Zenit.org, Anne Kurian, 22-1-2015
Trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Manila về Rôma, Đức Phanxicô cho biết ngài sẵn sàng đi Trung quốc hoặc đón tiếp các đại diện quốc gia Trung quốc: Bàn tay đưa ra với chính quyền Trung quốc, nơi Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao từ năm 1950 đến nay.
Sau một tuần đi Sri Lanka và Phi Luật Tân (từ 12 đến 19-1-2015), trên chuyến bay từ Manila về Rôma, Đức Phanxicô đã có một cuộc họp báo lâu với các ký giả. Ngài có nêu lên các quan hệ của Tòa Thánh với Trung quốc: “Chính quyền Trung quốc rất lịch sự và chúng tôi cũng vậy, chúng tôi đi từng bước một như trong lịch sử đã từng làm… Hiện nay, chúng tôi chưa biết gì nhưng phía Trung quốc họ biết tôi sẵn sàng đón họ hoặc tôi sẽ đến đó. Họ biết.”
Ngài khẳng định, “chúng tôi cởi mở và muốn có hòa bình với tất cả mọi người”, ngài cũng giải thích vì sao ngài không tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Vatican trong buổi họp của các người được Giải Nobel Hòa Bình vào ngày 12 đến 14 tháng 12 vừa qua.
“Theo nghi thức của phủ Quốc Vụ Khanh thì chúng tôi không tiếp các nguyên thủ Quốc gia hay các nhân vật cao cấp khi họ đến họp các buổi họp quốc tế ở Rôma. Chẳng hạn với Lương Nông Quốc tế, chúng tôi không tiếp ai, vì vậy tôi không tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma,” Đức Phanxicô cho biết như trên.
Ngài bác bỏ lý do cho rằng vì “sợ Trung quốc”: “Như thế là không chính xác. Lý do như tôi vừa nêu ra trên. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xin tiếp kiến và chúng tôi đã ấn định ngày. Ngài đã xin trước cuộc họp, nhưng không phải lần này và chúng tôi đang tiếp xúc.”
Trong một điện văn gởi khi đang bay trên không phận Trung quốc, Đức Phanxicô đã chúc Chủ tịch Tập Cận Bình: “Trên chuyến bay từ Manila về Phi Luật Tân, chúng tôi đang bay trên không phận nước của ngài, tôi xin gởi lời chào đến ngài. Tôi có lời cầu nguyện cho ngài và cho toàn dân Trung quốc, xin cho ngài được an hòa và thịnh vượng.”
Đây là lần thứ nhì máy bay của một giáo hoàng được bay trên không phận Trung quốc, lần đầu là chuyến đi Nam Hàn của Đức Phanxicô vào tháng 8-2014 vừa qua. Chuyến bay của Đức Gioan-Phaolô II đi Nam Hàn năm 1989 bị từ chối.
Việc Bắc Kinh chấp nhận cho máy bay của giáo hoàng bay trên không phận mình là dấu hiệu có sự cải thiện trong quan hệ ngoại giao.
Cũng vậy, vừa qua bộ “Sưu tập các tác phẩm lịch sử và văn hóa Trung quốc từ thời nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1911) có trong Thư viện Vatican” vừa được công bố. L’Osservatore Romano đã chào mừng những “thành quả đầu tiên của một thỏa hiệp giữa các cơ quan của Vatican và các cơ quan của Bắc Kinh”, một bước tiến quan trọng trong việc đối thoại giữa Phương Đông và Phương Tây”.
Nguyễn Tùng Lâm dịch