lacroix.com, Sébastien Maillard, 2 tháng 3-2015
“Tôi đã quen thu thập các chứng cớ của nạn nhân. Nhưng không phải xử lý 400 trường hợp trong sáu tuần!”
Ở Rôma, bà điều hành một trung tâm mới để giải quyết các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Karlijn Demasure, nữ thần học gia người Bỉ, điều khiển một trung tâm mới được thành lập ở Rôma để bảo vệ trẻ em. Khi còn làm cô giáo, bà Demasure đã tiếp xúc với các cô gái trẻ bị lạm dụng, bà đã đệ trình luận án với đề tài là tháp tùng thiêng liêng cùng với các nạn nhân, trước khi giúp Giáo hội Công giáo xử lý các vụ này. Trung tâm sẽ phát triển trong đường hướng ngăn ngừa và nghiên cứu về “vấn đề nhân bản luôn xảy ra này”.
Các văn phòng được bày biện như chưa được dùng đến, các bức tưòng còn trắng tinh sau một làn sơn mới, các kệ tủ còn thưa thớt. Nhưng các tựa của một vài công việc và các biên bản trên kệ cho thấy công việc đang làm là việc gì. “Trung tâm Bảo vệ Trẻ em” đang thành hình ở trong các trụ sở mới ở Rôma, sẽ lên kế hoạch đào tạo để xử lý và phòng ngừa các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên. Một lãnh vực giảng dạy và nghiên cứu của bà Karlijn Demasure, giám đốc trung tâm. Lý lịch uy tín của nữ giáo sư đại học 60 tuổi này không cản trở bà có một tinh thần đơn giản và hài hước trong buổi nói chuyện. Có thể đó là một cách để bà không bị sự trầm trọng của vấn đề mà bà đã nghiên cứu “từ những năm tháng chín mươi ở Bỉ” xâm chiếm. Ở Louvain, bà Karlijn Demasure trở lại hành nghề sau mười năm ngưng làm việc để ở nhà nuôi dạy bốn đứa con. Trước đó, gia đình bà ở Congo, cựu thuộc địa của Bỉ, nơi chồng bà và bà dạy giáo lý. Năm 40 tuổi bà có bằng tiến sĩ thần học thực hành. Song song đó bà giảng dạy các lớp học về tôn giáo trong các trường trung học flamăng. Là người được các học sinh đến thố lộ tâm sự, trong một câu chuyện, bà khám phá ra một trong các nữ sinh của bà bị cha lạm dụng. “Các nữ sinh khác cũng nói ra, bà nhớ lại. Đó là năm có vụ Dutroux xảy ra.” Từ nỗi đau khổ này phải đứng lên, từ quan hệ với quyền lực phải được thoát ra, từ tha thứ phải đi tìm, bà Karlijn Demasure quyết định lấy chủ đề này làm luận án tiến sĩ của mình. Thần học giải phóng “hướng theo trục là sự mỏng giòn yếu đuối” giúp bà và cả các bài viết của triết gia Paul Ricoeur cũng giúp bà. “Chưa ai nghiên cứu về vấn đề này”, bà nhớ lại. Bà trình luận án năm 2003, luận án còn để trên bàn của bà giữa các sách vở khác. Liên hệ với chủ đề vẫn còn tính cách hàn lâm. Nó chưa nhắm đến Giáo hội: “Đây chỉ mới định nghĩa của một cuộc tháp tùng về mặt tâm lý và thiêng liêng với các nạn nhân chứ chưa xử lý đến hàng giáo sĩ.” Nhưng bà biết họ cũng bao gồm vào, từ khi sự việc bùng nổ ra ở Mỹ, rồi qua Âu châu, đặc biệt là ở nước rất Công giáo là nước Ai-len. Và cuối cùng là ở quê hương bà, nước Bỉ năm 2010. Karlijn Demasure được mời đến làm việc ở hội đồng Adriaenssens, được hội đồng Giám mục Bỉ thành lập sau vụ tai tiếng ấu dâm của chính một giám mục. Một thời điểm “chịu đựng”: “Tôi đã quen thu thập các chứng cớ của nạn nhân. Nhưng không phải xử lý 400 trường hợp trong sáu tuần!”, bà cho biết, lúc đó bà quá giao động vì một núi hồ sơ bất ngờ dồn tới.
Nhưng đức tin của bà không lay chuyển. Đức tin vững chắc này không đến từ cha mẹ bà. Nếu cha mẹ rửa tội cho bà là vì theo truyền thống, nếu cha mẹ cho bà học trường đạo là vì trường đạo tốt. Nhưng đức tin của bà nhờ các nữ tu ở trong các trường này, Karlijn Demasure khám phá ra đức tin và khuôn mặt cởi mở của Giáo hội. “Các nữ tu nói cho chúng tôi về triết gia Sartre và Simone de Beauvoir, bắt chúng tôi đọc Hugo Claus.” Dù không được sự đồng ý của thân phụ, cô gái trẻ cũng cứ đi Louvain để học làm cô giáo dạy môn tôn giáo. Ở đó bà gặp chồng của bà, hiện nay ông làm việc ở Vatican. Bây giờ Rôma mới làm cho họ được sống gần nhau sau nhiều năm xa cách, bà dạy học ở Đại học Thánh Phaolô ở Ottawa, Canada. Trong căn nhà ở miền quê Rôma, hai vợ chồng có thể đón con cái và hai cháu gái về chơi. “Một cháu gái thứ ba sắp sinh”, bà cười nói. Trung tâm của bà Karlijn Demasure thì chưa sinh. Liên kết với Đại học giáo hoàng Dòng Tên Grégoria, văn phòng được chính thức ra mắt ngày 16 tháng 2. Tuy nhiên bước khởi đầu của trung tâm đã bắt đầu từ ba năm trước ở địa phận Munich, sau vụ tai tiếng ấu dâm xảy ra ở Đức. Từ khi chuyển trung tâm về Rôma, về ở “trong lòng Giáo hội”, giáo sư Demasure và nhóm nhỏ gồm 8 người của bà đang xem lại tất cả mọi hồ sơ đào tạo. Một công việc liên kết với Đại học Dòng Tên Mỹ ở Georgetown. Các bài học viễn liên bằng tiếng Anh và tiếng Ý. Nhưng cũng bằng tiếng Pháp nhờ Hội đồng giám mục Bỉ tài trợ. “Mục đích là giúp vùng Phi châu nói tiếng Pháp”, bà Karlijn Demasure cho biết, tháng 4 sắp đến, bà được mời đến Madagascar để đào tạo cho họ. Vấn đề vẫn còn cấm kỵ chưa được nói đến trong một số vùng nhưng Vatican biết là có vấn đề khi thấy các hồ sơ được chuyển đến Bộ giáo lý đức tin. “Vấn đề chưa chấm dứt trong Giáo hội”, bà nhấn mạnh, bà vẫn còn nhận các cuộc gọi trong máy nhắn của mình: “Các lạm dụng vẫn còn xảy ra lúc chúng ta đang nói chuyện.”
Các quy chế đào tạo để đối diện với các vụ lạm dụng
Trung tâm bảo vệ trẻ em ở Rôma đưa ra các mô hình đào tạo tùy từng trường hợp: phát hiện trường hợp bị lạm dụng, nhận ra các yếu tố dẫn đến nguy cơ, hiểu bối cảnh văn hóa, phát triển việc tháp tùng mục vụ cho người bị lạm dụng cũng như cho tác giả lạm dụng, như thế phải có một quá trình đào tạo. Trung tâm khai triển việc nghiên cứu và tổ chức các buổi hội thảo trên tất cả các vấn đề này. Sẽ có những khóa bốn tháng cho các đào tạo viên của các giáo phận muốn đào tạo nhân viên trong các trường Công giáo của mình. Trung tâm sẽ cộng tác chặt chẽ với Hội đồng Giáo hoàng bảo vệ Trẻ vị thành niên do hồng y Sean O’Malley phụ trách.
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch