Cách đây một năm ở Vatican – Kerviel và Đức Phanxicô, bên trong cuộc gặp gỡ

508

Paris Match, Arnaud Bédat, 3-3-2015

Từ trái qua phải: luật sư David Koubbi, Jérôme Kerviel và Đức Phanxicô. © Collection A. Bédat
Từ trái qua phải: luật sư David Koubbi, Jérôme Kerviel và Đức Phanxicô. © Collection A. Bédat

Lần đầu tiên ký giả Thụy sĩ, người dàn xếp để có cuộc gặp gỡ giữa cựu nhân viên mậu dịch của Ngân Hàng Lớn (Société Générale) và người đứng đầu một tỷ người Công giáo trên thế giới kể lại những câu chuyện bên trong của cuộc gặp gỡ đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực.

Bức hình là bằng chứng. Cách đây một năm, ở Quảng trường Thánh Phêrô. Jérôme Kerviel, người có số nợ lớn nhất thế giới gặp Đức giáo hoàng Phanxicô với sự hiện diện của ông David Koubbi, luật sư của mình. Chỉ vài phút trong thời gian vô tận đã làm chảy không biết bao nhiêu giấy mực. Chuyện gì chúng ta chưa được nghe? Biểu tượng của giây phút này quá mạnh đến mức nó vuột ra khỏi đầu của nhiều người, kể cả những người trong giới báo chí, chắc chắn họ khá giận vì đã không ở trong bí mật của các vị thần.

Tôi là nhân chứng ưu tiên cho cuộc gặp gỡ “lịch sử” này nhưng tôi cũng là kẻ xúi giục ngoài ý muốn của mình một chút. Ý tưởng nào đã đi qua đầu tôi vào một ngày tháng giêng năm 2014? Có người sẽ cho rằng đây là sức mạnh của tinh thần, nhưng sáng hôm đó, tôi chỉ thấy đây là cơ hội để tôi gặp lại bạn David Koubbi của tôi ở Paris. Ngồi trên xe điện cao tốc đi đến Paris, tôi nhắn tin cho bạn tôi. Anh trả lời ngay lập tức: “Khi nào đến Paris, ghé qua văn phòng tôi ngay lập tức nhé!”.

Ở ngay trung tâm Paris, gần Etoile, văn phòng 28 tháng mười, trụ sở của luật sư là một tổ ong đang sôi sùng sục: “Đến đây, đến đây, tôi sẽ giới thiệu cho anh một người và sẽ cho anh thấy một chuyện”. David đưa tôi về văn phòng của anh. Trong căn phòng, tôi để ý có hai tờ giấy để trên bàn. Từ phía lưng, tôi thấy có một người ngồi và tôi không nhận ra người này:  “Tôi xin giới thiệu, đây là Jérôme Kerviel”.

“Tôi không còn tin ở gì, phải có phép lạ” Jérôme Kerviel

Jérôme Kerviel là cựu nhân viên mậu dịch của Ngân Hàng Lớn (Société Générale), người mang nợ nhiều nhất thế giới – gần 5 tỷ ơrô (vào thời đó, Tòa phá án chưa hủy tiền bồi thường thiệt hại và tiền lời). Anh bắt tay tôi và qua cặp mắt nhìn của anh, anh soi tôi lên máy rọi – anh đã thấy quá nhiều bạn ỡm ờ, nhiều ký giả vô lương tâm. Anh có vẻ thất vọng, cái nhìn lạc hồn.  “Đọc đi”, David đưa tôi hai tờ giấy trên bàn. Và tôi đọc mấy hàng chữ đầu “Trọng kính Đức Thánh Cha…” Đây là bức thư do Jérôme viết, bức thư giống như người ta vứt một cái chai xuống biển. Trước đó vài ngày, anh nói với luật sư của mình: “Tôi không còn tin vào gì nữa hết, phải có phép lạ!”

Bức thư thật cảm động, được soạn thảo với lời lẽ chân tình. “Con là người nợ nhiều nhất mà nhân loại chưa bao giờ có ai nợ như thế, bức thư mở đầu với câu này. Có thể Cha cũng đã biết tên con: chỉ cái tên con thôi cũng đã đủ để nói lên những gì mà lãnh vực tài chánh đã nảy sinh ra những gì xấu nhất”. Hai trang giấy kết thúc như sau: “Không còn một lối thoát nào, con hoàn toàn đặt số phận của con vào tay Cha”.

“Arnaud, bạn biết mọi chuyện về Đức giáo hoàng, tôi gởi thư này về địa chỉ nào?” David biết tôi đang viết một quyển sách về tân giáo hoàng Argentina (*) và tôi đã qua Buenos Aires ba tháng để hỏi chuyện những người thân của ngài. Câu trả lời của tôi bỗng bật ra: “Mỗi ngày ngài nhân hai ngàn bức thư, rất ít may mắn bức thư này sẽ lọt vào tay ngài. Chuyện phải làm là phải đưa thư này đến tận tay ngài”. Câu này đã lôi chúng tôi vào một cuộc phiêu lưu lạ lùng…

Tôi ở một ngày với Jérôme. Chúng tôi tìm hiểu nhau hơn. Tôi chỉ nghe chuyện của anh từ xa và tôi muốn có được xác quyết là anh vô tội. Chúng tôi hiểu nhau ngay. Nhanh chóng chúng tôi trở thành những người bạn không rời nhau.

“Arnaud, khi nào anh ở Rôma, anh gọi số này để gặp Jorge Mario”

Vài ngày sau chúng tôi đến Rôma. Buổi chiều ở khách sạn, Jérôme bị ngăn cản: một hành khách trên máy bay biết anh, họ gởi một tweet đại ý như sau: “Nhưng Kerviel sẽ làm gì ở Rôma?” Tôi thử liên hệ lần đầu nhưng không thành công, lại còn gây hậu quả tệ hại… Tôi không còn lựa chọn nào: tôi phải dùng số điện thoại quý báu mà em gái của Đức Phanxicô đã cho tôi ở Buenos Aires: “Arnaud, khi nào anh ở Rôma, anh gọi số này để gặp Jorge Mario”. Nhờ số điện thoại này mà bà có thể gặp trực tiếp anh mình. Ngồi ở quán cà phê ở Quảng trường Leonina, tôi nóng ruột gọi số này.

Tôi tự giới thiệu và nhắc đến những người bạn chung ở Argentina đã giới thiệu tôi. Người bên kia giây nói tôi đến gặp ông ngay ở Văn phòng Quốc vụ khanh. Tôi đi vào bằng cánh cửa bằng đồng và dùng một trong những thang máy ở Dinh Tông Tòa, chiếc thang máy mà bao nhiêu lãnh tụ Quốc gia đã dùng từ Fidel Castro đến Barack Obama. Tôi nói đùa với người gác thang máy để thư giãn. Khi nghe tôi nói tiếng Pháp, ông thố lộ cho tôi biết, ông “cũng đưa” cựu tổng thống Pháp Sarkozy lên gặp Đức giáo hoàng bằng thang máy này.

Đến đúng tầng, một Cận vệ Thụy sĩ chào tôi và chỉ cho tôi đường đi. Trong nơi thánh ngoại hạng này, tôi đi dọc theo hành lang dài với những bức tường đầy cả các bản đồ của thế giới. Qua cửa sổ là cái nhìn xuống Quảng trường Thánh Phêrô. Và đây là cổng chính. Trước mặt tôi là một người chăm chú có nụ cười dè dặt. Tôi giải thích những gì chúng tôi mong đợi và đưa bức thư của Jérôme Kerviel để ông hứa với tôi sẽ đưa Đức giáo hoàng đọc trong vài giờ sau đó. Ông nói tôi “ngày mai” trở lại với Jérôme và David. Ông muốn biết họ.

Sau khi cùng đám đông tham dự buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ tư, xế trưa hôm đó chúng tôi ở nơi thánh của các thánh: văn phòng Phủ Quốc vụ khanh, giám chức Giáo triều thân cận nhất của Đức Thánh Cha. Chúng tôi đi qua cửa bằng đồng. Trong căn phòng chờ nhỏ, một nhân viên chạy giấy đưa chúng tôi vé vào cửa quý báu.

“Xin ông có mặt thứ tư tuần sau ở Rôma. Tôi chờ ông ở cửa Thánh Annà lúc 9 giờ sáng.”

Ở tầng thứ ba và tầng cuối, cách các phòng riêng của Đức giáo hoàng vài mét, chúng tôi kiên nhẫn chờ một chút trước khi được người liên hệ với chúng tôi gặp. Sau khi giới thiệu, Jérôme kể câu chuyện của mình và thố lộ ước mong mãnh liệt được gặp Đức giáo hoàng.

“Tôi sẽ lo cho các ông” người lo cho chúng tôi đơn giản trả lời. Ông không cho một kỳ hạn nào. Chúng tôi hiểu mình phải kiên nhẫn.

Vài ngày sau, khi tôi đang ở trên một trong những con đường ở Genève thì có tin nhắn trên điện thoại cầm tay: “Xin ông đến Rôma thứ tư tuần sau. Tôi sẽ chờ ông ở cửa Thánh Annà lúc 9 giờ sáng”.

Sung sướng như những đứa con nít, chúng tôi lại đi Rôma tối thứ ba, trước ngày hẹn trọng đại một ngày. Chúng tôi ăn ở tiệm ăn Borgo Pio, tiệm này trở thành đại bản doanh của chúng tôi. Jérôme Kerviel chưa tin là chúng tôi sẽ gặp Đức giáo hoàng. David được giao nhiệm vụ thông dịch vì anh biết nói tiếng Tây Ban Nha. Cuối buổi ăn, Jérôme đưa ra thách thức cho chúng tôi: “Nếu Đức giáo hoàng trả lời câu hỏi tôi đặt ra một cách tích cực thì tôi sẽ đi bộ về Paris”.

Chúng tôi nghĩ là anh nói đùa nhưng anh rất nghiêm túc. Người Breton cứng đầu này đã chín chắn trong dự trù của mình mà không nói cho chúng tôi biết: anh không mua vé khứ hồi. Và đó là lý do vì sao ý tưởng điên cuồng này được thành hình. Theo các chuyên gia tư vấn ngành truyền thông của nhiều hãng tin tức thì đây không phải là ‘phi vụ’ được dự trù một cách khôn ngoan.

Ngày hôm sau, ngày thứ tư 19 tháng 2, chúng tôi ở cửa Thánh Anna. Họ cho chúng tôi vé vào cửa số 45. Chúng tôi ở hàng đầu tiên theo tiếng lóng của những người ở Vatican. Đó là nơi ưu tiên nhất: chúng tôi chắc chắn, sau buổi tiếp kiến chung, chúng tôi có thể bắt tay Đức giáo hoàng và nói với ngài vài câu.

“Nếu Đức giáo hoàng trả lời câu hỏi tôi đặt ra một cách tích cực thì tôi sẽ đi bộ về Paris”.

Khi Đức giáo hoàng đến gần Jérôme Kerviel và David Koubbi, cái bắt tay thật nồng ấm. Ngài lắng tai nghe và đương nhiên ngài biết mình đang nói chuyện với ai.

Đức Phanxicô, David Koubbi và Jérôme KervielNgười “giao liên” của chúng tôi đã giải thích cho ngài công việc. Họ nói gì với nhau? Tôi là người duy nhất biết điều này, với Jérôme và David, và đương nhiên là cả Đức giáo hoàng. Chuyện này đã được thoả thuận là giữ trong bí mật. Nhưng chỉ vài phút ân sủng vượt ngoài thời gian có nghĩa là Đức Phanxicô, người hiện nay được yêu mến nhất thế giới, nâng đỡ cho cuộc đấu tranh để bảo vệ sự thật của cựu nhân viên mậu dịch của Ngân Hàng Lớn. Đối với ngân hàng, đây là một sự sỉ nhục: cuộc gặp gỡ này đưa vào hư không hàng tháng làm việc, hàng triệu ơrô đầu tư để thuyết phục dư luận rằng Kerviel là người lừa đảo và là một tên bịp.

Jérôme và David gần như khóc sau buổi gặp này. Họ nắm trong tay tràng chuỗi Đức Phanxicô tặng họ. Tràng chuỗi của David không còn rời văn phòng của ông nữa, ông móc ở cây đèn trên bàn làm việc như một cái bùa. Jérôme thì để trong xắc của anh: anh muốn đi bộ đến Bretagne để đưa tận tay cho mẹ. Chiều hôm đó, tôi thảo một câu tweet báo cho mọi người cuộc gặp gỡ giữa Kerviel và Đức giáo hoàng. Từ đó, bộ máy truyền thông vào việc. Nhưng Jérôme không giao động trước cuộc tranh luận đang nổi lên ở Pháp. Ba ngày sau cuộc gặp gỡ lịch sử, khi tôi vừa về nhà ở Thụy Sĩ, anh gởi tin nhắn cho tôi: “Tôi đang còn ở Quảng trường Thánh Phêrô, tôi sẽ đi”. Không có một nhiếp ảnh gia nào lúc đó để bất tử hóa giây phút anh lên đường, mà người ta đã chỉ trích nhiều chuyện làm rùm beng này trên truyền thông.

Quan hệ giữa Jérôme, David, tôi và Đức giáo hoàng vẫn tiếp diễn đến ngày hôm nay. Các tin nhắn được trao đổi thường xuyên. Cùng với Jérôme và David, chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại Rôma. Công việc của họ trong vòng bảy năm nay thật kiên trì. Nhưng tôi không thể không vui khi nghĩ, ngày hôm đó ở Rôma đã có một phép lạ nhỏ. Bằng chứng? Một tháng sau cuộc gặp của chúng tôi ở Vatican, Tòa Phá án hủy món nợ 4,9 tỷ ơrô đè nặng trên đôi vai của Jérôme Kerviel…

(*) Arnaud Bédat, “Phanxicô, giáo hoàng Argentina, đời sống thân mật của ngài do người thân của ngài kể”, Nhà xuất bản Pygmalion, 2014.

Marta An Nguyễn chuyển dịch