Hình mẫu trường Công giáo cho quốc gia

447

Global Sisters Report – Thomas C.Fox – 05/3/15

Lớp học ở Trường Miễn phí Ánh Linh
Lớp học ở Trường Miễn phí Ánh Linh

Xơ Bùi Thị Kim Ngọc thuộc dòng Đức Bà (Notre Dame) là một linh hồn vui tươi. Xơ có cá tính sôi nổi và cười nhiều khi vấp những chữ tiếng Anh, và cười vì những nhầm lẫn của mình. Bạn không thể ngồi với xơ vài phút mà không thấy lòng phơi phới hăng hái.

Ở tuổi 38, xơ Kim Ngọc đang là hiệu trưởng của trường Miễn phí Ánh Linh ở thành phố hối hả Hồ Chí Minh, hay một thời mang tên Sài gòn. Trường này được điều hành bởi dòng của xơ, cho dù giáo dục tư nhân đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 1975. Khi quân đội miền Bắc tràn vào Sài gòn và tuyên bố thống nhất dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, khoảng 400 trường học và bệnh viện Công giáo đã bị đóng cửa, đồng thời các nữ tu bị cấm không được dạy dỗ gì ngoài các lớp giáo lý trong giáo xứ.

Dần dần chính quyền đã nới lỏng. Ngày nay, các nữ tu Công giáo chỉ được phép mở các trường mẫu giáo.

Nhưng trường Ánh Linh là ngoại lệ, khi được dạy cho 221 học sinh tiểu học và trung học, tuổi từ 7 đến 19.

Trường Ánh Linh là một hiện tượng bất thường. Về mặt lý thuyết, đây không phải là một trường ‘tư’ bởi học sinh không phải trả học phi. Đây là trường ‘miễn phí’ được tài trợ hoàn toàn bởi các quỹ hải ngoại.

Trường Ánh Linh nhận tiền từ các cựu học sinh dòng Đức Bà đang sống ở hải ngoại. Trường cũng nhận tiền từ một tổ chức phi lợi nhuận ở Pháp, và từ tổ chức Cầu nối học hành (Bridges to Learning) ở Minneapolis, Minnesota. Khoảng 55 ngàn mỹ kim trong số 100 ngàn mỹ kim ngân sách của trường là từ tổ chức Cầu nối học hành.

Có một lý do khác khiến cho trường tránh được sự dò soát của nhà nước. Trường này không như tất cả mọi trường công ở Việt Nam, ở chỗ, trường dạy cho những em không có cơ hội đi học, ví dụ như con cái của những cha mẹ đang ở tù, con cái từ các gia đình quá khó khăn đến mức đi học trường công cũng không nổi, và những trẻ e chưa bao giờ được đến trường và bây giờ đã quá tuổi để đi học trường công.

Với vai trò độc nhất vô nhị của mình, trường Ánh Linh đem lại một hình mẫu thể hiện khả năng của các nữ tu Công giáo nếu như họ được hoàn toàn tự do giáo dục và góp phần xây dựng xã hội Việt Nam.

Điều hành trường, thương lượng với chính quyền, làm hiệu trưởng, điều hành chính và kiêm luôn nhà gây quỹ cho trường là một công việc rất nặng đối với một cá nhân. Đó là lý do vì sao cách đây 3 năm, khi được yêu cầu giữ cương vị này, xơ Kim Ngọc đã phải thoái thác. Lúc đó, xơ nghĩ rằng trách nhiệm này quá lớn.

Rồi sau khi nghĩ lại, xơ đã quyết định sẽ thử cố gắng.

Xơ nói rằng có hai niềm tin vững vàng đã cho xơ dũng cảm để nhận lấy ơn gọi này:

  • Đức tin ở Chúa Giêsu
  • Niềm tin ở cộng đoàn dòng mình.

‘Không thể nào làm được việc này mà không có sự hỗ trợ từ Chúa và dòng của tôi.’

Tôi hỏi thêm: ‘Nói cho tôi biết thêm về những niềm tin của xơ đi.’

Xơ kể, ‘Nếu tôi đã không có Chúa Giêsu trong lòng, trong trí, thì tôi không thể điều hành trường này được. Đây là một công việc lớn, một thách thức lớn với tôi. Đôi khi tôi có một vấn đề với giáo viên, với học sinh, với nhà hảo tâm, với chính quyền. Khi đó, không biết phải làm gì, tôi cầu nguyện. Tôi xin Chúa Giêsu hướng dẫn tôi. Và rồi tôi nhờ cậy cộng đoàn mình. Tôi nhờ mọi người hỗ trợ.’

Xơ Kim Ngọc
Xơ Kim Ngọc

Xơ Kim Ngọc làm việc tại trường Ánh Linh kể từ năm 2002. Lúc đầu, xơ dạy toán trong vài năm. Rồi xơ rời trường một thời gian, nhưng đến năm 2012 được gọi lại làm hiệu trưởng của trường.

Năm 1990, các nữ tu Dòng Đức Bà đã đến gặp chính quyền Việt Nam để xin mở một trường ‘miễn phí’ cho các trẻ em nghèo khó, với lớp ban đầu có 17 học sinh. Lúc đầu trường xây dựng trên một chuồng heo cũ, và được dòng hỗ trợ nhờ các món quà từ trường nữ sinh Couvent des Oiseaux do dòng điều hành kể từ năm 1975. (Hơi ngoài lề, vợ của tôi, Kim Hoa, cũng tốt nghiệp từ trường này)

Tổ chức Cầu nối Học hành đã hỗ trợ cho trường Ánh Linh kể từ năm 2004. Gần nửa số học sinh hiện thời được cung cấp các khoản hỗ trợ.

Năm 2006, trường Ánh Linh được chính quyền cho phép mở trường trung học cơ sở, từ lớp 6 đến lớp 9. Năm 2008, trường cũ được dỡ bỏ, và xây dựng trường mới với các phòng học, thư viện, phòng máy tính, phòng hội, một phòng ngủ 20 giường cho các nữ sinh, và 2 phòng khách.

Xơ Kim Ngọc cùng với 11 xơ Dòng Đức Bà khác, lo việc dạy dỗ, bảo ban, và lo chuyện ăn uống sức khỏe hàng ngày cho các em. Nhóm này là một phần của cộng đoàn Dòng Đức Bà Truyền giáo ở Việt Nam. Có 90 nữ tu Dòng Đức Bà ở Việt Nam. Các nữ tu khác làm việc ở những vùng nông thôn. Tất cả đều làm việc vì trẻ em, nhất là các em nghèo.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch