lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 28-1-2015
Diego Neria Lejarraga sinh ra là nữ giới, và đã chuyển giới, anh được Đức Phanxicô tiếp kiến cùng với vị hôn thê của mình. Vatican từ chối mọi bình luận về tin này, nhưng buổi chiều ngày thứ bảy 24-1, tại Nhà trọ Thánh Mácta, Đức Phanxicô đã tiếp kiến riêng một cặp vợ chồng Tây Ban Nha mà một trong hai là người đã chuyển giới.
Đó là Diego Neria Lejárraga. Anh 48 tuổi. Bây giờ là “đàn ông” sau khi đã giải phẫu, anh sinh ra là nữ giới nhưng không bao giờ cảm thấy mình là nữ giới. Anh giải thích với nhật báo HOY, báo đã đăng tin này: “Nhà tù của tôi là cơ thể của tôi vì nó không phù với tất cả những gì tâm hồn tôi cảm nhận,” anh nói.
Anh là người Công giáo, gia đình anh cũng vậy. Cách đây tám năm, anh đã chờ mẹ chết để chuyển giới. Sau đó anh bị giáo xứ Plasencia của anh đuổi anh, họ cho anh là “con gái của quỷ” và không xứng đáng để “vào” nhà thờ.
Xin được nâng đỡ
Được giám mục Công giáo Amadeo Roriguez Magro khuyến khích, Diego viết một bức thư cho Đức giáo hoàng, kể cho ngài nghe câu chuyện của mình, anh cảm thấy mình bị “xã hội ruồng bỏ” và “bị lên án” và anh xin ngài nâng đỡ anh.
Đức Phanxicô đã nhanh chóng trả lời cho anh, ngày 20 tháng 12 ngài đã điện thoại cho anh và ấn định ngày gặp ngài là ngày 24 tháng 1 lúc 5 giờ chiều ở Vatican.
Diego Neria Lejarraga vẫn còn kín đáo về nội dung buổi gặp gỡ mà anh đi cùng với vị hôn thê của mình. Nhưng anh cho biết, từ hôm đó anh là “người có bình an” sau khi anh hỏi Đức giáo hoàng, “có một chỗ cho anh trong nhà của Chúa không.”
Như tất cả các vị tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô tiếp kiến riêng rất nhiều người. Nhưng còn hơn các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô không ngần ngại tiếp những “người bên lề”, danh từ ngài hay dùng để chỉ những người mà Giáo hội Công giáo không có thói quen đối thoại.
Gặp gỡ
Cũng vậy, Đức Phanxicô cũng không bao giờ ngần ngại khi điện thoại trực tiếp cho những người đang ở trong cơn tuyệt vọng để nâng đỡ họ dù họ có gọi hay không gọi trực tiếp cho ngài.
Dù đôi khi có thể gây hoang mang về tính xác thực của những cuộc điện thoại này như có lần một người đồng giới ở Toulouse mà Đức giáo hoàng đã nâng đỡ lúc đầu triều giáo hoàng của mình hay trường hợp một người đàn bà ly dị tái hôn ở Argentina khẳng định rằng Đức Phanxicô nói bà có thể “rước lễ”.
Theo luật chung, Vatican không khẳng định cũng không phủ nhận – trừ trường hợp Toulouse mà cuộc gọi đã được chính thức xác nhận là không có – như thế có nghĩa là cuộc gặp ngày thứ bảy vừa qua là có thật.
Điều này cho thấy phần riêng tư trong công việc mục vụ của Đức giáo hoàng, ngài dành riêng thì giờ và có quyền tiếp riêng theo từng trường hợp mỗi người. Đây là cách làm quen thuộc của Đức Phanxicô, một trong những cách ngài thích làm như thời ngài còn làm giám mục ở Buenos Aires.
Vấn đề được đặt ra, thực chất là, một phần là chuyện đồng giới tính, một phần là chuyện chuyển giới, những chuyện này đã gây thảo luận về mặt thần học trong nội bộ Giáo hội Công giáo, đáng kể trong khuôn khổ Hội đồng về gia đình mà phần hai sẽ họp vào tháng 10 năm 2015.
Đức Phanxicô sẽ không đặt lại vấn đề về giáo điều cổ điển trên điểm này – từ chối không phán xét những người liên hệ nhưng lên án việc thực hành; chống đối hôn nhân đồng giới – nhưng muốn tạo ra một “văn hóa mới” trong Giáo hội Công giáo, “đón nhận hơn” đối với những người đồng tính và chuyển giới. Cuộc gặp gỡ ngoài luật lệ này là một minh họa cho thái độ này.
Nguyễn Tùng Lâm dịch