Lặp lại mạnh mẽ thông điệp về sự tận tụy và vươn ra đến những người ở ngoài rìa xã hội, Giáo hoàng Phanxicô nói với các hồng y khắp thế giới rằng, họ không thể là ‘một đẳng cấp khép kín’ hay là các giám chức không hướng về những người bị ruồng rẫy và những người đang cùng quẫn.
Trong bài giảng thánh lễ ngày chúa nhật với khoảng 160 hồng y từ khắp thế giới, Đức Phanxicô một lần nữa vạch ra cho các giám chức cấp cao, lập trường mạnh mẽ về một giáo hội mang đặc nét trước hết là vươn ra tìm kiếm và chào đón người khác, bất chấp tình trạng sống của họ thế nào.
Sự đáng tin của giáo hội và thông điệp Kitô giáo, nằm hoàn toàn ở cách các Kitô hữu phục vụ những người bị xã hội loại ra ngoài rìa.
Đức Phanxicô nói với các hồng rằng, ‘Các anh em thân mến, tôi thúc giục anh em hãy phục vụ Giáo hội, sao cho các Kitô hữu, được mở mang nhờ chứng tá của chúng ta, sẽ không bị cám dỗ hướng về Chúa Giêsu mà không hướng về những người bị ruồng rẫy, sẽ không trở thành một đẳng cấp khép kín và chẳng có chút tính chất hội thánh thực sự nào cả.’
Giáo hoàng thúc giục các giám chức ‘hãy phục vụ Chúa Giêsu chịu đóng đinh, trong mỗi một người ngoài rìa xã hội,’ và phải ‘thấy được Chúa Giêsu hiện diện ngay cả trong những người đã mất đức tin, đã thôi không còn thực hành đạo, hay đã tuyên bố mình là người vô thần.’
‘Chúng ta không tìm thấy được Thiên Chúa trừ phi thực sự đón nhận những người ngoài rìa! Thật vậy, Tin mừng cho những người ngoài rìa, chính là nơi tìm thấy được, và thể hiện sự đáng tin của chúng ta.’
Những lời của Đức Phanxicô trong bài giảng lễ dường như để minh họa một lập trường mới đặc biệt quan trọng về đường hướng làm việc mà ngài mong muốn có nơi các hồng y, hay còn gọi là các ‘công vương’ của giáo hội.
Suy niệm từ bài Tin mừng trích sách Máccô, kể lại việc Chúa Giêsu chạm đến và chữa lành cho người phong cùi, Đức Phanxicô đã có một bài dài bất thường, đến 15 phút, nói về nhu cầu phải biết cảm thương, tìm cách ‘phục hồi’ những người ngoài rìa xã hội, và ‘ngay lập tức đáp lời’ với những người đang bị xã hội bỏ rơi cùng quẫn nhất.
Giáo hoàng vạch ra ‘2 cách nghĩ và giữ đức tin.’
‘Chúng ta có thể sợ mất đi những người đã được cứu, và chúng ta có thể muốn cứu những người đã hư mất. Ngay cả ngày nay, chúng ta vẫn có thể đang đứng ở giao lộ của hai lối suy nghĩ này.
Lối nghĩ của các luật sỹ, vốn loại bỏ mối nguy hại bằng cách xua đuổi những người mắc bệnh. Và lối nghĩ của Thiên Chúa, Đấng với lòng thương xót đã ôm lấy và đón nhận người cùi, bằng cách chữa lành cho anh, biến sự dữ thành sự lành, án phạt thành cứu rỗi, và loại trừ thành thừa nhận.
Hai cách nghĩ này hiện diện xuyên suốt lịch sử Giáo hội: Loại bỏ và phục hồi.’
‘Con đường của Giáo hội, từ thời Công đồng Jerusalem, đã luôn là con đường của Chúa Giêsu, con đường của thương xót và phục hồi.
Điều này không có nghĩa là đánh giá thấp những nguy cơ sói lẻn vào đàn chiên. Nhưng, chúng ta phải chào đón đứa con hoang đàng biết hối lỗi, chữa lành cho các vết thương do bởi tội bằng sự dũng cảm và kiên quyết, xắn tay áo lên chứ đừng đứng trơ trơ mà quan sát thụ động những đau khổ của thế giới.
Con đường của Giáo hội không phải là lên án bất kỳ ai vĩnh viễn, nhưng là đổ tràn dầu thơm thương xót của Chúa trên tất cả những ai xin ơn đó với tấm lòng chân thành.’ Con đường của Giáo hội chính xác là để lại 4 bức tường đằng sau mà đi ra tìm kiếm những ai đang xa cách, những người nằm ‘ngoài rìa’ cuộc sống. Có thể nói, đức mến không thể là kiểu trung tính, lãnh đạm, thờ ơ, hay vô tình vô ý!’ Đức Phanxicô thúc mạnh hơn nữa. “Đức mến lây lan, phấn chấn, liều mình, và dấn thân! Bởi đức mến thực sự luôn luôn không cần công trạng, vô điều kiện và nhưng không, là miễn phí!’
Đức mến sáng tạo trong việc tìm được từ đúng đắn để nói với tất cả những ai bị xem là vô phương cứu chữa, là không thể chạm đến. Mối liên hệ, chính là ngôn ngữ thực sự của truyền thông, là ngôn ngữ trìu mến đã đem lại ơn chữa lành cho người cùi.
Chỉ cần học được ngôn ngữ này mà thôi, là chúng ta có thể làm được biết bao nhiêu việc chữa lành rồi! Người phong cùi, khi được chữa lành, đã trở nên một sứ giả cho tình yêu Thiên Chúa. Tin mừng nói cho chúng ta biết, ‘anh ta đi ra và bắt đầu công bố chuyện này lan truyền cho khắp mọi người.’
Nhắn gởi trực tiếp đến 20 tân hồng y, Đức Phanxicô nói rằng, việc chữa lành người cùi là ‘lý luận, là tâm thức của Chúa Giêsu, và đây chính là con đường của Giáo hội.
Không chỉ chào đón và phục hồi với sự dũng cảm phúc âm hóa cho tất cả những ai đến gõ cửa Giáo hội chúng ta, nhưng còn phải đi ra để tìm kiếmnhững người đang xa cách, với lòng không sợ hãi cũng không định kiến, hãy chia sẻ nhưng không những gì chúng ta đã nhận được nhưng không.’
Giáo hoàng tiếp rằng: ‘Hoàn toàn mở ra với việc phục vụ người khác, chính là dấu xác nhận của chúng ta, chỉ có đây mới là danh tước của chúng ta!’
Đức Phanxicô đã suy niệm trực tiếp về hành động của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay, nói rằng Chúa muốn chạm đến người cùi để ‘phục hồi anh với cộng đồng, mà không bị ‘bủa vây’ bởi những định kiến do não trạng đang thịnh hành hay do lo ngại bị nhiễm bệnh.
‘Chúa Giêsu đáp lời ngay lập tức với lời nài xin của người cùi, Chúa không chờ thêm phút nào để xem xét tình hình hay các hậu quả có thể! Với Chúa Giêsu, những gì có ý nghĩa, trên hết, chính là vươn ra để cứu lấy những người ở xa, chữa lành vết thương của những người bệnh, và phục hồi đưa trở lại tất cả mọi người vào gia đình của Thiên Chúa!’
Đức Phanxicô tiếp, ‘Mà một số người lại thấy chướng tai gai mắt với việc này! Chúa Giêsu không sợ kiểu chướng mắt này!
Chúa Giêsu không nghĩ đến những người mang tâm thức khép kín, những người thấy khó chịu ngay cả với những việc làm chữa lành, thấy khó chịu trước mọi dạng cởi mở, mọi hành động nằm ngoài những chiếc hộp linh đạo và tâm thần của họ, khó chịu trước mọi sự ân cần và âu yếm vốn không hợp với kiểu suy tính thường lệ và nghi thức tẩy uế của họ.’
Nhưng, giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng, ‘Chúa Giêsu muốn phục hồi cho những người bị ruồng rẫy, cứu lấy những người ở ngoài đàn chiên.’
Joshua J. Mcelwee
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Insider