Giáo hoàng Phanxicô đang cho chúng ta một hình mẫu mới về cung cách mục tử, bằng một lời trách mắng hơn là một lời yêu thương?
Cha Raymond de Souza
Chuyện tôi để ý đến không phải là về cụm từ ‘giống con thỏ’. Lời nhận định ‘con thỏ’ của giáo hoàng Phanxicô trên chuyến bay từ Manila về Roma, chỉ là tập cuối trong loạt những chuyện ầm ĩ của báo giới vốn đã thành lệ thường, và đã được hiệu chỉnh sau đó. Về chuyện ‘con thỏ’ và trách nhiệm của bậc cha mẹ, Đức Thánh Cha đã tự mình hiệu chỉnh trong buổi tiếp kiến chung sau đó 2 ngày. Và tiếp theo là những lời của tổng giám mục Giovanni Becciu, phó văn phòng
Quốc vụ khanh, bày tỏ sự hối tiếc của Đức Thánh Cha khi đã nói chạm đến các đại gia đình. Tổng Giám mục Becciu làm rõ rằng những nhận định của Đức Thánh Cha quá nhiệt tâm đến mức ngài không chỉ trích tông tư Đời sống Con người, mà còn lần trở lại năm 1930, và trích tông thư Hôn nhân Khiết tịnh [Casti Connubii] của Đức Pius XI.
Điều đáng chú ý hơn, là Đức Thánh Cha kể lại việc ngài đã rầy la một phụ nữ đang chờ đón đứa con thứ 8, trong khi 7 đứa con trước đều sinh mổ. Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại chuyện này 2 lần trong buổi họp báo, kể rằng khi gặp cô ở một giáo xứ Roma, ngài đã khiển trách cô thiếu trách nhiệm. Ngài đã cho chúng ta đủ thông tin để biết rõ nhân thân của cô. Gia đình và những người trong giáo xứ chắc chắn sẽ biết rằng cô đã bị Đức Thánh Cha rầy la vì thiếu trách nhiệm khi mang thai đứa con thứ 8. Và đứa trẻ này nữa, khi lớn lên cũng sẽ biết những lời mà Đức Phanxicô đã nói.
Tại sao Đức Thánh Cha lại trách mắng một phụ nữ? Đây không phải là lần đầu tiên ngài làm thế. Tháng 2 vừa qua, trong buổi hội với các linh mục Roma, ngài đã chỉ trích cụ thể một linh mục phụ trách công tác ngoại giao của Tòa Thánh, rồi về sau làm việc trong tòa sứ thần tòa thánh ở Ý. Hồi tháng 4, một phụ nữ Argentina đang trong tình trạng hôn nhân không hợp luật, đã cho biết rằng Đức Thánh Cha bảo cô hãy bỏ qua những lời của linh mục giáo xứ muốn cô đừng đi rước Mình Thánh Chúa. Bởi tên của cô được công bố, nên ai ai trong giáo xứ cũng biết rằng giáo hoàng đã chỉnh đốn cho linh mục quản xứ của mình.
Đức Phanxicô có lẽ đang đem lại câu trả lời cho câu hỏi mà tôi canh cánh trong lòng suốt hơn mười năm được thụ phong linh mục. Tôi thường hỏi các anh em linh mục rằng trong việc mục vụ, lúc nào chúng ta noi theo những lời lên án mà Chúa Giêsu đã dùng, như ‘ổ rắn độc,’ ‘mồ mả tô vôi,’ ‘mù mà dắt mù’ và ‘phường giả hình.’ Ở thời điểm nào chúng ta vâng theo lệnh truyền của Chúa là rũ bụi chân lại nơi những người khước từ không chịu đón nhận Tin mừng?
Trong việc mục vụ của tôi, thật khó để dẫn ra những mẫu gương về việc tôi đã làm theo những gì Chúa Giêsu làm, hay lệnh truyền các tông đồ làm. Chúa Giêsu cho chúng ta nhiều hình mẫu mục vụ khác nhau. Hình mẫu phổ biến nhất là người mục tử nhân lành ra đi tìm con chiên lạc, làm bạn với những người đau khổ và bị loại trừ, chữa lành cho người bệnh và tha tội.
Nhưng, đây không phải là hình mẫu duy nhất. Đây chỉ là hình mẫu duy nhất chúng ta đào tao cho các chủng sinh, và là hình mẫu duy nhất mà các linh mục, kể cả tôi nữa, có khuynh hướng đi theo. Rất ít người trong chúng tôi noi theo trọn vẹn những gì Chúa Giêsu làm, và những gì các tông đồ đã làm theo gương Chúa. Giáo hoàng Phanxicô thì không như thế. Rất hiếm khi, các bài giảng hằng ngày của ngài lại không dành để phê phán việc các Kitô hữu không sống đúng đời sống môn đệ đích thực. Trong văn kiện huấn quyền chính của ngài, Niềm vui của Tin mừng, có vô số lời lên án, đến nỗi các nhà bình luận có thể lập một danh sách liệt kê ra cũng được.
Đức Thánh Cha cũng làm thế trong bài nói chuyện Giáng Sinh với các đồng sự ở Giáo triều Roma hồi tháng 12 vừa qua, soạn ra cả một danh mục các bệnh tật và sai phạm phần hồn. Nhiều người trong phòng hôm đó thấy thật là dữ dội đến mức thô bạo. Có lẽ là thế thật, nhưng cũng không dữ dội hơn những gì mà Chúa Giêsu đã nói với các ‘viên chức giáo triều’ thời của Ngài, những người Pharisiêu và các kinh sư đâu.
Giáo hoàng Phanxicô đang cho chúng ta một hình mẫu mới về cung cách mục tử, bằng một lời trách mắng hơn là một lời yêu thương? Có lẽ là thế. Với tôi, có vẻ như Đức Thánh Cha có thể nói rất gay gắt, và thường là bởi ngài sống quá rõ ràng hình mẫu chung của các thừa tác viên mục vụ Kitô giáo, là người mục tử tốt, người băng bó các vết thương.
Không khác gì người cha tốt trong gia đình, những sửa dạy và khiển trách được người con đón nhận, bởi vì chúng phát xuất từ tình yêu thương và lòng trìu mến. Đây là một điều không nhỏ mà các linh mục chúng ta phải suy nghĩ.
Cha Raymond de Souza là linh mục trong tổng giáo phận Kingston, Ontario, và tổng biên tập của tạp chí Convivium