Khi Đức Phanxicô đi ra khỏi bài diễn văn soạn sẵn

275

Tại sao giáo hoàng Phanxicô thường nói tự phátlacroix.com, Sébastien Maillard, 28-1-2015

Sau chuyến đi của Đức Phanxicô ở Sri Lanka và Phi Luật Tân, người đọc chỉ giữ lại trong đầu những câu nói gây sốc của ngài như chuyện «con thỏ», chuyện «cái đấm» và chuyện cơn bão sắp tới làm ngắn chuyến đi Tacloban, vùng bị cơn bão Hải Yến tàn phá. Như thế là người ta mau quên tính cách mục vụ cao cả của Đức Phanxicô, người nói với giáo dân bằng quả tim của mình mà người Phi Luật Tân vừa khám phá. Một giáo hoàng 78 tuổi, sau ba ngày gặp gỡ không ngừng ở Sri Lanka, đã cố gắng hết mình để gần gũi giáo dân dù bị hàng rào ngôn ngữ ngăn cách. Cả ba lần gặp giáo dân, lần với các gia đình, lần với các nạn nhân siêu bão, lần với người trẻ, cả ba lần ngài đều bỏ bài diễn văn soạn sẵn mà đáng lẽ ngài sẽ đọc bằng tiếng “Anh khổ sở của mình” – ngài cũng tự thú nhận như vậy – để tự phát nói bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng Tây Ban Nha của mình với sự giúp đỡ của một thông dịch viên rất lão luyện của Vatican. Mục tiêu của trí tuệ thông minh quả tim đã ngay lập tức được đạt đến.

Sau Đức Bênêđictô XVI với khoa sư phạm uyên bác, không bao giờ tách đức tin và lý lẽ, là Đức Phanxicô, người mang tầm vóc thể lý vào đức tin Kitô. Một đức tin sống với tất cả các giác quan, với nước mắt và niềm vui hòa lẫn vào nhau. “Một vài thực trạng của cuộc sống chỉ được nhìn với đôi mắt đã được nước mắt rửa sạch”, ngài đã nói với các sinh viên và trấn an họ trong lời nói cô đọng: “Các con đừng sợ phải khóc!”

Trong những giây phút xúc động và riêng tư nhất của chuyến đi, Jorge Bergoglio không sợ phải đi ra ngoài cương vị giáo hoàng, ngài trả lời bằng những câu dễ hiểu cho mọi người, đặc biệt khi đứng trước chuyện đau lòng. “Rất nhiều người trong các con đã mất tất cả”, ngài nói với người dân ở Tacloban: “Cha không biết nói gì với các con. Ngài chỉ tay vào thập giá, chỉ có Chúa Kitô là biết sẽ nói gì với các con! Rất nhiều người trong các con đã mất một phần gia đình. Chúng ta giữ thinh lặng, tâm hồn cha ở bên cạnh các con trong thinh lặng… (..) xin các con tha lỗi cho cha nếu cha không có lời gì khác để nói.” Khi trả lời cho em bé Glyzelle, em thoát ra khỏi địa ngục đường phố ở Manila, em khóc khi hỏi cha, vì sao Chúa để cho trẻ con bị rơi vào những hoàn cảnh như thế này: “Câu hỏi nhức nhối là: vì sao trẻ con phải đau khổ? Em vừa đặt câu hỏi vừa khóc, và câu trả lời là: mỗi người chúng ta phải học để khóc.”

Các trao đổi này tuy không gây ồn ào trên truyền thông, nhưng tại chỗ những lời nói này đã an ủi giáo dân rất nhiều. Nếu Đức Phanxicô vẫn lạnh lùng tiếp tục đọc bài diễn văn bằng tiếng Anh đã soạn sẵn thì chuyến đi của ngài không mang cùng chiều sâu, cũng như sự tiếp xúc với người Phi cũng sẽ không tự nhiên. Như thế, từ buổi chiều ngài xuất hiện ở ban công Thánh Phêrô ngày ngài được bầu chọn, Đức Phanxicô chỉ sống qua các cuộc trao đổi. Ngài nhấn mạnh, là Kitô hữu không phải đơn thuần áp dụng các nguyên tắc nhưng trước hết là gặp Chúa nơi người khác. Ngài đã để tâm hồn mình lay động theo người dân ở Tacloban, theo tiếng khóc của em Glyzelle.

Rất nhiều ký giả trong số chúng tôi đã hình dung ngài sẽ lợi dụng phong cảnh hoang tàn của vùng bị bão để lên án cực mạnh các việc khai khác tài nguyên thiên nhiên quá độ. Nhưng ngài đã dùng sự khốn cùng của  Tacloban để làm nền cho một cuộc nói chuyện. Môi sinh thì theo chương trình đã định, ngày hôm sau ngài sẽ nói với giới trẻ, giới mà tương lai đất nước thuộc về họ. Nhưng lời ứng khẫu của ngài ở đây là ám chỉ cho thách thức này mà ngài sẽ nói đến trong Tông thư sắp đến.

Ở Tacloban, cuộc viếng thăm của ngài nhấn mạnh đến giá trị của tình huynh đệ hơn là tai ương tàn phá. “Ở đây, sức mạnh của cơn bão mạnh nhất chưa bao giờ có trên hành tinh nhường bước cho sức mạnh còn lớn hơn của hoàn vũ: đó là tình yêu của Thiên Chúa”, câu nói được soạn sẵn cho bài giảng vẫn còn giá trị. Và ngài đã diễn tả theo cách của ngài, mặc chiếc áo mưa màu vàng, khuôn mặt đẩm nước mưa với lời nói nồng hậu, với lời cầu nguyện trong thinh lặng. Ngài cũng chứng tỏ cho thấy – như hôm nay ngài nói trong thông điệp Mùa Chay – ngoài sự đe dọa của khí hậu nóng lên còn sự đe dọa của sự nguội đi của tâm hồn con người.

Nguyễn Tùng Lâm dịch