la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Céline Hoyeau, Samuel Lieven và Sébastien Maillard, Roma, 13-2-2015
Ở Rôma cũng như ở Pháp, bài diễn văn cứng rắn của Đức Phanxicô nói với Giáo triều La Mã ngày 22 tháng 12-2014 đã làm cho nhiều người suy nghĩ sâu xa về “các chứng bệnh thiêng liêng” rình chờ tất cả mọi người đi tu cũng như mọi tín hữu Kitô.
“Âm vang thì rất xấu, trưa hôm đó nhiều người ngủ trưa không được yên tỉnh! Một hồng y có mặt trong phòng Clémentine hôm 22 tháng 12 đã thổ lộ như trên, cho thấy lời chúc của giáo hoàng cho Giáo triều La Mã với bản kê khai 15 chứng bệnh thiêng liêng đã làm cho cử tọa giao động như thế nào. Các lời nói của ngài thường gây sốc về hình thức hơn là nội dung. “Thời điểm nói là đáng chỉ trích, nhất là lúc gần lễ Giáng sinh, giống như nói đến việc phá thai vào đêm Noel; nội dung đã trầm trọng mà nói lúc này thì không đúng lúc,” một giám chức cao cấp của Vatican có mặt hôm đó cho biết. Một người khác nói, “Bài diễn văn này tốt hơn nên đọc lúc bắt đầu vào Mùa Chay.” Một chỉ trích khác về mặt hình thức, bài diễn văn được nói trực tiếp, giới truyền thông loan tin rộng rãi lại ngay tức khắc. Một hồng y khác tiếc là đã “không được nói trong phòng kín giữa chúng tôi với nhau”: “Ngài làm chúng tôi bị xem như kẻ côn đồ.” Một hồng y điều hành một bộ ở Vatican cho biết, điều làm bực mình nhất là bị hiểu lầm có một khoảng trống thiêng liêng ở Vatican. Thực chất, nhiều nhà quan sát trong nhà tu nghĩ rằng, đây không phải là ý của Đức giáo hoàng. Hồng y này kết luận, “đây là một cuộc xét mình cho tất cả mọi người, giống như Đức giáo hoàng đã nói.”
Đối với linh mục Jean-Miguel Garrigues của dòng Đa Minh thì không thể giải thích bài diễn văn của Đức Phanxicô với Giáo triều La Mã mà không có chìa khóa này trong tay: bài tập linh thao của thánh I-Nhã, mà theo đó ngài đã được đào tạo. Ngài nhấn mạnh, “đặt trên nền tảng xét mình theo tiêu chuẩn của một cuộc sống có đòi hỏi cao, các bài tập linh thao có mục đích đưa Phúc Âm vào trong đời sống cụ thể. Rất nhiều tu sĩ và các người thuộc thế hệ Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI thấy mình bị hạ vì ngôn ngữ này, vì họ thấy đây là cách sỉ nhục, cách làm mất uy tín Giáo triều La Mã. Nhưng đối với Đức Phanxicô, chúng ta đi từ một giáo hoàng hàn lâm qua một giáo hoàng Dòng Tên, người muốn dự phòng để chúng ta không bị thói kiêu ngạo thiêng liêng và thói tự mãn. Điều này không phải là không thấy cái tốt đã có trong Giáo hội!” “Đức Phanxicô thấy Giáo triều La Mã như một khuôn mẫu nhỏ của Giáo hội”, phải được làm mới mỗi ngày”, về phần mình, giám đốc Giovanni Maria Vian của tờ báo L’Osservatore Romano cũng thấy như vậy. Đối với sử gia này, bài diễn văn của Đức Phanxicô không thua gì bài diễn văn của Đức Phaolô VI trong lời chúc Noel năm 1963, lúc đó giáo hoàng Phaolô VI cũng đã cảnh báo Giáo triều La Mã.
Đối với nhiều người, “các bệnh” mà Đức Phanxicô chẩn cho Giáo triều La Mã thì không phải chỉ dành riêng cho Giáo triều mà còn dành cho tất cả mọi người. Cũng cùng ngày, Đức Phanxicô có bài nói chuyện với các nhân viên Vatican, ngài nói đến sự cần thiết phải chăm sóc, và đó là điều không tách nhau ra được. Cũng cùng chung nội dung với ý muốn của ngài nêu ra trong lần họp Thượng Hội Đồng Giám mục về Gia đình cuối tháng 10-2014 vừa qua. Trong cả hai trường hợp, đây là những bài diễn văn được chính Đức Phanxicô soạn kỹ và cất kỹ trước khi ngài quyết định đem chúng ra đọc. Một sự cẩn thận cho thấy tầm quan trọng ngài đặt vào đó. Ở Pháp, 15 căn bệnh thiêng liêng mà Đức Phanxicô chẩn là dịp để xét mình lại. “Sẽ là sai lầm nếu chỉ xem bài diễn văn của Đức Phanxicô dưới góc cạnh chính trị hay xã hội. Đặc sủng chính của nó là chạm đến những người ở xa Giáo hội, đó là điều bắt chúng ta tất cả phải hoán cải thật sự. Thông điệp của ngài bao gồm tất cả chúng ta, bất kỳ chúng ta là ai, giám mục Jean-Philippe Nault, địa phận Digne nhận định như trên. “Đương nhiên nội dung thì rất khó nghe: lời chỉ trích thì bao giờ cũng khó nghe. Nhưng nó lại là dịp tốt để chúng ta xét mình, nhất là những người ở cương vị có trách nhiệm mà cũng cả nơi những người phải đối diện với giáo dân”, giám mục Olivier Ribadeau Dumas, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Pháp cho biết. Xét mình cho chính tôi – “Đức Phanxicô đưa cho tôi cái kính soi” -, ngài nêu ra sức cám dỗ của sự khô khéo thiêng liêng: “Khi tôi chịu chức cách đây 25 năm, đó là để tôi làm mục tử chăn dắt đàn chiên! Vậy mà tôi không chăn và tôi khó để sống cuộc sống này. Có thể tôi muốn tìm sự thỏa mãn nơi những chuyện khác như đi tìm danh vọng và quyền lực. Đức Phanxicô nhắc cho tôi nhớ, tôi phải luôn là người phục vụ, chứ không phải người công chức làm tròn nhiệm vụ của mình.”
Về phần mình, chủ tịch Tổ chức tương trợ CCFD-Terre, ông Guy Aurenche cho biết, bài diễn văn này buộc ông phải xem lại cách đối xử theo tinh thần Kitô của mình có đúng không. Chính ông cũng phải thú nhận mình bị cám dỗ theo “chủ nghĩa của thánh Marta”: “Đó là cá tính của tôi. Tôi luôn thấy các chuyện trong lãnh vực xã hội không được thay đổi nhanh cho lắm. Khối lượng công việc, khuynh hướng tích trữ sách vở, các tiết mục trên diễn đàn có thể làm cho tôi quên những chuyện này, nó chẳng có ý nghĩa nếu nó không được tưới tẩm do tương quan của tôi với Chúa.” Giám mục cũng thố lộ mình phải cẩn thận với cám dỗ cho rằng chỉ có Kitô hữu mới được xem là người ‘tiến bộ’, người của sự thật”: “Không bao giờ để điều này dẫn đến việc loại ra các hình thức lắng nghe khác.”
Việc xét mình lại này đôi khi được thực hiện trong cộng đoàn, như ở cộng đoàn Chemin-Neuf, nơi cha Laurent Fabre, một cựu tu sĩ Dòng Tên đã gởi cho tất cả những người độc thân sống đời sống tận hiến khi họ hội họp nhau nhân dịp Noel ở tu viện Hautecombe một bản trong đó cha viết ra 15 bệnh mà Đức giáo hoàng nêu ra: một cột trước mặt cha ghi thêm: “Những vấn đề mà chúng ta có thể đặt ra cho cộng đoàn Chemin-Neuf”, và ở cột cuối để trống để “xét mình cá nhân”. Khi nêu ra cám dỗ của việc làm dự án quá độ, linh mục Fabre nhận thấy “đôi khi chúng ta chuẩn bị quá kỹ cho các biểu đồ tổ chức và các chương trình mà chúng ta quên đi Thần Khí…” Về chứng tâm thần phân liệt trong cuộc hiện sinh, cha ghi nhận việc “trốn vào thế giới ảo, vào Internet cũng là một nguy cơ cho cộng đoàn chúng ta”. Còn về việc “khủng bố bằng việc nói xấu,” cha nhận thấy “không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức là chúng ta nhốt người khác qua các hình ảnh. Tội về ngôn ngữ đôi khi rất vi tế… nhưng nó lúc nào cũng hiện diện”. “Đức giáo hoàng giúp chúng ta biết định danh các bệnh mà chúng ta có thể gặp, cha Bertrand Fayolle của cộng đoàn Chemin-Neuf nhận định. Một vài chứng bệnh thiêng liêng chúng ta bị vướng vào hơn các bệnh khác. Chẳng hạn chứng bệnh cho mình là cốt cán: trong cộng đoàn những người độc thân sống cuộc sống tận hiến như cộng đoàn chúng ta, chúng ta chạy theo nguy cơ là không bao giờ ngừng đủ để cầu nguyện.” Nhân dịp Mùa Chay, linh mục Fayolle đề nghị các giáo dân của giáo xứ Levallois-Perret về phần mình, phải suy nghĩ về bài diễn văn này.
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch