Sau hai năm, Giáo triều thắng bằng sự hoài nghi

230

Cải cách giáo triềulefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 10-02-2015

Rôma có vẻ như bất di bất dịch. Chung quanh Đền thờ Thánh Phêrô là một màu trắng xóa dưới ánh sáng lành lạnh của mùa đông, không một bóng người bán hàng kem rong. Rất nhiều giám chức gặp chỗ này chỗ kia, họ tỏ ra không còn hăng say. Vào ngày 11 tháng 2, ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, họ nhớ ngày này đúng hai năm trước, ngày Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm. Là cả một thời gian vô tận trên tầm mức to lớn của những thay đổi đang tiến hành. Nếu tất cả tu sĩ đều ca tụng đặc sủng của Đức Phanxicô thì cũng có một số ngày càng nhiều tỏ ra rất “bối rối” đứng trước các biến đổi đã được hứa.

Về phần mình, Đức giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI hưởng cuộc sống hưu trí an bình trong ngôi nhà nhỏ ở Vườn Vatican. Ngài có một cuộc sống rất chừng mực. Sự “minh mẫn trí tuệ” của ngài luôn làm cho khách đến thăm ngạc nhiên. Ngài sắp được 88 tuổi, sức khỏe của ngài đang suy yếu dần.

Sự thay đổi thì ở phía bên kia Đền thờ, nơi Nhà trọ Thánh Mácta mà bây giờ là nhà thường trú của Đức Phanxicô và là “đại bản doanh” của Vatican.

Từ sáng thứ hai 9-2, Đức Phanxicô đóng cửa họp với Hội đồng 9 hồng y để cải tổ Giáo triều La Mã, và để thứ năm, thứ sáu này trình bày chương trình cải tổ cho các hồng y mà Đức Phanxicô đã triệu tập về Rôma để họp Đại hội khoáng đại. Đại hội sẽ kết thúc ngày thứ bảy với việc phong 20 tân hồng y trong một buổi lễ cho công chúng gọi là “công nghị.”

Các chống đối trong nội bộ

Ý thức tầm quan trọng của công việc cải tổ này, một vài người cho rằng đây là “tuần lễ quyết định” của Đức Phanxicô. Nhưng giáo hoàng bị dồn ép này cũng biết dựa trên thời gian. Vì điểm chính của cải tổ không phải trên tổ chức Vatican mà trên tinh thần chung của các công việc ở Tòa Thánh. Đây là cuộc cách mạng văn hóa. Nếu cuộc cải tổ tài chính, một cuộc cải tổ có tính cách kỹ thuật đã thực hiện xong thì việc cải tổ Giáo triều đụng đến quyền lực. Và như thế là gây nên các chống đối nội bộ. Theo các tin tức mới nhất thì nó có thể hoãn lại… một năm.

Đối với giáo hoàng Argentina, điều thiết yếu nằm trong tác dụng “hoán cải” sâu đậm não trạng hàng giáo sĩ. Điều ngài muốn ngài đã đưa ra cho thấy, chẳng hạn, vào chiều chúa nhật vừa qua khi ngài bất ngờ đến thăm một trại tị nạn ở ngoại ô nghèo ở Rôma. Đi trên đường lấm bùn đông cứng, ngài an ủi những người tị nạn, họ là những người Phi châu, Mỹ-latinô, Pakistanais, Afghan và Ucraina không có giấy tờ. Một hành vi đi song song với câu ngài tuyên bố ba ngày sau khi được bầu chọn năm 2013: “Một Giáo hội nghèo của người nghèo”.

Điều ngài muốn, ngài diễn tả trắng, đen rõ ràng. Ngày 23 tháng 1, ngài đã gởi một thư cho các tân hồng y ngài sẽ tấn phong vào thứ bảy này, xin họ đừng xem chức hồng y như “đỉnh cao của sự nghiệp” hay một “tưởng thưởng cao cấp”. Ngược lại, họ phải “khiêm tốn duy trì tinh thần phục vụ”.

Điều ngài muốn, ngài cũng diễn tả như quất vào mặt, vào cuối tháng 12 khi ngài chúc Giáo triều La Mã bằng cách công khai kê “15 bệnh” của Giáo triều, bệnh “ái kỷ”, bệnh “Alzheimer về mặt thiêng liêng”, bệnh “ganh đua”, bệnh “hư danh”, bệnh “giả thần nghiệm”, bệnh “sống hai mặt”, bệnh “thăng quan tiến chức”, bệnh “ngạo nghễ”, và bệnh “khát quyền lực”…

Cải tổ luân lý

Vatican chưa ngậm xong trận đòn này. Vatican tỏ ra không còn hứng khởi. Các buổi họp thứ năm, thứ sáu sẽ cho thấy điều này. Rất nhiều nguồn – phía chống đối – cho rằng 80% các hồng y bây giờ đang tự hỏi về các phương pháp của giáo hoàng cải cách này. Tất cả mọi người đều kính trọng ngài. Tất cả đều muốn điều tốt cho Giáo hội, tuy nhiên nó lại vượt quá ngôi làng Vatican, cơ nguy của một sự kháng cự thụ động trong thứ bậc các giám chức là có thật, cũng như hai chủ đề tập hợp lại cho sự chống đối ngầm này là có thật.

Một thì đã biết. Đó là các viễn cảnh cải tổ luân lý về những người đồng tính và những người ly dị tái hôn. Cách đây một năm, cũng trước buổi họp các hồng y, Đức Phanxicô đã xin bạn của ngài là hồng y Kasper ấn định hướng đi và biện minh cho sự tiến triển này. Điều này đã châm lửa vào rơm. Và trận hỏa hoạn vẫn đang còn cháy.

Cái kia thì khó nhận thấy hơn. Đàng sau sự giảm số Bộ ở Vatican như dự trù thì đã thấy một hướng đi xuống: đó là phủ Quốc vụ khanh. Cho đến bây giờ, đây là cơ quan trung ương của hệ thống. Tương đương với phủ thủ tướng nhưng cực mạnh. Giáo hoàng không muốn sự tập trung quyền này. Ngài muốn cai trị trong tinh thần “công nghị”. Có nghĩa là giải tập trung quyền quyết định ở trung ương để đưa về các giám mục và các hội đồng giám mục. Một viễn cảnh làm vui cho một số giám chức nhưng lại làm cho nhiều giám chức khác lo lắng.

Giáo hoàng và các hồng y trong một phiên khoáng đại của Hội đồng về Gia đình tháng 10, 2014
Giáo hoàng và các hồng y trong một phiên khoáng đại của Hội đồng về Gia đình tháng 10, 2014

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch