Gr 17, 5-10; Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6; Lc 16, 19-31
Sự trần tục làm u ám tâm hồn, khiến lòng chúng ta không thể thấy được người nghèo đầy thương tích đang sống ngay sát mình. Đây là thông điệp Giáo hoàng Phanxicô muốn gởi đến các tín hữu trong thánh lễ ban sáng 05-3 tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.
Nói về dụ ngôn người giàu, ‘ăn vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình,’ giáo hoàng nhận định rằng, chúng ta chưa bao giờ nghe nói chuyện xấu về người này, cũng không nói đây là người xấu. Thật sự, ‘có thể đây là một người ngoan đạo theo cách của mình, ông cầu nguyện, có thể là đôi chút, hoặc đến đền thời đôi ba lần mỗi năm để dâng lễ vật và dâng cúng nhiều tiền cho các tư tế, để rồi, với sự yếu hèn của mình, các tư tế mời ông ngồi ở ghế danh dự.’ Họ chẳng để ý đến nơi cửa ông nhà giàu, có người ăn xin nghèo Lazarô, đói khát, mình đầy ghẻ lở, là minh chứng rõ ràng cho sự túng quẫn cùng cực của ông. Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục mô tả tình trạng của người giàu:
‘Khi ông nhà giàu đi phố, chúng ta có thể hình dung được chiếc xe của ông với những cửa kính đen, để người bên ngoài có thể không thể nhìn thấy, nhưng mà chắc chắn cũng là linh hồn ông ta, đôi mắt linh hồn của ông bị bôi đen chẳng thể nhìn ra ngoài. Ông chỉ nhìn vào đời mình mà thôi, và lại chẳng nhận ra chuyện gì xảy đến cho mình. Ông không xấu xa, nhưng ông bệnh hoạn, mắc căn bệnh trần tục, mà trần tục biến đổi linh hồn người ta, khiến họ đánh mất lương tâm về hiện thực. Những linh hồn trần tục sống trong một thế giới giả tạo, do chính tay họ dựng lên. Sự trần tục làm mê muội linh hồn. Đây là lý do vì sao người trần tục không thể nhìn ra thực tế.’
Mà thực tế chính là có quá nhiều người nghèo đang sống ngay giữa chúng ta đây.
‘Quá nhiều người ở đây, đang mang quá đầy khó khăn trong đời, sống chật vật: nhưng nếu tôi mang một tâm hồn trần tục, thì sẽ chẳng bao giờ tôi hiểu được đâu. Một tâm hồn trần tục không thể hiểu được nhu cầu và khẩn thiết của người khác. Bạn có thể mang một tâm hồn trần tục, để đến nhà thờ, cầu nguyện, và làm đủ chuyện. Nhưng Chúa Giêsu, trong bữa Tiệc li, khi cầu nguyện với Cha, đã cầu xin những gì? ‘Nhưng lạy Cha, xin giữ họ khỏi sa vào thế gian, khỏi rơi vào trần tục.’ Sự trần tục là một tội tinh vi, nó còn hơn cả tội, nó là tình trạng tội lỗi của linh hồn.’
Đức Thánh Cha tiếp tục nói về hai phán xét trong dụ ngôn: sự nguyền rủa dành cho người tin vào thế gian, và phúc lành cho người tin nơi Chúa. Người giàu hướng lòng mình xa khỏi Chúa, ‘lòng ông ta trống rỗng,’ một ‘mảnh đất hoang vu độc hại,’ bởi ‘sự thật là, người trần tục chỉ khư khư tính ích kỷ của mình.’ Người trần tục có ‘một tâm hồn bệnh hoạn, quá gắn chặt với cách sống trần tục đến nỗi chỉ có thể được chữa lành khi gặp gian nan nặng nề.’ Giáo hoàng nhấn mạnh rằng, trong khi người nghèo có tên, Lazarô, thì người giàu trong dụ ngôn lại không có tên. ‘Người giàu không có tên, bởi người trần tục đánh mất tên của mình. Họ chỉ là một trong đám đông giàu có, những người chẳng thiếu gì. Người trần tục đánh mất tên của mình.’
Trong dụ ngôn, người giàu chết, và khi thấy mình chịu lửa hỏa ngục, ông xin Abraham gởi ai đó từ cõi chết về để cảnh báo cho các thành viên gia đình ông còn đang sống. Nhưng Abraham nói rằng nếu họ không nghe Moses và các ngôn sứ, thì người chết sống lại họ cũng chẳng chịu nghe đâu. Giáo hoàng nói rằng người trần tục muốn có những dấu chỉ đặc biệt, nhưng ‘trong Giáo hội, mọi chuyện đều rõ ràng, Chúa Giêsu đã nói dứt khoát: Chính Chúa là con đường.’ Nhưng, cuối cùng, vẫn có một lời an ủi:
‘Khi người trần tục khốn nạn đang chịu đau đớn, xin Lazarô đem chút nước giúp ông ta, thì Abraham đã trả lời thế nào? Abraham là hình tượng của Chúa Cha. Vậy Ngài trả lời thế nào? ‘Con ơi, hãy nhớ lại đi …’ Người trần tục đã đánh mất tên của mình, và nếu chúng ta mang một trái tim trần tục, chúng ta cũng sẽ thế, mất đi tên của mình. Nhưng, chúng ta không mồ côi, đến tận cùng, đến thời khắc cuối cùng, vẫn có một niềm tin vững vàng rằng chúng ta có một Người Cha đang chờ chúng ta. Hãy tín thác mình cho Ngài. Ngài nói, ‘Con ơi.’ Nghe đó, ‘con ơi’ dù chúng ta chìm trong trần tục, ‘con ơi.’ Đó, chúng ta không mồ côi.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio English