Thiện và ác

501

Trích sách Giáo hoàng của Thế Giới Mới, Michel Cool

Thiện và ác

Đức hồng y tổng giám mục Paris, André Vingt-Trois, đã gợi ý rằng khi ra khỏi mật viện, đức giáo hoàng sẽ đưa ra một hồ sơ có hai mặt, một mặt ngài là người tốt và thánh thiện, có một cảm nhận sắc bén về mặt chính trị và một mặt, ngài là người cũng có ác tâm…  Dự đoán có được thực hiện không? Những bước đầu tiên của đức giáo hoàng Phanxicô cho thấy ngài là một người có một tính xác thực, cao cả và đích thực, phát biểu những lời, có những hành vi đã suy nghĩ thấu đáo và mang nhiều ý nghĩa… Đức hồng y Bergoglio là một người trí thức uyên bác, giống như tất cả các tu sĩ dòng Tên đáng kính, ngài có một nền văn hóa rộng lớn, được làm phong phú qua các chuyến đi, qua sách vở, qua khiếu thưởng ngoạn phim, opéra. Các tác giả yêu thích của ngài là Jorge Luis Borges, Leopoldo Marechal và Dostoevsky. Và đứng trước các hồng y, ngài nhắc đến Leon Bloy và một tác giả Đức cho thấy ngài đọc rộng. Biết nhiều thứ tiếng, ngài có thể đọc dễ dàng một số lượng lớn tác phẩm. Ngài cũng tự tay viết mười mấy quyển sách về suy niệm và chiêm niệm. Những người ở gần ngài cho biết ngài thích phim Buổi tiệc của Babette. Cuốn phim Đan Mạch này dựa trên quyển tiểu thuyết của Karen Blixen, được chiếu vào năm 1987, ca ngợi các giác quan được gợi lên qua bữa ăn xứng đáng với nghệ thuật nấu nướng tuyệt vời của Pháp. Nhưng nó cũng được diễn giải như một dụ ngôn của lòng trung thành, chia sẻ, quãng đại, lòng vị tha… những giá trị quan trọng đối với tân giáo hoàng. Ngài mê bóng đá, một bộ môn thể thao phổ thông ở Á Căn Đình, qua bộ môn này, ngài tiếp cận dễ dàng với giới trẻ và tầng lớp bình dân: “Từ năm 1946 đến nay, tôi chưa bỏ một trận vô địch nào của đội San Lorenzo. Màu xanh và đỏ là màu đồng phục của đội bóng, là màu của Đức Mẹ, chúng tôi chọn hai màu này chứ không chọn các màu khác.”

Để chủ tọa Hội nghị các giám mục Á Căn Đình và tham dự các khóa họp của Hội đồng Giám mục châu Mỹ La tinh (CELAM) giám mục Bergoglio được xem như người giàu kinh nghiệm “điều khiển”. Nhà báo Sergio Rubin, tiểu sử gia của ngài, đã viết “Ngài có một cá tính mạnh và rất nhạy bén về mặt chính trị.” Những đức tính này có thể sẽ giúp ngài điều khiển Giáo triều, nơi hồng y không xuất thân từ đó. Một nhà quan sát Á Căn Đình cho rằng “Nhưng, do cá tính của ngài, ngài không chống giáo triều và giáo triều biết điều này.” Nhưng một người khác thì nghĩ ngược lại, tân giáo hoàng có thể làm tiến triển mọi sự… Abraham Skorka, người Á Căn Đình, giáo sĩ bạn của ngài đứng đầu một cộng đồng Do Thái lớn ở Buenos Aires, hai người đã cùng viết một quyển sách, đã cho biết: “Đây là một người tròn vẹn,” ông nói thêm: “Chúng tôi chia sẻ niềm xác quyết rằng, khi mình tôn trọng con người thì mình mới tiếp cận được với Thiên Chúa,” bây giờ ông chờ tân giáo hoàng có một tiếp cận đích thực của Giáo hội với “các anh em lớn” của mình. Phóng khoáng trên các vấn đề xã hội, ngài thường công kích các tệ nạn xã hội, nạn buôn người, gạt người khác ra bên lề xã hội, nạn tham nhũng của cấp cao. Nhưng hồng y không bao giờ xa đức giáo hoàng danh dự Benêđictô XVI, người mà ngài chia sẻ một cách chặt chẽ giáo lý về đạo đức cá nhân và kỷ luật trong hàng giáo sĩ. Ở Á Căn Đình, cha nêu rõ vị trí truyền thống của Giáo Hội về hôn nhân của các linh mục, phá thai, hôn nhân đồng tính. Jorge Mario Bergoglio cũng chống lại luật cho phép chuyển đổi giới tính, thay giới tính trong hôn nhân. Từ đó, ngài có xung đột với nữ tổng thống Cristina Kirchner. “Nếu Giáo Hội muốn được tiến bộ, cha nói vào năm 2008 tại Québec, thì Giáo hội phải mang di sản lịch sử của nó, không được phủ nhận nó và phải đi đến đàng trước. Nếu muốn được cho là tiến bộ, Giáo Hội phải theo tất cả những tư tưởng đang lưu hành thì Giáo hội sẽ mất đi bản sắc của mình và trở thành một tổ chức phi chính phủ.”

Chỉ có một bóng mờ: thái độ gây nhiều tranh luận của hồng y trong thời “Chiến tranh bẩn thỉu.” Giáo Hội Á Căn Đình mà cha Bergoglio là người đứng đầu trước khi trở thành giáo hoàng là một trong những Giáo hội bị đặt nhiều vấn đề nhất châu Mỹ Latinh vì tính thụ động, thậm chí còn bị xem là đồng minh với các chế độ độc tài quân sự cuối cùng (1976-1983). Quốc-Công giáo là tư tưởng thống trị của lực lượng vũ trang, được sự cho phép của hàng giáo phẩm. Ngược với các Giáo hội Ba tây và Chí Lợi, các Giáo hội này đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nạn nhân bị đàn áp và trong cuộc đấu tranh cho tự do, hàng giáo phẩm Á Căn Đình tỏ ra dửng dưng, một thái độ bị cho là tolo đứng trước các lỗi phạm kinh hoàng của chế độ độc tài. Các nam nữ tu sĩ đoàn kết với hôi các Bà Mẹ ở quảng trường tháng Năm là phát ngôn viên cho 30000 gia đình có người mất tích, đó là những người hành động lẻ, không được cấp trên hỗ trợ, và đôi khi phải hy sinh mạng sống mình trong công việc chống lại chế độ độc tài. Năm 2000, năm Toàn Thánh của Thiên Chúa giáo, hồng y Bergoglio đã xin Giáo hội của mình nhận trách nhiệm trong thời chế độ độc tài và kêu gọi Giáo hội ăn năn hối cải để thanh luyện ký ức của mình. Dù vậy, đến năm 2005, một vài ngày trước khi mở mật viện bầu đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, sau một số phiếu đáng kể bầu cho hồng y Bergoglio, đã xuất hiện một bản buộc tội hồng y Bergoglio đã hợp tác với chính quyền và đã giao nộp một số linh mục. Cảnh sát thẩm vấn đức hồng y, đức hồng y bác bỏ lời kết tội với tài liệu đi kèm. Không nghi ngờ gì về sự thông đồng của hồng y với chính quyền, nghệ sĩ, nhà bảo vệ nhân quyền tại Á Căn Đình, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1980, ông Adolfo Perez Esquivel đã rửa sạch mọi nghi ngờ cho rằng Bergoglio toa hợp với chính quyền quân sự. Trả lời cho đài BBC, ngày 13 tháng 3 năm 2013, ông nói: “Bergoglio không có một giây liên hệ nào với chế độ độc tài… Cá nhân tôi biết nhiều giám mục đã yêu cầu chính quyền quân sự giải phóng tù nhân và các linh mục, nhưng lời yêu cầu không được chấp nhận.” Perez Esquivel đã bị giam tù và tra tấn mà không được xét xử trong vòng 14 tháng, sau đó ông tiếp tục bị quản chế cũng một thời gian tương tự. Trong tù, ông đã nhận được bằng Tưởng niệm Hòa Bình của đức giáo hoàng Gioan Phaolô XXIII, người được Pax Christi Quốc tế trao giải thưởng.

Đâu là bản tổng kết mục vụ mà tổng giám mục Buenos Aires để lại? Trước hết, đây là một nhà chiến lược luôn luôn quan tâm làm sao cho Giáo hội thích nghi với thực tế mới của một thành phố lớn có hơn ba triệu người như Buenos Aires, quan tâm cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội địa phương. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012 của một chuyên gia về Vatican, người Ý, hồng y Bergoglio đưa ra mục tiêu chính xác ngài có về mục tử hay giáo dân: “Chúng tôi tìm cách tiếp xúc với những gia đình không tham gia vào giáo xứ. Thay vì chỉ đơn giản là một Giáo hội chào đón và tiếp nhận, chúng tôi cố gắng để là một Giáo hội tự đi ra khỏi chính mình, hướng về các giáo dân chưa tham gia vào các công việc giáo xứ, những người không biết gì nhiều và thường dửng dưng với nhà thờ. Chúng tôi tổ chức sứ vụ truyền bá Phúc Âm ở nơi công cộng, nơi có nhiều người tụ tập. Thường thường chúng tôi cầu nguyện, dâng thánh lễ, đề nghị rửa tội sau khi chuẩn bị ngắn gọn. Hơn nữa, chúng tôi cũng cố gắng để tiếp cận với những người đang ở xa chúng tôi, thông qua các công cụ truyền thông kỹ thuật số, trang web và tin nhắn nhanh.” Sau đó, để lại đàng sau hồng y Bergoglio, là một dự án truyền giáo, tập trung vào việc rao giảng Tin Mừng và hiệp thông, đó cũng là những công việc chưa xong. Có bốn mục tiêu kế tiếp:

  1. Tạo các cộng đồng mở và huynh đệ.
  2. Khuyến khích sự tham gia tích cực của bậc giáo dân được đào tạo.
  3. Đề nghị Phúc Âm cho tất cả dân cư của thành phố.
  4. Củng cố tình đoàn kết với người nghèo và người bệnh.

Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm hai trăm năm độc lập của đất nước, Bergoglio phát động chiến dịch tình đoàn kết quốc gia, từ đây đến năm 2016, mở ra hai trăm tổ chức từ thiện. Đức Giáo Hoàng tương lai Phanxicô áp dụng ở Á Căn Đình các chỉ đạo mà hội đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh đưa ra tại hội nghị Aparecida miền bắc Ba Tây năm 2007. Các giám mục khẳng định trong văn kiện cuối cùng của họ rằng tất cả các thành viên của Giáo Hội “được gọi để trở thành môn đệ và nhà truyền giáo cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng là con đường, là sự thật và là sự sống, để dân tộc chúng ta có sự sống trong Ngài.”

Nguyễn Tùng Lâm dịch