Giám mục phụ tá của San Francisco, Robert W. McElroy, giải thích về việc các lời dạy của Đức Phanxicô đã khơi lên ở Hoa Kỳ, một tranh luận sôi nổi về bất bình đẳng, thị trường tự do, chính trị và nhân phẩm.
Francesco Peloso
Huấn giáo Xã hội của Giáo hoàng Phanxicô đã đến với mọi người ở Hoa Kỳ. Trong vòng một năm qua, các nhóm chủ nghĩa tự do và tự do cực đoan ở Hoa Kỳ đã tỏ vẻ khó chịu với những chỉ trích của Đức Phanxicô nhắm vào hình mẫu chủ nghĩa tư bản tài chính toàn cầu. Nhưng ngay cả một số nhà quan sát ít định kiến hơn, cũng đã kết luận rằng có lẽ Giáo hoàng đã không nắm bắt được ‘thị trường’ vận hành thế nào, ít nhất là cách vận hành ở Hoa Kỳ. Giám mục phụ tá của San Francisco, Robert W. McElroy, đã lấy đây làm điểm mở đầu cho bài phân tích đăng trên tờ America của dòng Tên, với tựa đề ‘Các giả định của Thị trường.’
Giám mục chỉ ra rằng, một mặt, phong cách và các thay đổi của Giáo hoàng Phanxicô được cộng đồng Hoa Kỳ chào đón nồng hậu, chẳng hạn như việc cải tổ Giáo triều Roma, việc ngài lựa chọn tập trung mục vụ vào ‘nhu cầu của người dân,’ lời kêu gọi hoán cải và đổi mới con người qua đức tin, việc thăng tiến cái nhìn của giáo hội không còn phán xét một cách vội vã nữa. Tất cả những yếu tố này kết hợp lại khiến người ta chú ý nhiều đến Giáo hoàng Phanxicô.
Nhưng rồi, bắt đầu có vấn đề từ khi ngài công bố Tông huấn ‘Niềm vui của Tin mừng’ với giáo huấn của giáo hoàng chạm đến các vấn đề kinh tế và phê phán hệ thống tài chính đang ‘giết’ những người bị loại ra ngoài, những người không ‘tiêu thụ.’ ‘Các chỉ trích lớn tiếng nhất nhắm vào thông điệp điệp của Giáo hoàng Phanxicô về sự bất bình đẳng, tập trung vào 3 điểm chính. Thứ nhất, nói rằng Giáo hoàng không hiểu được tầm quan trọng của thị trường. Thứ hai, là lời phê phán của Đức Phanxicô nhắm vào một dạng chủ nghĩa tư bản khác xa với nền kinh tế của Hoa Kỳ. Thứ ba, là quan điểm của Giáo hoàng đã bị gò bó trong gốc châu Mỹ La tinh của mình, và chệch hướng với huấn giáo của các giáo hoàng tiền nhiệm. ‘ Nhưng theo giám mục McElroy, vấn đề phần nhiều không phải là vì giáo hoàng thiếu hiểu biết về hệ thông tư bản hay ‘vị trí trung tâm của thị trường’, nhưng là vì ‘ngài nhìn nhận hiện thực, và khi làm thế đã đặt ra những câu hỏi căn bản về công bằng và về hệ thống kinh tế của Hoa Kỳ.’ ‘Giáo hoàng viết về sự bất bình đẳng và công bằng kinh tế, để chỉ ra những ảo tưởng ngụy biện cố hữu trong một chuỗi những giả định văn hóa chính ăn sâu vào xã hội Hoa Kỳ. Những giả định này chạm đến ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sự bất bình đẳng kinh tế, tiêu chuẩn đạo đức của thị trường tự do, và mối quan hệ giữa hoạt động kinh tế với vai trò thành viên của người ta trong xã hội.’
Trong các huấn giáo của mình, những điểm Giáo hoàng đưa ra, nhắm đến sự thiêng liêng mà người ta gán cho thị trường. Nghĩa là một kiểu thị trường không thể tránh được sự nghèo đói, bởi cho rằng người nghèo chịu trách nhiệm cho sự nghèo đói của mình, đồng thời cho rằng hệ thống này có thể đem lại thịnh vượng và cải thiện điều kiện sống cho mọi người, bất chấp các can thiệp từ bên ngoài, và như thế, tự do sáng kiến và tài năng cá nhân là yếu tố then chốt của hệ tư tưởng tư bản. Vậy nên, ‘sự bất bình đẳng kinh tế đến từ quyền của con người được sử dụng tài năng của mình theo cách mình chọn và từ sự công bằng tưởng thưởng cho các cá nhân có đóng góp cho các việc kinh doanh đặc biệt.’
Người ta cho rằng, ‘Các xã hội phải có trách nhiệm chu cấp kinh tế cho công dân đến một ngưỡng nào đó, nhưng đi xa hơn và tìm cách hạn chế bất bình đẳng kinh tế, thì không chỉ phá hoại tăng trưởng kinh tế, mà còn xâm phạm các quy tắc công bằng căn bản.’ ‘Nhưng trong suy tư của Công giáo, thì giả định này, vốn được ưa chuộng trong văn hóa Hoa Kỳ, lại hoàn toàn không chấp nhận được. Suy tư Công giáo không khởi đầu với nhu cầu phải tối đa hóa tăng trưởng kinh tế hay sự thưởng phạt cá nhân, nhưng mở đầu bằng phẩm giá ngang hàng của tất cả mọi người nam nữ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.’ Điều này được nhắc đến trong đoạn 29 của văn kiện Công đồng ‘Vui mừng và Hi vọng’ [Gaudium et Spes], tuyên bố rằng ‘các khác biệt quá đáng về kinh tế và xã hội giữa các thành viên trong một gia đình nhân loại hay một nhóm dân số, sẽ gây chuyện xấu, và đi ngược lại công bằng xã hội, phẩm giá con người, cũng như sự hòa bình quốc tế và xã hội.’ Giám mục McElroy nhấn mạnh rằng, trong quan điểm này ‘các bất bình đẳng nghiêm trọng trong và giữa các quốc gia, là điều mặc nhiên đáng phải xem lại đối với suy tư Công giáo, và nó không gây dựng một trật tự tự nhiên chính đáng nhưng là một sự vi phạm nghiêm trọng trật tự đó.’
Giám mục nhận định rằng, sự bất khả xâm phạm của thị trường, cũng từng nhiều lần ‘bị phản bội’ đặc biệt là trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và dân túy trong thế kỷ XIX, các cải cách Cấp tiến trong nửa đầu thế kỷ XX, và các cải cách sau cuộc Đại Khủng hoảng. Mỗi thời điểm, các chọn lựa về kinh tế được điều hướng theo thay đổi và cải cách, hay tìm đường thoát khỏi những giai đoạn khủng hoảng. Như thế, ‘thị trường tồn tại là để phục vụ con người, và cộng đồng nhân loại’ chứ không được trở thành ‘một mệnh lệnh bắt buộc.’
Cuối cùng, nói về chiến dịch bầu cử tổng thống 2012, giám mục McElroy nhấn mạnh một khuynh hướng văn hóa khác ở Hoa Kỳ, trong đó xã hội được chia thành ‘người làm’ và ‘người hưởng.’ ‘Người làm’ là những người trả nhiều thuế hơn những gì họ nhận được từ chính phủ. ‘Người hưởng’ là những người nhận được nhiều hơn những gì họ trả thuế. ‘Tinh thần chung của người ta cho rằng, có một bộ phận lớn trong xã hội Hoa Kỳ đang không ngừng bòn rút làm tiêu hao hệ thống kinh tế Hoa Kỳ.
Ý tưởng này được củng cố thêm phần nào bởi ‘các mức độ bất bình đẳng ngày càng tăng ở Hoa Kỳ, và sự thiếu đi năng động kinh tế của những người sinh ra trong thành phần dân số có thu nhập thấp nhất.’ ‘Hệ quả là, chính sự loại trừ mà Giáo hoàng Phanxicô đã lên tiếng cảnh báo, đã và đang xói mòn nghị luận chung và sự thống nhất trong xã hội Hoa Kỳ. Người nghèo, từng là trung tâm điểm của các hành động chính trị và bận tâm chung trong thập niên 1960 và 1970, giờ bị gạt ra ngoài các tranh luận chung.’ Giám mục McElroy tiếp rằng, ‘Các chương trình đem lại lợi ích cho người nghèo giờ phải được hợp lý hóa bằng các lợi ích kèm theo cho tầng lớp trung lưu. Và một chủ đề thường không được thể hiện rõ ràng, nhưng lại đồng hưởng sâu sắc trong chuyển biến văn hóa này, là việc xem người nghèo phải chịu trách nhiệm về sự nghèo đói của mình.’
Khái niệm cho rằng xã hội chia ra thành ‘người làm’ và ‘người hưởng’ thể hiện chính xác chủ nghĩa cá nhân mà giáo hoàng Phanxicô lên án.’ ‘Luận điệu này khẳng định rằng việc tạo ra của cải là một hành động cá nhân, và loại bỏ vai trò to lớn của các đóng góp xã hội dành cho tất cả mọi hãng kinh doanh. Nó chối bỏ xác quyết cốt lõi trong huấn giáo Công giáo rằng tất cả mọi tạo vật đều được Thiên Chúa tạo thành và trao cho con người, toàn thể con người, và rằng các của cải vật chất có một mục đích chung, và không được xói mòn ý nghĩa này.’ Dạng hệ tư tưởng ‘xem các kết quả thị trường không đơn thuần là một bộ lọc bước đầu hữu hiệu, để qua đó phân bổ của cải vật chất trong xã hội, nhưng là như một trọng tài đạo đức phán xử xem ai xứng đáng, có nỗ lực và tài năng. Và nó gây nên một tác động phá hoại trong xã hội Hoa Kỳ, một tác động gieo chia rẽ và bất hòa.’ Giám mục McElroy kết luận rằng, ‘Trừ phi các cải cách kinh tế cơ cấu được thực hiện, để xóa bỏ các chướng ngại đối với việc tuyển dụng thêm nhân công, thì vòng quay của sự loại trừ về mặt kinh tế và xã hội, cũng là tâm điểm thách thức của Giáo hoàng đối với nền kinh tế hiện hành, vẫn sẽ ngày một tăng thêm mà thôi.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Insider