25 tháng 1, 2015
Cuộc họp báo trên máy bay từ Manila về Roma hôm thứ hai mới đây, là một lần nữa Giáo hoàng Phanxicô gây nhiều chấn động. Có 2 chuyện gây huyên náo ngay lập tức, một là chuyện tại sao người Công giáo không cần phải ‘sinh đẻ như thỏ,’ và thứ hai là ngài có ý muốn đá 2 viên chức tham nhũng vào ‘nơi không tối tăm tuyệt không có ánh mặt trời.’
Đây là 2 miếng mồi béo bở với báo giới, nhưng người ta lại bỏ quên 2 chuyện khác, mà cả hai đều quan trọng để hiểu được những gì đang ngày càng định hình con đường của giáo hoàng – chính là tâm thức cấp bách của ngài.
Hai điểm đáng chú ý này là, một quyển sách và một chuyến đi.
Từng nhắc đến trước đây, Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục nói đến quyển tiểu thuyết mang tính cánh chung năm 1907 ‘Chúa của Thế giới,’ của Robert Hugh Benson, người Anh, từ Anh giáo cải sang Công giáo. Tiểu thuyết này đưa ra một hình tượng phản không tưởng về cuộc đấu cuối giữa nhân loại thế tục với Công giáo, với trận chiến cuối cùng trên cánh đồng Sinh Tử Armageddon.
Tác giả khắc họa một thế giới trong đó, chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa thế tục đang nắm quyền chủ đạo, với cực điểm là một nhân vật ‘cứu thế’ đầy danh tiếng, được mô tả là Kẻ phản Kitô, vươn lên lãnh đạo chính phủ một thế giới. Các biểu tượng Kitô giáo bị công kích, các tín hữu bị kìm kẹp, và việc trợ tử chủ động được thực hành rộng rãi.
Đức Phanxicô từng khen ngợi tiểu thuyết này hồi tháng 11, 2013, trong bài giảng ngài lên án cái gọi là ‘chủ nghĩa cấp tiến nông nổi.’ Ngài lại nhắc đến quyển ‘Chúa của Thế giới’ trong buổi họp báo trên máy bay vừa qua, và nói rằng, ‘Tôi khuyên các bạn đọc nó’ bởi quyển này giải thích những gì ngài muốn nói đến trong cụm từ ‘thực dân tư tưởng’ nhân buổi gặp gỡ 20 ngàn gia đình Phi Luật Tân ở Manila.
Một vài người thấy tiểu thuyết này có tính tiên tri, người khác thấy hơi ‘dị thường.’ Phân tích ra, có thể thấy đều quan trọng trong ý của giáo hoàng, chính là một nhận thức mãnh liệt rằng thế giới đang đến hồi chuyển biến và không còn nhiều thời gian để chỉnh đốn mọi sự nữa.
Nói như thế, không phải là Đức Phanxicô tin rằng ngày tận thế đã gần kề. Nhưng, việc ngài yêu thích tiểu thuyết này có thể cho chúng ta dò thấy một việc là ngài tin rằng ngày hôm nay, nhân loại đang thực hiện những chọn lựa dứt khoát, từ kinh tế cho đến môi trường, và nếu chúng ta chọn sai, hậu quả sẽ khủng khiếp hơn chúng ta nghĩ.
Và điều thứ hai khiến chúng ta lại phải chú ý là việc giáo hoàng kể sơ qua về lịch trình công du của ngài:
Không kể chuyến đi vào tháng 9 đến Hoa Kỳ, Đức Phanxicô nói rằng ngài có kế hoạch đến thăm 3 nước châu Mỹ La tinh, là Ecuador, Bolivia, và Paraguay trong năm nay, và năm sau sẽ là Chilê, Argentina, và Uruguay, cùng với khả năng là Peru nữa.
Giáo hoàng cũng nói là ngài dự định đến 2 nước châu Phi vào cuối năm 2015, có thể sẽ là Uganda và Cộng hòa Trung Phi.
Đây là một kế hoạch đầy tham vọng, nhất là đặc biệt gan dạ khi dự tính đến Trung Phi .
Đất nước này vẫn còn là một vùng chiến sự, với xung đột nổ ra giữa Hồi giáo-Kitô giáo. Vì bạo lực lan tràn, mà Trung Phi đang bị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đưa vào danh sách cấm du lịch, vốn vừa tăng thời hạn lệnh cấm đến tháng 1 năm 2016.
Về mặt lý thuyết, Đức Phanxicô sẽ không vi phạm lệnh cấm này, nếu ngài đến Trung Phi vào tháng 11 hay 12, bởi lệnh này có ngoại lệ cho ‘nghĩa vụ tôn giáo.’ Nhưng người ta vẫn phải tự hỏi, tại sao giáo hoàng không chờ đến khi im hẳn tiếng súng rồi mới đến.
Nhưng, như ở Phi Luật Tân tuần trước, khi giáo hoàng lên lịch bay trong thời tiết bão nhiệt đới, để đến thăm những người sống sót qua cơn siêu bão Haiyan 2013, người ta cũng có thể hình dung ra các phụ tá và an ninh của ngài thế nào cũng đã hết lời cố thuyết phục ngài đổi ý.
Nhưng dựa trên sự nhất quyết phải đi bằng mọi giá của ngài, có thể thấy Đức Phanxicô không phải dạng người ngồi chờ.
Từ khi được bầu lên cách đây 2 năm, Đức Phanxicô đã đem lại một cơn bão những khởi xướng – từ cải tổ Vatican cho đến các văn kiện bom tấn, từ các khởi xướng ngoại giao táo bạo cho đến các buổi gặp và cử chỉ tự phát. Đôi khi có vẻ như thể ngài đang cố nhồi nhét các hoạt động trong vòng một thập kỷ của hầu hết các triều giáo hoàng, vào trong 2 năm đầu của mình. Và chúng ta phải tự hỏi, tại sao ngài lại vội vã đến vậy.
Dựa vào việc ngài nhiều lần nhắc đến quyển ‘Chúa của Thế giới,’ có thể thấy sự vội vã của ngài có liên quan đến việc ngài đã 78 tuổi nên thời gian có hạn, hay bởi ngài biết rằng ngài được bầu lên để cải tổ.
Không lâu trước khi về hưu hồi tháng 11 vừa qua, hồng y Francis George của Chicago, đã nói rằng cha muốn hỏi Đức Phanxicô về ‘quan điểm cánh chung rằng kẻ Phản Kitô đang hiện diện cùng chúng ta,’ và liệu điều này có giải thích được nhịp làm việc với cường độ mãnh liệt của ngài hay không.
(Trong thần học Công giáo, ‘cánh chung’ là nghiên cứu về các giai đoạn cuối cùng của đời sống con người và lịch sử, nói nôm na là ‘giờ cuối cùng’ – cái chết, phán xét, thiên đàng và địa ngục.)
Hồng y George nói rằng, ‘Có vẻ không một ai để ý chuyện này, nhưng tôi thấy nó rất đáng lưu tâm. Tôi hi vọng trước khi chết, tôi có dịp được hỏi Đức Phanxicô về cách hiểu của ngài đối với việc mục vụ giáo hoàng, tại sao lại đặt những thời điểm chung cục làm sự then chốt với chúng ta.’
Mà Đức Phanxicô có lẽ đã trả lời câu hỏi của hồng y George rồi.
Lời nhận xét về quyển ‘Chúa của Thế giới’ cho chúng ta thấy lời đáp có thể của ngài: ‘Đúng rồi, có một kẻ dữ, một kẻ phản Kitô, và một thời chung cục … và nếu chúng ta muốn tránh điều xấu nhất, thì tốt hơn hãy nhanh lên nào.’
J.B. Thái Hòa dịch