đức Phanxicô có vẻ không để ý mấy đến các chỉ trích.
Dù hai bậc tiền nhiệm của ngài, Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI và thánh Gioan Phaolô II, cũng đã lên tiếng mạnh mẽ về trách nhiệm của Kitô hữu trong việc bảo vệ môi trường, nhưng Đức Bênêđictô XVI còn lên tiếng thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn, nhất là trong thời điểm biến đổi khí hậu đang trở nên vấn đề nóng bỏng.
Hồi tháng 1, Đức Phanxicô đã nói rằng, ‘Chính con người đang vả vào mặt của tự nhiên. Chúng ta đã phải có trách nhiệm về tự nhiên.’ Đồng thời, ngài tin rằng viêc trái đất nóng lên ‘hầu hết’ là do hành động của con người. Tháng 2, ngài lại lên tiếng, ‘một Kitô hữu không bảo vệ tạo vật… là một Kitô hữu không lo cho công trình của Thiên Chúa.’
Đức Phanxicô cũng đã thể hiện sự thất vọng đối với kết quả của vòng thương lượng quốc tế về cắt giảm khí thải nhà kính, xem là ‘chẳng được gì nhiều.’ Ngài cũng nói rằng mình muốn tông thư này được ban hành đúng lúc để có tác động đến vòng thương lượng tiếp theo, diễn ra tại Paris vào tháng 11.
Hội nghị ở Vatican tháng này có lẽ sẽ là một nỗ lực nữa để tăng cường cho nghị trình bảo vệ môi trường của giáo hoàng.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch