03-02
Giáo hoàng Phanxicô đã xác nhận 48 giám chức sẽ là thành viên của Thượng hội đồng Giám mục vào tháng 10, sau khi họ đã được các hội đồng giám mục nước nhà bầu lên.
Đây không phải là danh sách cuối cùng, các hội đồng giám mục khác vẫn còn đang phải chọn người của mình. Hơn nữa, có vẻ như giáo hoàng sẽ bổ nhiệm các trưởng cơ quan Vatican làm thành viên của hội đồng tháng 10, và thêm một số người ngài đích thân lựa chọn nữa.
Nhìn vào danh sách các thành viên được công bố hôm thứ bảy, có một điểm có vẻ rõ ràng là: Hoàn toàn không có lý do gì để tin rằng Thượng hội đồng Giám mục 2015 sẽ ít tranh chấp hơn năm ngoái, vốn đã dấy lên một tranh cãi dữ dội, đôi khi đến mức hiểm ác, trở đi trở lại các vấn đề như đồng tính luyến ái và li hôn.
Ngược lại, hội đồng tháng 10 sắp tới dường như sẽ căng thẳng cực độ hệt như những gì vừa nổ ra cuối năm ngoái. Nếu có ai hoài nghi liệu Giáo hoàng Phanxicô có cố gắng ‘dàn xếp’ để thuận lợi cho lần này, thì xác nhận hôm thứ bảy của ngài đã xóa sạch ý tưởng đó đi.
Một Thượng hội đồng Giám mục không phải như nghị viện. Vai trò duy nhất của hội đồng là đưa ra những đề nghị với giáo hoàng, và riêng lần này là về hàng loạt vấn đề trong đời sống gia đình.
Hội đồng 2014 đã bắt đầu tiến trình này bằng cách cân nhắc nhiều vấn đề của gia đình, nhiều trong số đó không gây tranh cãi, chẳng hạn như việc giáo hội cần phải làm tốt hơn trong việc nâng đỡ các cặp vợ chồng tín hữu, và mong muốn xã hội đầu tư nhiều hơn vào các gia đình.
Nhưng, cũng có tranh luận dữ dội về 3 vấn đề nóng:
- Giáo hội chào đón những người đồng tính nam nữ, lưỡng tính và chuyển giới, như thế nào?
- Giáo hội có đường hướng tích cực nào về các mối quan hệ ‘bất thường’ như việc sống chung mà không kết hôn?
- Liệu những người Công giáo đã li hôn và tái hôn mà không tiêu hôn, có được rước lễ hay không?
Dựa trên những con người sẽ dự hội đồng 2015, có vẻ tầm mức ý kiến về những vấn đề khá rộng.
Như hồi năm ngoái, các giám chức Phi châu, có vẻ như là những người quyết tâm giữ cố định mọi sự.
Tiêu biểu là một trong hai đại diện của Kenya, hồng y John Njue của Nairobi, người nổi tiếng vì thẳng thắn bảo vệ cả giáo huấn của Giáo hội lẫn các tập tục văn hóa của châu Phi. Khi tổng thống Barack Obama đến châu Phi năm 2008, và ủng hộ hợp pháp hóa cho hôn nhân đồng tính, hồng y Njue đã lên tiếng phản đối.
‘Những người này đã hủy hoại xã hội mình … đừng để họ dạy chúng ta phải đi về đâu. Tôi nghĩ chúng ta cần phải hành động theo truyền thống và đức tin của mình.’
Đại diện khác từ Kenya, giám mục James Wainaina Kungu của Muranga, nổi tiếng vì đã phát triển chương trình với tên gọi ‘Nhà Thành tín,’ nhằm chống AIDS trong giáo phận mình, dựa trên sự kiêng khem và chung thủy hơn là các biện pháp tránh thai.
Tổng Giám mục Charles Palmer-Buckle của Ghana, mới đây đã đăng một thỉnh nguyện thư trên trang facebook giáo phận, nói lên lời của liên minh những người bảo thủ văn hóa trên khắp thế giới hướng đến hội đồng sắp tới.
‘Lời thỉnh cầu của người con’ hướng đến giáo hoàng Phanxicô kêu gọi ngài có một tuyên bố rõ ràng chống lại những thay đổi trong việc cấm những người li dị rồi tái hôn được rước lễ, và đừng mềm mỏng quan điểm của Giáo hội về đồng tính luyến ái.
Giám mục Gervais Bashimiyubusa, chủ tịch hội đồng giám mục Burundi, và một đại biểu hội đồng khác, mới đây đã phàn nàn về các nỗ lực của phương Tây muốn thúc đẩy tránh thai, và gọi đây là một ‘mối đe dọa với tất cả mọi gia đình ở Burundi.’
Ở châu Mỹ La tinh, tình hình phức tạp hơn nữa, với các thành viên hội đồng lên tiếng mạnh mẽ tranh luận đối lập nhau.
Từ Argentina, tổng giám mục José María Arancedo trả lời phỏng vấn tờ La Nacion hồi tháng 10 vừa qua rằng, ‘vẫn đang mở cho vấn đề của những người li dị rồi tái hôn.’
Hồng y Mario Poli, người kế tòa của giáo hoàng ở Buenos Aires, đã có một nhận định mềm mỏng tương tự, xem vấn đề cho người li dị rồi tái hôn được rước lễ là ‘vấn đề mục vụ’ chứ không liên quan đến các vấn đề đạo đức tình dục như hôn nhân đồng tính.
Đáng chú ý là các giám mục Argentina chỉ chọn tổng giám mục Héctor Rubén Aguer của La Plata làm người thay thế, bởi Aguer nổi tiếng là một người cứng rắn, đôi khi thẳng thừng chống đối giáo hoàng khi ngài còn ở Buenos Aires, trong các tranh luận của hội đồng giám mục nước này.
Ở Chilê cũng thế, hồng y Ricardo Ezzati Andrello đã có những nhân định ôn hòa về các vấn đề hôn nhân và gia đình, ngài ủng hộ quan hệ pháp lý cho các cặp đồng tính, dù có toàn quyền như hôn nhân.
Mặt khác, tổng giám mục Antonio Arregui Yarza của Ecuador, thành viên Opus Dei, người dẫn đầu các giám mục trong nước chống lại các biện pháp sức khỏe sinh sản và kết hợp đồng tính trong hiến pháp mới của nước này năm 2008.
Hầu hết 4 đại biểu của Mễ Tây Cơ đến Hội đồng, dường như mang tính bảo thủ hơn, trong đó có giám mục Rodrigo Aguilar Martínez của Tehuacán, người đã lên tiếng hồi năm ngoái chống lại ‘các hệ tư tưởng xói mòn khái niệm gia đình.’
Từ Hoa Kỳ, 4 thành viên của hội đồng được các giám mục bầu lên, dường như sẽ mạnh mẽ nói ‘không’ với bất kỳ thay đổi nền tảng nào với các quan điểm truyền thống của Giáo hội.
Trong buổi phỏng vấn trong hội đồng 2014, giám mục Kurtz đã nói rằng các giám mục Hoa Kỳ nhìn chung đều không tin tưởng vào việc thay đổi các luật đối với người li dị rồi tái hôn, và nói rằng, các giám mục ‘bân tâm rất nhiều về việc giữ gìn sự ràng buộc hôn nhân, sự bất khả phân ly của mối liên kết này.’
Một vài giám chức Á châu đã được đức Phanxicô xác nhận, dường như cởi mở hơn.
Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc của Việt Nam, đã nói trong buổi phỏng vấn năm ngoái rằng, vấn đề về người li dị rồi tái hôn nhấn mạnh một sự căng thẳng giữa ‘chân lý và đức ái,’ và nói rằng không có câu trả lời rõ ràng, xem đây là vấn đề ‘khó giải’.
Cũng thế, trong các giám mục đại diện cho Âu châu cũng có các quan điểm đối lập mạnh mẽ.
Tổng Giám mục Georges Pontier của Marseille đã ra dấu cởi mở cho các cách tiếp cận mới về vấn đề gia đình, trong buổi họp báo năm ngoái, ngài đã nói rằng hội đồng không nên chỉ đơn thuần lặp lại cách nói y hệt như trong huấn giáo về hôn nhân của Giáo hội
‘Đó không phải là những gì Đức Thánh Cha muốn.’
Hồng y Vincent Nichols của Westminster, nói rằng ngài có thể ủng hộ cho người li dị rồi tái hôn được rước lễ sau khi họ thực hiện ‘con đường sám hối cần thiết.’
Mặc khác, có nhiều người bảo thủ văn hóa mạnh mẽ ở châu Âu, trong số đó là hồng y Wim Eijk của Hà Lan và hồng y Audrys Bačkis của Lithuania, người có lẽ sẽ bắt tay để chống lại những đề xuất như trên.
Ngay cả châu Đại dương, cũng thật khó để biết mọi chuyện sẽ diễn tiến ra làm sao.
Hội đồng giám mục ở New Zealand, có thể gởi đại diện là hồng y John Dew, cấp cao nhất của họ, một người ủng hộ cho người li dị rồi tái hôn được rước lễ. Nhưng thay vào đó, hồng y Dew chỉ là người thay thế, còn đại biểu là giám mục Charles Drennan của Palmerston North, người chưa rõ ràng về vấn đề li dị rồi tái hôn.
Trong một bài diễn văn mới đây, giám mục Drennan đã cảnh báo rằng các giải pháp dựa trên lòng thương xót, không được trả giá bằng ‘sự nhìn nhận những gì đúng thực,’ và đây có vẻ như ra dấu cho những hoài nghi đối với quan điểm cải cách.
Dòng cuối cùng tôi muốn nói là, danh sách được công bố hôm thứ bảy, không báo trước một sự đồng thuận rõ ràng về các vấn đề gây nhiều tranh cãi trong hội đồng, nên có khả năng hội đồng sẽ bị chia rẽ, tán thành hay phản đối giáo hoàng.
Nhưng có lẽ, họ sẽ để giáo hoàng thấy sự phân rẽ của mình, và để ngài đưa ra quyết định cuối cùng. Đức Phanxicô vẫn chưa cho biết ngài sẽ chờ bao lâu sau khi kết thúc hội đồng để đưa ra quyết định cuối cùng về các vấn đề như cho người li dị rồi tái hôn được rước lễ, và có vẻ như thời gian suy nghĩ này sẽ dựa vào bối cảnh của 3 tuần tranh luận trong tháng 10 sắp tới.
Do đó, diễn tiến có thể sẽ không phụ thuộc nhiều vào việc các giám mục nói gì ở Roma, nhưng là vào việc Giáo hoàng Phanxicô quyết định thế nào sau khi họ về nhà rồi.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch